Việt Nam kết án nhà hoạt động: Liên Hợp Quốc và ngoại giao bốn nước G7 bất bình

Link Video: https://youtu.be/Z7VuaDxnDYc

Ravina Shamdasani, người phát ngôn Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền, hôm 17/12 bày tỏ lo ngại về các vụ kết án tại Việt Nam mới đây đối với các nhà hoạt động xã hội.

Thông cáo nói: “Chúng tôi vô cùng lo lắng trước bản án khắc nghiệt đối với những người bảo vệ nhân quyền và đất đai bị kết tội truyền bá tuyên truyền chống Nhà nước ở Việt Nam.”

Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền chỉ ra rằng trong ba ngày của tuần này, bốn “nhà bảo vệ nhân quyền nổi bật” – Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Đỗ Nam Trung và Phạm Đoan Trang – đã lần lượt bị kết án tù.

Thông cáo nhắc đến người thứ năm, nhà báo Lê Trọng Hùng sẽ bị xét xử vào ngày 31 tháng 12 sau khi bị giam từ tháng Ba mà “không có luật sư và không được phép gặp gia đình“.

Ravina Shamdasani, người phát ngôn Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền, lên tiếng:

Các cáo buộc chống lại năm người này, những người đã báo cáo về nhân quyền và quyền đất đai, bị bắt vào năm 2020 và 2021, dường như là một phần của chiến dịch nhằm bịt miệng và đe dọa những người lên tiếng bảo vệ nhân quyền.”

Tất cả các trường hợp đều tuân theo khuôn mẫu đáng lo ngại tương tự, làm nảy sinh các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến giả thiết vô tội, tính hợp pháp của việc giam giữ họ và tính công bằng của việc xét xử.”

Có một thời gian dài họ bị giam giữ trước khi xét xử, bị truy tố với tội danh mơ hồ là “tuyên truyền chống Nhà nước”, bị từ chối tiếp cận với cố vấn pháp lý và các phiên tòa kín không tôn trọng các tiêu chuẩn xét xử công bằng quốc tế,” thông cáo nói ngày 17/12.

Ảnh: nhà báo Lê Trọng Hùng đăng ký ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2021 với tư cách là ứng viên độc lập, tuy nhiên ông đã bị bắt trước khi kỳ bầu cử diễn ra.

Ngoại giao nước ngoài nói gì?

Các cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ, Anh và Canada chỉ trích Việt Nam vì bản án nặng với nhà báo Phạm Đoan Trang hôm 14/12.

Cơ quan ngoại giao một số quốc gia thuộc nhóm G7 vừa lên tiếng sau khi tòa tại Việt Nam xử tù nặng với một nhà báo, nhà bất phục chế độ Phạm Thị Đoan Trang.

Tòa tại Hà Nội chiều ngày 14/12 tuyên án 9 năm tù với bà Đoan Trang về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“.

Tin cho hay một số nhà ngoại giao quốc tế đã được vào quan sát phiên toà, gồm đại diện của các Đại sứ quán Hoa Kỳ, Canada, Đức và Liên minh Châu Âu.

Chính phủ Pháp vào ngày 15/12 đã lên án việc kết tội và tuyên án 9 năm tù đối với nhà báo Phạm Đoan Trang, người mà họ mô tả là một trong những nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng nhất tại Việt Nam và là một trong ba người nhận Giải thưởng Tự do Báo chí của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) năm 2019.

Ảnh: các nhà hoạt động bị xét xử liên tiếp trong ba ngày 14, 15 và 16 tháng 12 bao gồm (từ trái qua) Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương và Đỗ Nam Trung

Bộ Ngoại giao Pháp trên trang web bộ này kêu gọi trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang và tái khẳng định cam kết về quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt.

Các quyền và tự do này được bảo đảm bởi Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã tham gia.

Pháp kêu gọi Việt Nam tuân thủ các cam kết quốc tế mà nước này đã tự do thực thi,” thông cáo viết.

Vào ngày 15/12, sứ quán Anh Quốc tại Hà Nội đưa lên Facebook bình luận của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Phát triển phụ trách khu vực châu Á, Amanda Milling với nội dung như sau:

Việc nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang phải nhận mức án 9 năm tù là vô cùng đáng lo ngại. Bỏ tù các nhà báo chỉ vì họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa gửi thông điệp sai trái tới những người ủng hộ sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.”

Vương quốc Anh, dòng trạng thái này viết tiếp, cùng các thành viên của cộng đồng quốc tế, đã bày tỏ quan ngại trước cách Phạm Đoan Trang bị đối xử kể từ khi cô bị bắt vào tháng 10 năm 2020, và đưa ra quan điểm của mình với Chính phủ Việt Nam.

Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện đã kết luận việc bắt giam Phạm Đoan Trang được xếp vào hành động giam giữ tùy tiện, vi phạm các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam về quyền con người.

Trong suốt hơn 1 năm bị tạm giam, Phạm Đoan Trang chỉ được gặp luật sư đúng một lần và chưa được gặp mặt gia đình. Bản án này đã gửi đi thông điệp chống lại quyền tự do ngôn luận“.

Ảnh: nhà báo Phạm Đoan Trang được tổ chức Phóng viên Không Biên giới vinh danh với giải Tự do Báo chí năm 2019

Trong khi đó Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng vào ngày 15/12 đăng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 14/12 lên án việc kết án 9 năm tù đối với tác giả Việt Nam Phạm Đoan Trang “người không làm gì khác hơn là bày tỏ chính kiến của mình một cách ôn hòa“.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price ngày 14/12 nói, theo bản dịch của Sứ quán Mỹ.

Hoa Kỳ lên án việc kết tội và tuyên án 9 năm tù đối với tác giả, nhà báo Phạm Đoan Trang, người không làm gì hơn ngoài việc bày tỏ ý kiến của mình một cách ôn hòa.”

Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến gần đây của Nhóm công tác của Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện, cho thấy việc giam giữ bà Trang là tùy tiện và vi phạm các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam về nhân quyền.”

Tuyên bố của Mỹ nói tiếp: “Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Trang, người đã được quốc tế công nhận về nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và quản trị tốt ở Việt Nam, đồng thời cho phép tất cả cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không lo sợ bị trả thù.

Chúng tôi cũng hối thúc chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng luật pháp và các hành động của họ thống nhất với các điều khoản về nhân quyền của Hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam.”

Vào ngày 14/12 trang Facebook của Đại sứ quán Canada bày tỏ “vô cùng quan ngại việc tuyên án này.

Ảnh: Đại sứ quán Canada viết rằng họ “vô cùng quan ngại trước tuyên án của bà Phạm Thị Đoan Trang.”

Chúng tôi cũng quan ngại về những nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm hạn chế quyền tự do truyền thông, một nhân tố thiết yếu của việc bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.

Chúng tôi cũng kêu gọi nhà chức trách Việt Nam cho phép các nhà báo hành nghề mà không sợ bị bắt giữ, sách nhiễu hoặc bị trả thù, đồng thời chấm dứt kiểm duyệt và kiểm soát diện rộng đối với các phương tiện truyền thông và nới rộng hơn tự do ngôn luận. Chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền của họ theo luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do quan điểm và biểu đạt.”

Trong khi trang Facebook của Văn phòng Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho tới 15/12 chưa ra thông cáo gì về vụ xử này, còn Facebook tòa đại sứ Đức đăng thông điệp về “Quyền con người trong chính sách đối ngoại của Đức“.

Số hóa và các công nghệ mới đang thay đổi cuộc sống của chúng ta. Trong quá trình này, việc tuân thủ các quyền con người luôn đóng vai trò trung tâm. Chính vì vậy, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phòng chống tội phạm không được phép dẫn tới nạn phân biệt đối xử.

Nước Đức nỗ lực xây dựng một khung pháp lý quốc tế về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên cơ sở quyền con người, dân chủ và nhà nước pháp quyền.

Ảnh: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 14/12 lên án việc kết án 9 năm tù đối với tác giả Việt Nam Phạm Đoan Trang

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ “Liên minh tự do trực tuyến”, chúng tôi nỗ lực thúc đẩy bảo vệ quyền riêng tư, tự do biểu đạt và tự do báo chí trên internet. Các quyền con người là phổ quát – đối với tất cả mọi người và mọi nơi“, thông cáo viết.

Trang Facebook của Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam hôm 14/12 có bài video về Tự do báo chí.

Bản tiếng Việt của bài viết:

Xã hội dân chủ sẽ không thể tồn tại nếu thiếu tự do báo chí.Các nhà báo có quyền tự do và độc lập khi đưa tin về những vấn đề mà công chúng quan tâm mà không bị cản trở bởi những người có quyền lực.

Tuy nhiên, trên khắp thế giới, nhiều nhà báo đang bị trả thù hoặc đối mặt với tình trạng bạo lực hay tù tội chỉ vì họ đang thực hiện nhiệm vụ của mình.”

Trước đó, hôm 10/12, nhân ngày Nhân quyền quốc tế, Đại sứ Anh, Gareth Ward cùng nữ Đại sứ Canada Deborah Paul công bố video, nói:

Chúng tôi cảm ơn tất cả các nhà báo trên khắp thế giới, những người đã phản ánh những bất công, cho chúng ta sự thật để chúng ta được tự do suy nghĩ và phản biện về thế giới xung quanh, đồng thời, tưởng nhớ tất cả những nhà báo đã thiệt mạng trong khi thực thi nhiệm vụ“.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Nhân quyền Việt Nam: Tại sao phương Tây và Mỹ ‘mềm mỏng’ với Hà Nội?

>>> Việt Nam giữ các kỷ lục về bỏ tù nhà báo trong năm 2021

>>> Vì sao đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm gây kinh ngạc, khó hiểu?

Người dân và chính quyền Việt Nam, mối quan hệ ‘một chiều’


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT