Ngày 29/8, tờ báo Bưu Điện Washington (The Washington Post) đã tung ra ra bài viết như giáng một đòn mạnh vào hãng xe điện VinFast tại Mỹ. Bài báo có tựa đề “Sự ngu ngốc của VinFast SPAC sẽ kết thúc trong nước mắt”. Bài báo này lưu ý rằng, cổ phiếu VinFast sẽ biến động, do số lượng cổ phiếu sẵn có để giao dịch thấp. Đó là đặc điểm của loại doanh nghiệp lên sàn bằng cách của “ốc mượn hồn”, tức là, VinFast mua lại doanh nghiệp đã lên sàn, và từ đó, họ lên sàn bằng cửa sau, hay là thông qua công ty SPAC.
Và thực tế, niêm yết không bao lâu, thì giá trị vốn hóa thị trường của VinFast đã tăng vọt lên 190 tỷ USD vào cuối ngày thứ Hai (28/8) vừa qua, khiến hãng trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị thứ ba trên thế giới, sau Tesla Inc. và Toyota Motor Corp. Tương tự, doanh nhân Phạm Nhật Vượng hiện là một trong những người giàu nhất thế giới, bởi ông sở hữu gần như toàn bộ cổ phần của VinFast.
Bài báo cho biết, những giá trị trên giấy tờ này, về cơ bản là vô nghĩa, và có thể sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chỉ một phần rất nhỏ trong số 2,3 tỷ cổ phiếu, có sẵn để giao dịch. Không mất nhiều thời gian để bơm cho một chiếc phao nhỏ phình ra. Trong những phiên giao dịch gần đây, toàn bộ số cổ phiếu này đã được đổi chủ trong một ngày, và giá trị số cổ phiếu đó đã tăng khoảng 8 lần. Bài báo nhận xét, nền tảng tài chính của nhà sản xuất ô tô này rất kém, và các phương tiện của họ nhận được nhiều đánh giá gay gắt.
Như vậy thì, câu chuyện giá cổ phiếu VinFast tăng một cách bất thường cũng đã bị báo chí Mỹ vạch trần. Không những tờ Bưu điện Washington lên tiếng, mà Bloomberg cũng đưa ông Phạm Nhật Vượng ra khỏi danh sách tỷ phú, còn tạp chí Forbes thì hạ bậc của ông Phạm Nhật Vượng trên danh sách của họ. Đứng trước hiện tượng bơm thổi giá cổ phiếu này, các tờ báo Mỹ đã có cách phản ứng, và mỗi tờ báo phản ứng theo một cách khác nhau. Những phản ứng như thế cho thấy, họ cảm thấy có mùi trên thị trường chứng khoán Nasdaq, và họ cho rằng, VinFast đứng vào hàng ngũ của những ông khổng lồ trong ngành ô tô thế giới, là không xứng đáng. Cách làm của báo chí Mỹ chẳng khác nào họ đang tước danh hiệu của VinFast và Phạm Nhật Vượng.
Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy, ông Vượng chơi trò bơm bong bóng tài sản của mình, bằng cách thao túng giá cổ phiếu VFS. Tuy nhiên, người ta có quyền nghi ngờ ông Vượng làm, vì báo chí trong nước đã đồng loạt lên đồng cho sự kiện này. Ai cũng biết, Phạm Nhật Vượng kiểm soát báo chí trong nước không khác gì Ban Tuyên giáo.
Thị trường hàng hóa là nơi khẳng định sức mạnh của doanh nghiệp, trong đó có giá trị thương hiệu, còn thị trường chứng khoán là nơi cấp vốn cho doanh nghiệp. VinFast phải đứng được trên thị trường ô tô điện, thì mới có cơ hội trụ được lâu dài trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ông Vượng lại quá say mê vào việc tạo ra tài sản ảo, thì không biết, về lâu về dài, VinFast sẽ trụ như thế nào đây?
Muốn trở thành doanh nghiệp toàn cầu thì phải nhắm vào những yếu tố bền vững, như chất lượng sản phẩm, hậu mãi, sự tử tế, giá cả hợp lý vv.. Tuy nhiên, cho tới nay, báo Mỹ chỉ có chê, mà chưa thấy khen VinFast. Báo chí Việt Nam là báo chí công cụ cho Vin, nên không đáng tin. Nhưng báo chí Mỹ là báo chí tự do, mà đặc biệt là những tờ báo lớn, uy tín của họ trên truyền thông rất lớn. Nếu để họ chê, thì xem như, đấy là những nhát búa giáng vào tên tuổi của VinFast.
Ông Vượng là tỷ phú số một Việt Nam, được báo chí trong nước ca ngợi hết lời, nhưng với cách ông làm cho VinFast trên thị trường thế giới (cả thị trường hàng hóa và thị trường chứng khoán), thì rõ ràng, ông đang chú tâm quá nhiều vào giá trị ảo, những thứ có giá trị ngắn hạn. Còn những giá trị bền vững đang không được chú ý, hay chí ít là ông không thực hiện được. VinFast đang “ăn xổi”, sẽ khó mà sống thọ.
Ý Nhi – Thoibao.de