Báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết công tác tự kiểm tra nội bộ của các đơn vị chưa phát hiện và xử lý vụ việc nào có liên quan đến tham nhũng, tuy nhiên qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo đã phát hiện, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 5 vụ.
Để phục vụ cho kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội khoá XV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa có báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
Báo cáo nêu rõ công tác tự kiểm tra nội bộ của các đơn vị chưa phát hiện và xử lý vụ việc nào có liên quan đến tham nhũng.
Tuy nhiên, qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo đã phát hiện, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 5 vụ (tính đến ngày 15/08/2020). Trong đó, 3 vụ qua thanh tra (thẩm quyển UBND huyện Đông Anh: 1 cuộc; UBND huyện Chương Mỹ: 2 cuộc); 2 vụ qua giải quyết khiếu nại tố cáo (thẩm quyền thuộc UBND huyện Chương Mỹ và UBND huyện Ứng Hòa).
Trả lời phỏng vấn RFA, Nhà hoạt động xã hội dân sự Trần Bang từ Sài Gòn cho rằng nội dung ông Chủ tịch Hà Nội đưa ra không hề mâu thuẫn mà đang phản ánh sự thật. Ông nói:
“Sự thật là không ai tự đi nói xấu mình hết. Có ai kiểm tra lại bảo tôi tham nhũng, phạm pháp không? Đấy là tâm lý nói chung, bất cứ ai cũng vậy, trong pháp luật cũng không quy định anh phạm tội mà lại tố cáo chính anh. Vậy thì phải có sự cạnh tranh bên ngoài soi vào, ví dụ như thanh kiểm tra từ cấp trên hoặc đơn vị khác lãnh đạo kiểm tra, hoặc kiểm toán, hoặc người dân tố cáo, tức ở ngoài đơn vị hoặc ở trong đơn vị nhưng những người mâu thuẫn lợi ích, không cùng ekip thì người ta mới tố cáo, mới lòi ra những sai phạm rồi mới đưa ra truy tố hoặc kiểm điểm…”
Không chỉ chính quyền Hà Nội bao che tham nhũng là trong mọi ngành mọi cấp đều có tình trạng này.
Ngày 07/08/2019, trên tạp chí Thanh Tra Việt Nam có bài viết “Bộ Y tế với công cuộc chống “tham nhũng vặt”” đã cho biết là trong 10 năm triển khai Luật phòng, chống tham nhũng thì Bộ Y Tế đã không phát hiện vụ tham nhũng nào.
Nhà quan sát Đỗ Ngà nhận xét về “thành quả” này như sau: Chuyện nghe thật nực cười. Ở đây chúng ta nên phân biệt “không phát hiện tham nhũng” khác hoàn toàn với “không có tham nhũng”. Đã không phát hiện tham nhũng thì chỉ có thể hoặc là hoàn toàn trong sạch, hoặc bao che tham nhũng quá hoàn hảo. Nói cộng sản mà “trong sạch” thì chẳng khác nào nói cá mọc cánh hay chim mọc vây. Việc không phát hiện ra tham nhũng trong 10 năm triển khai luật phòng chống tham nhũng ấy chỉ có thể là mức độ che giấu tham nhũng của chính quyền cộng sản nó quá hoàn hảo mà thôi.
Ông nhận định tham nhũng trong chính quyền cộng sản là loại tham nhũng có hệ thống. Việc tham nhũng không phải một cá nhân thực hiện mà nó có cả một chuỗi liên quan. Những chuỗi như thế này nó đã được dệt thành tấm lưới phức tạp phủ kín Đảng Cộng sản, trong đó mỗi cá nhân tham nhũng nó không chỉ là mắt xích của một chuỗi mà là mắt xích của nhiều chuỗi khác nhau. Chính vì vậy, khi phá một mắt xích thì rất có thể nó nó sẽ kéo cả chuỗi bị dính chàm theo nó.
Đó là lý do tại sao khi muốn xử tham nhũng thì ĐCS phải tìm cách cắt đứt mắt xích đó ra khỏi chuỗi để bảo vệ những mắt xích khác (mắt xích phe ta). Có hai cách cắt đứt mắt xích ra khỏi chuỗi, cách thứ nhất dùng mác “bí mật nhà nước” dán vào hồ sơ thì xem như chẳng ai đụng vào “mắt xích phe ta” được, và cách thứ nhì là tuyên án tử bằng căn bệnh “ung thư”. Đây là hai giải pháp mà hiện nay Đảng Cộng sản rất ưa dùng.
Dẫn chứng cho lập luận của mình, ông Đỗ Ngà đã nêu trường hợp cái chết bí ẩn của ông Phạm Quý Ngọ, từng là Thượng tướng Công an nhân dân, Thứ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ (2010 – 2014), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI.
Ngày 07/01/2014 trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng, nhân chứng Dương Chí Dũng khai đã đưa hối lộ trực tiếp 2 lần với tổng giá trị 510 ngàn đô, lần thứ ba là nhận 1 triệu đô của đại gia Trương Mỹ Lan gởi cho Phạm Quý Ngọ qua người trung gian tên Tiệp. Điều đặc biệt là Dương Chí Dũng có thuật lại lời nói của Tiệp rằng “”Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an, để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ. Và anh Quang sẽ điện cho anh, để anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa.”. Như vậy điều này cho thấy, số tiền một triệu đô này là ông Ngọ nhận cho ông Quang, lúc ấy ông Ngọ đang là Thứ trưởng Bộ Công An còn ông Quang là Bộ Trưởng.
Ngày 17/02/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Công an đối với Phạm Quý Ngọ vì liên quan đến vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”.
Điều đặc biệt là trước ngày ông Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định khoảng một tháng, báo chí được lệnh đồng loạt tung tin ông Phạm Quý Ngọ bị ung thư gan. Và kết quả là sau ký quyết định đúng một ngày, ông Phạm Quý Ngọ chết và vụ án bị đình chỉ điều tra.
Theo khoản 1 điều 2 của Quy định 121-QĐ/TW năm 2018 thì, cán bộ chủ chốt được khám sức khỏe hằng ngày, các ủy viên bộ chính trị khác được khám bệnh ít nhất hai ngày một lần, các ủy viên Trung Ương đảng được khám bệnh ít nhất mỗi tháng một lần. Đó là chế độ chăm sóc sức khỏe của quan chức cộng sản, Phạm Quý Ngọ là Ủy viên Trung Ương đảng, ông ta được chế độ khám bệnh hằng tháng, vậy mà đến khi bị phanh phui tội hối lộ thì mới phát hiện ra bệnh ung thư. Thế mới lạ! Vậy rõ ràng căn bệnh “ung thư” này không phải bởi nguyên nhân chính trị thì là nguyên nhân gì? Còn “kỳ diệu” hơn nữa là Phạm Quý Ngọ chết ngay khi cơ quan điều tra có quyền đụng đến ông, một cái chết kịp lúc để cho ông Trần Đại Quang thoát tội.
Một trường hợp ung thư đúng quy trình khác là cựu lãnh đạo Hà Nội Nguyễn Đức Chung sau một loạt những tai tiếng kéo dài từ nhiều năm qua.
Cụ thể, ngày 04/12/2015, ông Nguyễn Đức Chung chính thức thay ông Nguyễn Thế Thảo giữ chức Chủ tịch Hà Nội, thì 56 ngày sau, tức ngày 29/01/2016, Bùi Quang Huy cho lập nên Công Ty Giải Pháp Phần Mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software).
Vào ngày 06/12/2016, thì UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định 6699/QĐ-UBND với nội dung “Thuê dịch vụ cung cấp phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng điều hành, phục vụ công dân, doanh nghiệp”, thuộc chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP. Hà Nội năm 2016 với tổng giá trị là 10,784 tỷ đồng.
Điều đáng ngạc nhiên là gói thầu này không được đấu thầu công khai mà là chỉ định thầu, tất nhiên Nhật Cường Software ẵm trọn gói thầu này khi mà công ty mới thành lập được 10 tháng 8 ngày.
Không những thế, tính đến ngày 09/05/2018, Nhật Cường Software chỉ mới thành lập chưa được 2 năm 4 tháng, vậy mà đã trúng nhiều gói thầu khủng khác như: Cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm Lưu trú trực tuyến, phần mềm Hộ chiếu Online, đặc biệt là giải pháp Dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp… đánh bại những ông lớn như Viettel và VNPT.
Đáng chú ý là chính UBND TP. Hà Nội mà người đứng đầu là Nguyễn Đức Chúng lúc đó đã ban hành Công văn số 2847/UBND-KGVX, trong đó có chỉ định Nhật Cường Software thực hiện dự án.
Thế nhưng hai người bị bắt giam vì tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 lại là: Nguyễn Tiến Học, Phó giám đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư và Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Cơ quan thụ lý vụ án Nhật Cường Software là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu (C03), Bộ Công an.
Thế nhưng không biết bằng cách nào đó mà ông Nguyễn Đức Chung móc nối với cán bộ của C03 là Phạm Quang Dũng để lấy cắp tài liệu điều tra ở C03 về giao cho Phó phòng Thư ký – Biên tập Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Anh Ngọc và Nguyễn Hoàng Trung là lái xe của ông Nguyễn Đức Chung. Kết quả là 3 người này bị bắt vì tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo điều 337 Bộ luật hình sự 2015 vào cuối tháng 07 vừa qua.
Một tháng sáu đó, ngày 28/08, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam (4 tháng) đối với ông Nguyễn Đức Chung để điều tra hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Đến ngày 18/09, tất cả báo chí đều đồng loạt đưa tin ông Nguyễn Đức Chung bị bệnh ung thư. Ông Nguyễn Đức Chung là ủy vên trung ương đảng, được hưởng chế độ khám và chữa bệnh hằng tháng thế nhưng suốt nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hà Nội không thấy chính quyền cộng sản thông báo gì về bệnh tình của ông ta, đùng một cái lúc ông ta bị điều tra tội “làm lộ bí mật nhà nước” thì căn bệnh “ung thư” lại xuất hiện.
Và mới đây, mạng báo Zing hôm 27/11 dẫn cáo trạng của vụ án “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” cho biết, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung được đề nghị giảm án do có “tiền sử bị bệnh tâm thần” và sau đó được sửa đổi từ “tâm thần” trở thành “tiền sử bệnh ung thư“.
Trước sự việc này, Giáo sư Mạc Văn Trang đã viết: “Bắt tâm thần phải tâm thần, cho ung thư mới được phần ung thư. Ô hô quan xứ tù mù!”
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương nhận định: “Bản án của Chung không phải là bản án của một cá nhân mà đó là bản án của chế độ. Chế độ này tạo ra những con người kiểu như vậy. Nhưng trong quá trình leo lên như thế thì cũng có đồng lõa, đồng hội đồng thuyền cho nên cũng có sự bao che, bênh vực. Do đó tòa án cũng không dám xử một cách đúng người đúng tội. Không đi đến tận cùng bản án này.
Bây giờ họ lấy cớ ông Chung có tiền sử tâm thần để giảm án. Đây chỉ là trò mèo để biện giải… Rõ ràng không có sự nhân đạo gì ở đây mà đây chỉ là trò xỏ lá của tư pháp cộng sản hiện nay. Không có công lý mà chỉ có tư lý, tức là lý lẽ riêng tư của từng người.”
Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Trung ương Đảng họp quyết định số phận Nguyễn Đức Chung
>>> Tư tưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước pháp quyền XHCN: bánh vẽ & mị dân?
>>> Bất lực trước nạn tham nhũng ở Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng dẫn Bao Công thời đại mới
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT