Vụ nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án: Bộ Ngoại giao Mỹ và quốc tế phản đối

Link Video: https://youtu.be/rp6ofbt9690

Cơ quan ngoại giao các nước và các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, nhân quyền đồng loạt lên tiếng phản đối bản án 9 năm tù giam mà Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên đối với nhà báo Phạm Đoan Trang.

Chỉ vài giờ sau phiên xử ngày 14 tháng 12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà Trang và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam được tự do bày tỏ quan điểm mà không sợ bị trả thù.

Hoa Kỳ lên án việc buộc tội và kết án chín năm tù đối với nhà báo và tác giả Phạm Đoan Trang, người chỉ đơn thuần bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hoà.” – Tuyên bố có đoạn viết.

Ông Ned Price – Phát ngôn nhân của cơ quan này cũng nhắc đến quan điểm gần đây của Nhóm công tác của Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện, cho thấy việc giam giữ bà Trang là tùy tiện và trái với các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người của Việt Nam.

Đại sứ quán Canada tại Hà Nội cũng ra tuyên bố trên trang Facebook chính thức về vụ việc, cho biết nước này “vô cùng quan tâm đến việc tuyên án đối với bà Phạm Thị Đoan Trang“, đồng thời cơ quan ngoại giao Canada cũng kêu gọi “nhà chức trách Việt Nam cho phép các nhà báo hành nghề mà không sợ bị bắt giữ, sách nhiễu hoặc trả thù, đồng thời chấm dứt kiểm duyệt và kiểm soát diện rộng đối với các phương tiện truyền thông và tự do ngôn luận.”

Bà Amanda Milling, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Phát triển phụ trách khu vực châu Á của Bộ Ngoại giao Anh, nói trong thông cáo ngày 15/12: “Việc nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang phải nhận mức án 9 năm tù là vô cùng đáng lo ngại. Bỏ tù các nhà báo chỉ vì họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa gửi thông điệp sai trái tới những người ủng hộ sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.”

Vương quốc Anh, cùng các thành viên của cộng đồng quốc tế, đã bày tỏ quan ngại trước cách Phạm Đoan Trang bị đối xử kể từ khi bà bị bắt vào tháng 10 năm 2020, và đưa ra quan điểm của mình với Chính phủ Việt Nam, thông cáo cho biết.

Bản án này đã gửi đi thông điệp chống lại quyền tự do ngôn luận” thông cáo viết.

Đại sứ Petra Sigmund, Vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức, viết trên Twitter hôm 14/12 bày tỏ sự bàng hoàng với bản án 9 năm đối với cựu học giả của chương trình Villa Aurora Los Angeles, nhà báo Phạm Đoan Trang.

Ảnh: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 14/12 lên án việc kết án 9 năm tù đối với tác giả Việt Nam Phạm Đoan Trang

Bản án này phát đi tín hiệu đáng báo động về quyền tự do ngôn luận. Việt Nam cần đề cao các quyền cơ bản của con người như được bảo đảm trong hiến pháp và các cam kết quốc tế” bà viết.

Bộ Ngoại giao Cộng hòa Czech hôm 15/12 viết trên Twitter rằng đại diện ngoại giao của nước này không được tham dự phiên tòa xét xử Phạm Đoan Trang.

Nhiều quốc gia, trong đó có Cộng hòa Czech, đã không được phép tham gia phiên tòa xét xử Phạm Đoan Trang với tư cách quan sát viên”.

Chúng tôi yêu cầu Việt Nam không gì khác ngoài việc tôn trọng Hiến pháp của mình và các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia, và việc trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang.

Phản ứng của người Việt

Nhà hoạt động nhân quyền Hoa Nguyễn ở Sydney, Australia, đồng thời là một người bạn của bà Trang, nêu nhận định với VOA về bản án dành cho bà Trang: “Tôi không ngạc nhiên.”

Bà Hoa, người theo dõi các phiên tòa xét xử các nhà tranh đấu ở Việt Nam từ năm 2018 cho đến nay, cho biết: “Tôi và những người liên quan đến Phạm Đoan Trang không buồn, không trông đợi, không sốc gì cả.”

Ảnh: Đại sứ quán Canada viết rằng họ “vô cùng quan ngại trước tuyên án của bà Phạm Thị Đoan Trang.”

Cũng từ Australia, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, viết trên Facebook: “Cái ‘tội’ của Đoan Trang là đi trước thời đại, vượt lên những suy nghĩ của người cầm quyền. Đó cũng là cái giá phải trả của người trí thức trong một môi trường lạc hậu và giáo điều”.

Hết ngày này sang ngày nọ, đa số công chúng được gieo vào những niềm tin rằng nói khác với quan điểm của đảng và Nhà nước là “phản động”, mà phản động là đồng nghĩa với tù đày thì theo thời gian nó sẽ trở thành một chuẩn mực. Chuẩn mực là không được nói khác Nhà nước. Chuẩn mực là phải im lặng.

Theo đó, những ai nói khác hay lên tiếng trước những bất công xã hội thì bị xem là ‘phản động’, là tội phạm”, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn viết.

Cựu nhà báo Trương Huy San, tác giả của ‘Bên Thắng cuộc’, ở Tp. Hồ Chí Minh, nêu nhận định trên Facebook: “Nếu chúng ta đang sống trong một xã hội có tự do, có phẩm giá, có công lý, có dân chủ thì những người như Đoan Trang sẽ có một vị trí đáng ngưỡng mộ trong xã hội.”

Như VOA đã loan tin, ngày 14/12, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội tuyên phạt bà Phạm Đoan Trang (tên đầy đủ là Phạm Thị Đoan Trang, 43 tuổi), 9 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo khoản 1, Điều 88 Bộ Luật hình sự năm 1999.

