Thay đổi tư duy thể chế để tiếp tục cải cách

Link Video: https://youtu.be/3FYik29sfDQ

Sau hơn 35 năm Đổi mới, “nghẽn thể chế” vẫn nghiêm trọng. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng tắc nghẽn chính là tư duy ‘đóng’ về thể chế. Thể chế tốt là nền tảng của thịnh vượng, dân chủ. Cải cách thể chế là làm thay đổi nó cho tốt hơn. Tiếp tục cải cách cần có giải pháp chính sách đột phá hơn trước để loại bỏ những cản trở, níu kéo và thúc đẩy các yếu tố thịnh vượng.

Thể chế tốt

Một mô hình thể chế ra đời, phát triển tự nhiên và hoàn thiện, thậm chí qua cạnh tranh thể chế đã chứng tỏ tính ưu việt của nó để trở thành thể chế tốt. Trong thời kỳ hiện nay của lịch sử nhân loại đó là chế độ dân chủ. Nó chỉ ra rằng để có thịnh vượng cần có dân chủ. Điều đó tạo ra triết lý cải cách thể chế.

Trước hết, để phát triển kinh tế cần có các yếu tố: vốn vật chất, vốn nhân lực với những kiến thức, kỹ năng thúc đẩy sự phát triển và sự tổ chức để kết hợp chúng với nhau theo cách tạo ra hàng hóa và dịch vụ có giá trị. Ở đây, vai trò của các doanh nhân như những người mang ý tưởng, bản lĩnh, tiên phong được đề cao và vấn đề khuyến khích, ưu đãi là quan trọng để tạo ra động lực thúc đẩy… Bởi vậy, thể chế tốt cần dựa trên các nền tảng hoàn thiện quyền sở hữu tài sản, chính phủ trung thực và trong sạch, ổn định chính trị, hệ thống luật pháp đáng tin cậy và thị trường cạnh tranh và cởi mở.

Trong thực tế một số quốc gia có thể chế tốt và một số lại không tuỳ thuộc vào sự kết hợp phức tạp bởi nhiều yếu tố như lịch sử, tư tưởng, văn hoá, địa lý, thậm chí là “sự may mắn”. Chế độ ở Mỹ đã tạo nên thịnh vượng, tự do và dân chủ. Những người Mỹ khiêm tốn nghĩ rằng họ “may mắn”. Hiến pháp nước Mỹ “may mắn” được viết ra vào thời kỳ Khai sáng trong thế kỷ 18 khi mà các ý tưởng của Adam Smith và John Locke được phổ biến. Và nó thừa hưởng xu hướng hướng tới nền kinh tế thị trường và các thể chế dân chủ từ Vương quốc Anh. Mô hình thể chế này tạo ra “miền đất hứa” với quyền tự do cá nhân để thử những ý tưởng mới và cách sống mới thực hiện giấc mơ cho mình. Ngoài ra, cũng là “may mắn” khi George Washington “có đức” chỉ làm tổng thống hai nhiệm kỳ chứ không tìm mọi cách duy trì ngôi vương suốt đời…

Biển cổ động Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản VN

Độc quyền chính trị

Từng tồn tại mô hình cạnh tranh với chế độ dân chủ. Mô hình Xô-viết ra đời dựa trên tư tưởng phê phán chủ nghĩa tư bản là bóc lột sức lao động, bất công và bởi việc sử dụng bạo lực cách mạng vô sản năm 1917 để hướng tới xã hội cộng sản với các giá trị lý tưởng. Lý thuyết, hệ tư tưởng và phong trào cộng sản từng là nền tảng của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, hình thành sau Thế chiến II năm 1945 và sụp đổ vào đầu những năm 90s của thế kỷ 20. Khoảng thời gian này được gọi là thời kỳ “chiến tranh lạnh”, trong đó hai mô hình cùng tồn tại và cạnh tranh với nhau. Tranh luận về nguyên nhân sụp đổ của mô hình Xô-viết không mấy ý nghĩa khi đại bộ phận người dân ở đó đã không muốn quay lại với chế độ đó một lần nữa.

Chưa có tiền lệ trong lịch sử loài người, mô hình Xô-viết đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu. Người ta gọi nó là chế độ đảng cộng sản toàn trị. Nhà chính trị học người Pháp Raymond Aron (1905-1983) năm 1968 đã khái quát năm tiêu chí của chế độ này và được công nhận rộng rãi bởi giới nghiên cứu, gồm: (1)Một nhà nước độc đảng, độc quyền trong tất cả các hoạt động chính trị; (2)Một hệ tư tưởng chính thống duy nhất; (3)Nhà nước độc quyền kiểm soát các phương tiện thông tin đại chúng; (4)Nền kinh tế, các chủ thể kinh tế chủ yếu đều do nhà nước kiểm soát; (5)khủng bố ý thức hệ biến các hành động kinh tế hoặc nghề nghiệp trở thành phạm tội. Theo cách diễn giải của James Robinson và Daron Acemoglu – đồng tác giả cuốn sách “Vì sao các quốc gia thất bại”, đây là chế độ độc quyền chính trị bao trùm lên toàn xã hội, và nó cản trở thịnh vượng và sẽ dẫn đến sự thất bại của quốc gia.

Một số quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam từng thuộc “phe chủ nghĩa xã hội” trước đây, đã mở cửa với thế giới và cải cách, nhưng vẫn duy trì chế độ toàn trị này. Sự “trường thọ” của chế độ này trong gần nửa thế kỷ qua được giải thích bởi sự tăng trưởng kinh tế nhờ chuyển đổi sang thị trường trong bối cảnh toàn cầu hoá đã bảo đảm tính chính danh, che giấu sự theo đuổi quyền lực và dựa vào bạo lực. Ngoài ra, sự “linh hoạt” về ý thức hệ cũng được phân tích, trong đó triết lý cầm quyền, được sản sinh bởi hệ tư tưởng Mác-Lênin phức tạp, mang tính thích nghi và biện minh tinh vi cho những vi phạm quyền tự do dân chủ, thất bại chính sách, thậm chí “an ủi” dân chúng về tương lai. Tuy nhiên, khi bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế chế độ bộc lộ nguyên bản chất chuyên chế, lạm dụng quyền lực, tập quyền quá độ, và để cho quyền lực cá nhân áp đảo các chuẩn mực thể chế…. Đó là những điều người ta đang chứng kiến tại các quốc gia có kiểu chế độ toàn trị này.

Tiếp tục cải cách

Dựa vào những đặc điểm chủ yếu nêu trên, thể chế chính trị ở Việt Nam là một “biến thể” của chế độ đảng toàn trị. Điều 4 Hiến pháp từ lâu đã quy định quyền lực toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ trương cải cách, được gọi là Đổi mới, được tiến hành từ năm 1986 tại Đại hội 6 của Đảng. Đổi mới trước hết để tránh sụp đổ và duy trì chế độ, sau đó nó tự tạo ra sức ép tăng trưởng kinh tế để đảm bảo tính chính danh.

Các yếu tố thịnh vượng nêu trên như lịch sử, tư tưởng, văn hoá, địa lý… được cân nhắc áp dụng trong cải cách. Yếu tố “may mắn” là cải cách diễn ra trong bối cảnh thế giới toàn cầu hoá, trong đó chủ nghĩa tư bản đã san phẳng yếu tố chính trị của các quốc gia. Trong thời kỳ này một loạt các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vốn kém phát triển, đã được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư của tư bản nước ngoài để tăng trưởng kinh tế nhanh, tạo cơ sở để giải quyết các vấn đề xã hội. Sự “may mắn” này cần được tính đến để đánh giá thực trạng và tiếp tục cải cách thể chế trong trật tự thế giới mới.

Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam đầu năm 2021 ghi dấu mốc của việc củng cố chế độ đảng toàn trị sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế và thể chế. Chính sách mở cửa với thế giới vẫn được thúc đẩy tích cực để thu hút đầu tư nước ngoài để tăng trưởng kinh tế trong khi cải cách trong nước bằng sự tập trung quyền lực quá độ đang chứa đựng mâu thuẫn và bất ổn, trong đó sự phụ thuộc vào cá nhân lãnh tụ việc chuyển giao quyền lực là nguy cơ hiện hữu. Ngoài ra, yếu tố địa chính trị – láng giềng với Trung Quốc, trở thành “lời nguyền” trong bối cảnh cạnh tranh căng thẳng giữa hai hệ tư tưởng đối kháng.

Thay cho lời kết luận, khuyến nghị ở đây là cải cách để hướng tới một thể chế tốt, như một môi trường trong đó các yếu tố thịnh vượng kết hợp với nhau hiệu quả nhất để phát triển bền vững quốc gia và mang lại dân chủ cho người dân. Đó là xu hướng khó có thể đảo ngược, mặc dù cải cách thể chế hiện nay ở Việt Nam chưa khi nào được giới lãnh đạo coi là quá trình chuyển đổi dân chủ. Bởi vậy, quá trình cải cách thể chế thực sự sẽ còn lâu dài và khó khăn.

Bài phân tích của TS. Phạm Quý Th

Ngun: https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/regime-leaders-need-to-change-perception-to-continue-renovation-08162021112234.html

Kasse animation 7.8.2023