Link Video:https://youtu.be/bJaFNPb7By8
Trong vòng chưa tới ba tuần, từ ngày 30/12 đến ngày 18/1, ba lãnh đạo kỹ trị chủ chốt của Việt Nam đã đồng loạt rời chính trường vì “chịu trách nhiệm chính trị”. Đây là một sự kiện “chưa từng có” trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản. Vì vậy, nó gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước.
Đảng Cộng sản công bố rằng, những vị lãnh đạo này phải “chịu trách nhiệm chính trị” về tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực được Đảng phân công. Đây có thể xem là cách mà Đảng làm dịu sự bất mãn của công chúng về quốc nạn tham nhũng.
Việt Nam không có văn hóa từ chức, cán bộ Đảng lại càng không. Năm 2013, ông Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội đã từng phát biểu về “văn hóa từ chức” tại nghị trường. Ông ám chỉ đến việc, do sự điều hành yếu kém của Chính phủ đã dẫn đến tình trạng “bất ổn kinh tế vĩ mô”, nhưng quan chức lại chỉ “xin lỗi” là xong, tuy nhiên, đây cũng chỉ là một ý kiến cá nhân.
Đảng Cộng sản hoạt động dựa trên tư tưởng Marx Lenin và chủ nghĩa tập thể, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân. Các thành viên của Đảng phải cam kết trung thành và “nguyện suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng Cộng sản”. Bởi vậy, họ không có khái niệm từ chức, vì mọi việc họ làm đều là theo “chủ trương, đường lối của Đảng”.
Từ sau khi Đảng thực hiện “Đổi mới”, chấp nhận kinh tế tư nhân, thì sự mâu thuẫn giữa hai hệ thống giá trị, một bên là thị trường tự do, đi theo quy luật cung cầu của chủ nghĩa tư bản, và một bên là lý tưởng Cộng sản, ngày càng trở nên gay gắt, khiến sự lãnh đạo thống nhất và duy nhất của Đảng Cộng sản bị phá vỡ.
Điều này dẫn đến nội bộ Đảng chia làm hai phe: phe Chính phủ đi theo hướng “kỹ trị” đối lập với phe Đảng vẫn muốn duy trì tư tưởng và hệ thống lãnh đạo theo quan điểm của Chủ nghĩa Marx Lenin.
Sự mâu thuẫn này đã từng bùng lên trong những năm 2010, với sự đối đầu giữa ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Phú Trọng, kết thúc với việc ông Dũng về làm “người tử tế” vào năm 2016.
Sau giai đoạn đối đầu gay gắt này, Việt Nam quay lại một mô hình toàn trị mới, đó là mô hình Đảng – Nhà nước mạnh. Tuy nhiên, trong mô hình này, tham nhũng không hề suy giảm, mà ngược lại, còn có xu hướng gia tăng cả về mức độ và số lượng.
Do đó, Đảng đã đẩy các lãnh đạo “kỹ trị” ra để “chịu trách nhiệm chính trị”, để giữ cho Đảng bộ mặt “sạch sẽ” và duy trì tính chính danh. Tuy nhiên, hành động này có thể gây ra những hậu quả khó lường.
Thứ nhất, việc hàng loạt quan chức phải rời nhiệm sở đã tạo ra những khoảng trống trong bộ máy nhà nước. Việc điều hành kinh tế theo quy luật thị trường cần phải có những lãnh đạo có kiến thức và kỹ năng quản trị, xử lý vấn đề linh hoạt; chứ không phải là bất kỳ ai được Đảng giao phó như phương pháp quản lý kế hoạch hóa tập trung cứng nhắc.
Trong quan hệ ngoại giao quốc tế và trong quan hệ đối với các nhà đầu tư nước ngoài, ba lãnh đạo vừa bị loại khỏi chính trường là những người được đánh giá cao. Ông Phúc, ông Minh và ông Đam đều được đánh giá là có năng lực, có kinh nghiệm và thân thiện với phương Tây.
Việt Nam muốn phát triển kinh tế thì không thể bỏ qua việc kêu gọi đầu tư nước ngoài, nhưng với môi trường kinh doanh còn thiếu minh bạch, thì mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo và các nhà đầu tư là điều rất quan trọng. Thay vì đặt niềm tin vào hệ thống chính trị, các nhà đầu tư sẽ đặt niềm tin vào người lãnh đạo.
Hậu quả thứ hai là bộ máy hành chính dường như bị “đóng băng” bởi nỗi bất an từ chiến dịch chống tham nhũng, nay còn tăng thêm bởi khái niệm “chịu trách nhiệm chính trị”.
Cuối cùng, việc không có các quy định, các chuẩn mực cho hành động “chịu trách nhiệm này”, việc không công khai, thiếu minh bạch dẫn đến tình trạng tù mù và mất niềm tin trong dân chúng. Người dân không thấy Đảng trong sạch hơn sau khi loại bỏ quan tham, mà họ chỉ thấy càng ngày càng có nhiều quan tham hơn.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Đất có thời, phe có vận ( Người Buôn Gió)
>>> Giữa lúc đối đầu, Ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Kinh để làm dịu căng thẳng?
>>> Mối nguy của tổng Trọng ( Người Buôn Gió)
Tổng công quá “rát”, Thủ Chính vội vã “vái tứ phương”?