Ảnh: bà Phạm Đoan Trang trong phiên tòa hôm 14-12 tại Hà nội

Các tổ chức nhân quyền lên tiếng

Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế ra tuyên bố gọi bản án chín năm tù mà toà án Hà Nội đưa ra cho nhà báo Phạm Đoan Trang là “khủng khiếp”, ngay sau khi phiên toà kết thúc.

Trong tuyên bố của tổ chức này, bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc khu vực còn nói thêm rằng:

Việc chính quyền Việt Nam kết án Phạm Đoan Trang, một nhà báo và là người bảo vệ nhân quyền là không thể chấp nhận được. Bà Trang đã tranh đấu nhiều năm trời cho một nước Việt Nam công lý, tương thân tương ái, và tôn trọng quyền con người.

Những việc ấy cần phải được tuyên dương và bảo vệ, chứ không phải hình sự hoá hay trừng phạt.”

Ảnh: Nhà báo Phạm Đoan Trang nhận giải Tự do báo chí năm 2019 do Phóng viên Không biên giới trao tặng.

Bà này còn cho rằng sự đối xử của chính quyền Việt Nam đối với nhà báo Phạm Đoan Trang trong những năm qua, bao gồm “sách nhiễu, giám sát, đe doạ, tra tấn, và khởi tố”, đã thể hiện “bản chất tàn bạo” của chế độ.

Văn bút Quốc tế – một tổ chức có tiếng trên thế giới về bảo vệ quyền tự do tư tưởng và biểu đạt của nhà báo và tác giả, có thông cáo báo chí gọi phiên toà và bản án mà chính quyền Việt Nam đưa ra là “hành động trả thù nhằm bịt miệng Phạm Đoan Trang, và trừng phạt những gì cô ấy đã làm.”

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, ông Phil Robertson, phó giám đốc ban Á Châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền thì gọi Phạm Đoan Trang là một “nhà cải cách dấn thân”, và cho rằng sự cầm tù đối với bà Trang mà minh chứng cho thấy mọi sự sai trái ở nơi nhà cầm quyền Việt Nam.

Trưởng Văn phòng Khu vực Chấu Á- Thái Bình Dương của Tổ chức Phóng viên hông Biên giới – RSF, ông Daniel Bastard, nói:  “Những lập luận què quặt mà tòa án Hà Nội nêu ra làm căn cứ để ra bản án chín năm không thể lừa được ai.

Đây là loại công lý chính trị theo lệnh của đảng cộng sản cầm quyền với mục tiêu duy nhất là trừng trị một nhà báo chỉ mong muốn đưa thông tin đến cho đồng bào của mình.”

RSF kêu gọi cộng đồng quốc tế áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Việt Nam chịu trách nhiệm về quyết định không thể chấp nhận được như thế đối với bà Phạm Đoan Trang.

Bản án chín năm mà tòa Hà Nội tuyên cho nhà báo độc lập này được đưa ra sau 434 ngày giam giữ tùy tiện. Mục đích nhằm bị miệng một nhà đấu tranh hàng đầu cho quyền tự do báo chí tại Việt Nam và trên thế giới.

Chỉ số Tự do Báo chí năm 2021 của RSF xếp Việt Nam thứ 175 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Trịnh Hữu Long – người đại diện cho nhà báo Phạm Đoan Trang bày tỏ quan điểm trước phản ứng của cộng đồng quốc tế, ông nói:

Tôi nghĩ rằng phản ứng của cộng đồng quốc tế không chỉ là với chính quyền Việt Nam, mà tôi nghĩ rằng có thể thông điệp quan trọng hơn mà họ muốn gửi là đến những nhà hoạt động, những người đang lên tiếng đấu tranh ở Việt Nam, rằng họ không cô đơn trong cái cuộc đấu tranh này.

Và thứ hai nữa, tôi nghĩ rằng nó là một cái điều gửi đến cho công chúng Việt Nam nói chung rằng những hành động của những nhà đấu tranh đó, những nhà báo đó là hoàn toàn không có gì sai trai về mặt pháp lý, và đáng được ủng hộ về mặt giá trị tiến bộ.”

Nhà báo Phạm Đoan Trang được biết đến rộng rãi bởi các tổ chức quốc tế thông qua những công việc và giải thưởng bà nhận được trong những năm qua.

Bà được nhận Giải Nhân quyền Homo Homini từ tổ chức People In Need hồi năm 2018.

Sau đó, được tổ chức Phóng Viên  Không Biên Giới RSF ở Pháp trao tặng giải Tự Do Báo Chí năm 2019.

Vào năm 2020, bà được tổ chức Hiệp hội Xuất bản Quốc tế trao giải Prix Voltaire cho hoạt động xuất bản sách cùng với Nhà Xuất bản Tự do.

Ảnh: bất chấp sự đàn áp của chính quyền Cộng sản Việt nam, nhà báo Phạm Đoan Trang cùng nhà xuất bản tự do đã cho ra đời hàng loạt đầu sách có nội dung cổ súy dân chủ nhân quyền cho Việt nam

Trung Kiên – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Tổ chức Phóng viên Không biên giới kêu gọi cộng đồng quốc tế áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các lãnh đạo độc tài của đảng cộng sản Việt Nam

>>> Việt Nam duy trì Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa đến 2030 nhưng nói nhiều hơn đến các giá trị phổ quát

>>> Bị chỉ trích, tòa án Hà nội tuyên xử Phạm Đoan Trang “vượt khung” Viện Kiểm Sát đề nghị

Hiệp hội Nhà xuất bản Quốc tế: ‘Kính phục Đoan Trang, lên án chính phủ Việt Nam


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT