Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=mOpxUlcQfew
Việc tái đắc cử Tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng không có gì là tuyệt mật và được nhiều nhà quan sát dự báo trước khi tiến hành Đại hội, nay họ lại tiếp tục bình luận sau khi kết quả chính thức được công bố.
Ngay lập tức Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng thành tích này của ông Nguyễn Phú Trọng.
“Chúng ta có thể dự đoán là ông Trọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch “đốt lò” và xây dựng đảng CSVN trong nhiệm kỳ thứ ba của mình.
Ngoài ra, chúng ta có thể mong đợi một chính sách tiếp tục đàn áp các tiếng nói bất đồng trên các phương tiện truyền thông xã hội.” Giáo sư Carl Thayer từ Úc viết trên BBC hôm 31-1.
Sức khỏe từng có vấn đề trong vài năm qua nhưng nay vẫn tiếp tục nắm vị trí quyền lực nhất, ông trở thành tổng bí thư tại vị lâu nhất kể từ thời Lê Duẩn, nhà lãnh đạo đã dẫn dắt đất nước bằng nắm đấm thép sau cái chết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt về toàn cảnh của Đại hội 13 và hướng đi tương lai của Việt Nam, nhà báo, nhà nghiên cứu Bill Hayton nói:
“Việt Nam dường như đang trở thành một quốc gia được thống trị bởi những tập đoàn tài phiệt. Có một số người cực kỳ giàu có, có mối quan hệ ấm cúng với đảng cầm quyền và có thể tác động đến chính trị và kinh tế có lợi cho họ.”
“Và Đảng có vẻ cũng nhận thấy họ đạt được một số lợi thế khi có thể sử dụng các tập đoàn tư nhân lớn làm công cụ cho chính sách kinh tế của mình.”
“Vì vậy, Vingroup, chẳng hạn, có thể đi tiên phong trong chính sách phát triển ngành sản xuất của nhà nước và đổi lại, họ được hỗ trợ rất nhiều qua những thay đổi về luật pháp, trợ cấp kinh tế – và thậm chí cả gián điệp công nghiệp.
Vì vậy, có một mối quan hệ cộng sinh giữa giới tài phiệt và đảng CSVN. Tuy nhiên, quan hệ đó không phải lúc nào cũng là một quan hệ dễ dàng. Đôi khi quyền lực của giới tài phiệt trở nên quá lớn và phải bị lấy bớt đi.”
“Đây có vẻ là một tiến trình mà nhiều nước đang phát triển đã đi qua. ‘Chủ nghĩa tư bản thân hữu’ là một đặc điểm của nhiều nền kinh tế của các Con hổ Châu Á trong thập niên 1990 chẳng hạn.
Mối quan hệ ấm cúng giữa các doanh nghiệp và chính trị gia là một trong những nguyên nhân của cuộc Khủng hoảng Tài chính Châu Á năm 1997.
Chúng cũng là một đặc điểm của giai đoạn phát triển kinh tế trước đó ở nhiều nước giàu.
Cái gọi là ‘Thời đại vàng son’ ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19 có các nhà tư bản độc quyền sử dụng đủ loại chiến thuật – hợp pháp và bất hợp pháp – để tiếp tục kiếm tiền.”
“Tuy nhiên, sự tồn tại của một nền dân chủ, một nền báo chí tự do và các tổ chức công đoàn độc lập cuối cùng đã dẫn đến sự kiểm soát cái gọi là ‘tập đoàn tài phiệt’ và sự chia sẻ của cải giữa những bộ phận xã hội rộng lớn hơn.
Việt Nam thiếu dân chủ, báo chí tự do và các tổ chức công đoàn độc lập, vì vậy câu hỏi đặt ra là liệu nước này có đủ năng lực để kiểm soát giới tài phiệt và chia sẻ của cải rộng rãi hơn trong xã hội hay không.”
Tập trung quyền lực để làm gì?
Ứng cử viên cao niên Nguyễn Phú Trọng và chuyện ông sẽ ở lại quá hạn cũng là đề tài mà một số nhà quan sát cho là phản ánh các vấn đề sâu sắc hơn ở Việt Nam: khác biệt Nam – Bắc, định hướng quan hệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc.
Nhà phân tích Philip Orchard, trong khi đó, viết trên trang Geopolitical Futures trước khi Đại hội 13 của Đảng CSVN kết thúc, rằng tuy dùng chiến dịch chống tham nhũng giống Tập Cận Bình để “thay thế mô hình lãnh đạo đồng thuận (consensus model) và tạo ra cách điều hành quyết đoán hơn để giải quyết các vấn đề đang nảy sinh ở Việt Nam” nhưng ông Trọng không phải là một Tập Cận Bình của Việt Nam.
Việc ông Trọng nếu tái đắc cử, theo Philip Orchard, chỉ nhằm để tiếp tục mô thức cầm quyền ông ta tạo ra.
Khác với Tập Cận Bình, không có nỗ lực nào để xây dựng một giáo phái nhân cách xung quanh ông Trọng, không có thông điệp nào từ phương tiện truyền thông nhà nước ám chỉ rằng chỉ một mình ông Trọng là có thể khôi phục lại cho Việt Nam vinh quang đã mất.
Ông Trọng được dư luận trông đợi sẽ về nghỉ hưu “khi mà cấp dưới hết tranh cãi với nhau đủ lâu để có thể đồng ý với nhau về cách thay thế ông tốt nhất nhằm gỡ thế bí (gridlock) nhân sự“.
Trước ĐH 13, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm trong một bài viết cho BBC nhận xét rằng người mà ông Trọng đang đi tìm “là chính ông“, một chỉ dấu cho thấy sự bế tắc trong việc chuyển giao quyền lực ở thời điểm này.
“Chỉ có một mình Nguyễn Phú Trọng đang đi tìm một Nguyễn Phú Trọng và càng loay hoay tìm người kế vị, ông chỉ nhìn thấy chiếc bóng của mình,” Tiến sĩ Liêm viết.
Trên Facebook cá nhân có hơn 40 ngàn người theo dõi, GS Mạc Văn Trang bình luận rằng “Bảo: cụ Trọng phải tiếp tục làm TBT thì được. Còn bảo, cụ ấy già yếu, nghỉ cho người trẻ lên là “phản động”! DÂN CHỦ thế đấy! Ha ha ha!”.
Trong bài viết “THẢO NÀO NHÂN SỰ ĐẢNG LÀ “TUYỆT MẬT“?” GS Mạc Văn Trang viết rằng:
“Nay xem Danh sách BCHTW ĐCSVN khoá XIII vừa được công bố, mới càng thấy “tuyệt mật” về nhân sự của ĐCSVN là bí quyết thành công! Nếu công khai danh sách để “Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra, Dân góp ý” thì nhiều chuyện “thâm cung bí sử” của nhiều đồng chí sẽ toé loe ra, không khéo “bung”, “toang” thì nguy. Bí mật nên “Lòng Dân” mới không biết “Ý Đảng” ra răng mà mần!
Cụ Nguyễn Phú Trọng. Cứ cho là sự nghiệp “đốt lò” của Cụ được nhiều người khen; Cụ gương mẫu với các đảng viên; Cụ có công củng cố Đảng… nhưng nghe trong Dân có nhiều ý kiến về Cụ đấy:
– Nhiều người thương yêu Cụ, bảo Cụ già yếu, bệnh tật thế kia, để Cụ phải gánh vác công việc nặng nề nom rất tội. Nghe nói Cụ bà cũng khuyên can Cụ nghỉ hưu thôi. Nhiều người quý Cụ mà muốn Cụ được an nhàn tuổi già.
Cũng có người bảo cụ Bai- Đần bên Mỹ còn già hơn, nhưng cụ ấy chưa bị bệnh, còn đi lại nhanh nhẹn, quỳ gối cũng rất thanh thoát; còn cụ Trọng thì tai biến rồi, đi phải có người dắt, tuổi càng cao, sẽ càng yếu…
Cụ ở lại mang tiếng “tham quyền, cố vị”; ở ĐH XII, hứa là làm nửa nhiệm kỳ, thế rồi kéo dài cả nhiệm kỳ, nay lại kéo tiếp nhiệm kỳ thứ 3. Thế là vi phạm Điều lệ Đảng, mà thân làm tội đời, chứ được gì!…
– Lại có người bảo, sao Cụ không tin vào người kế cận do chính Cụ tuyển chọn, bồi dưỡng mà cứ cố ôm đồm? Tre già măng mọc chứ, ôm sao được mãi?
Cụ từng chọn ông Phạm Quang Nghị làm “thế tử”, thế rồi cũng đi “tong”; rồi ông Đinh Thế Huynh, Cụ tâm đắc lắm, thế mà cũng cho “ngồi chơi xơi nước” mất tăm!
Rồi khoá này, ông Trần Quốc Vượng được chọn là Thường trực Ban bí thư, “dưới một người, trên vạn người”, quyền sinh, quyền sát bấy lâu nay, thế mà cũng cho “tuột dốc không phanh”.
Vậy là sao? Có kẻ độc mồm, theo “thuyết âm mưu”, nó bảo, Cụ chỉ giả vờ “lú” thôi, chứ thâm nho lắm: Chọn người kế vị “có vấn đề”, để Cụ phế đi và tiếp tục nắm quyền… Thôi thì miệng tiếng “Dân biết, Dân bàn”… phức tạp lắm!
– Còn cái bọn “thế lực thù địch, cơ hội, bất mãn”, đòi Tam quyền phân lập, Xã hội dân sự, mà Cụ gọi là “những kẻ bất hảo”, chúng nó chê Cụ kinh lắm, chả dám nhắc ở đây làm gì.
Nhưng bọn ấy cũng là Dân đấy, chúng vẫn là công dân, thực hiện theo điều 25 của Hiến Pháp CHXHCNVN (2013).
Dù Cụ bảo: Hiến pháp là quan trọng lắm, chỉ dưới Cương lĩnh của Đảng, nhưng bọn này không thèm biết Cương lĩnh là gì, cứ Hiến pháp là tối thượng!
Cụ mà bắt bọn này đi tù hết thì nhà tù đâu mà chứa?
TBT Nguyễn Phú Trọng nói “Dân tinh lắm, hỏi dân biết cả”, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư nói: “Dân là người giám sát, không ai qua mắt được dân”, đều đúng sự thật, là chân lý đó. Nhưng Đảng nói vậy mà lại sợ hãi, trốn tránh, che giấu SỰ THẬT! Bầu bán xong rồi mới dám công khai, thì Dân còn biết làm gì!?” GS Mạc Văn Trang nêu chất vấn.
Blogger Bùi Thanh Hiếu cũng đưa ra bình luận với bài viết mang tựa đề “Không có vùng cấm nhưng có vùng đặc biệt.” Nội dung như sau:
“Phát biểu về xử lý tham nhũng, tức xử những cấp dưới của mình, ông Trọng thường dùng từ mạnh mẽ “không có vùng cấm”, “Kiên quyết xử lý những kẻ lợi dụng chức quyền tham ô, tư lợi”….vô vàn những điều chính trực thốt ra từ miệng của ông.
Thế nhưng cuối cùng ông lại chính là kẻ lợi dụng chức quyền để tư lợi, đặt mình ra khỏi vùng cấm.
Lợi dụng ở đây là ông lợi dụng quyền tổng bí thư, quyền trưởng tiểu ban nhân sự, quyền trưởng ban quy hoạch cán bộ chiến lược để đưa ông vượt ra khỏi vùng cấm là điều 17 của điều lệ đảng quy định không được làm tổng bí thư quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, vượt qua quy định 90 về nhân sự là người lãnh đạo phải đảm bảo sức khoẻ, độ tuổi tái cử không quá 65.
Sau ngày khai mạc đại hội đảng CSVN lần thứ 13, có một số tin đồn ông không chắc đã được đại hội bầu tiếp tục làm Tổng bí thư.
Điều này rất khó xảy ra, bởi ông Trọng đã lường trước mọi tình huống xảy ra ngoài sắp đặt của ông.
Điều đáng chú ý là ở đại hội 13 lần này không thấy đề cập đến quyết định 244 quy định về trường hợp được giới thiệu ở đại hội, trường hợp tự ứng cử phải qua những quy trình nào.
Có nghĩa ông Trọng đã loại bỏ điều 244 để không có kẻ nào ngoài danh sách mà ông đã chọn được ứng cử.
Theo quy định thì các uỷ viên bộ chính trị , ban bí thư không được để cử những ai nằm ngoài danh sách đề cử của Bộ Chính Trị trong các hội nghị trung ương.
Danh sách ông Trọng đã chọn ở hội nghị trung ương 15, hội nghị cuối cùng của khoá 12 như sau.
Tổng bí thư – chính ông
Chủ Tịch Nước – Nguyễn Xuân Phúc
Thủ Tướng – Phạm Minh Chính
Chủ tịch quốc hội – Vương Đình Huệ.
Trả lời báo chí, Hầu A Lềnh phó chủ tịch uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam cho biết.
“Trên cơ sở đó, các đoàn đại biểu sẽ thảo luận. Đại hội sẽ cung cấp hồ sơ rất đầy đủ của cá nhân từng ứng viên để các đoàn đại biểu có đủ thời gian để xem xét một cách kỹ lưỡng từng nhân sự.
Thời gian dành cho thảo luận về công tác nhân sự là 3 ngày, thời gian rất dài và đủ để các đại biểu có thể nghiên cứu một cách đầy đủ nhất về hồ sơ của từng ứng viên và nghiên cứu kỹ nhất về đề án nhân sự để bầu chính xác.
Dự kiến, Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vào ngày chủ nhật (31/1) và công bố kết quả vào chiều cùng ngày”.
Câu trả lời của Hầu A Lềnh không nhắc đến việc đại hội giới thiệu ứng cử viên, các đại biểu chỉ nhận hồ sơ ứng cử viên do đại hội cung cấp và căn cứ theo đó bỏ phiếu bầu.
“Đặc biệt lần này đại hội sử dụng máy quét đếm phiếu đưa vào máy quét rồi hiển thị kết quả trên máy tính, giám sát viên chỉ nhìn con số trên màn hình máy tính.
Thử hỏi với công nghệ bây giờ, có thể mặc định cho máy tính một chương trình tính 80% cho một cái tên Nguyễn Phú Trọng không? Quá đơn giản và dễ dàng.
Ai là người dám thắc mắc khiếu nại khi mà sáng bỏ phiếu, chiều đã công bố kết quả, hôm sau đã bầu Bộ Chính Trị. Gan hùm cũng không dám thắc mắc khi thời gian công bố nhanh như vậy.
Cơ hội loại bỏ ông Trọng chỉ có ở chỗ 3 ngày nghiên cứu hồ sơ ứng cử viên, nhưng quy định lại là để lựa chọn bầu chứ không phải để đề nghị loại bỏ ứng cử viên ra khỏi danh sách ứng cử. Các đoàn bị cô lập riêng rẽ, không cho trao đổi, bàn bạc. Cho nên cơ hội loại bỏ ông Trọng ra khỏi danh sách là không thể, trừ khi có trưởng đoàn nào đứng lên đề nghị đại hội loại ông Trọng ra khỏi danh sách ứng cử vào trung ương khoá 13 và các đoàn khác đều đứng dậy phát biểu đồng tình.
Nhưng bị phân chia riêng rẽ như thế, ai dám đứng lên, ai tin các đoàn khác ủng hộ ý kiến đó.
Cho dù các đoàn đều không đồng ý ông Trọng tái cử, thì làm gì có thời gian thảo luận khi sáng bỏ phiếu chiều đã công bố ?
Không có đến 3% cơ hội lật ông Trọng giữa đại hội 13 bởi các quy trình ông ấy đã sắp đặt kín kẽ không có khe hở.
Cả 5 năm ông chỉ mỗi việc loại các đối thủ và sắp đặt ghế cho mình, trong khi những người khác phải cáng đáng bao nhiêu việc nặng nề.
Ông ưu thế hoàn toàn. Một kẻ vừa đá bóng vừa thổi còi cần gì phải di chuyển nhiều trên sân, chỉ cần đi bộ dẫn bóng đến khung thành, ai ngăn cản sẽ bị thẻ đỏ. Làm sao mà không toàn thắng.”
Blogger Bùi Thanh Hiếu đưa ra nhận xét.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Bầu Ủy viên Trung ương, Nguyễn Thanh Nghị lại một lần nữa thách thức Nguyễn Phú Trọng
>>> Đại hội 13: Nguyễn Phú Trọng bám ghế – dẫn đường lên CNXH
Khẩu hiệu Đại hội 13 phản ánh tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT