Đại án Vạn Thịnh Phát – miếng gân gà khó nuốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Sáng 13/9, khi nêu ý kiến giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, đối với tội tham nhũng, kinh tế, rất phức tạp về quy mô và chưa có tiền lệ. Ông Trí lấy ví dụ như vụ án Vạn Thịnh Phát, liên quan đến ngân hàng, chứng khoán, kể cả phát hành trái phiếu… ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực quốc gia. Nhưng do có nhiều trở ngại nên vẫn chưa đưa ra xét xử được.

Ngày 7/10/2022, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông. Đồng thời, công an đã bắt tạm giam bốn bị can, trong đó có bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng SCB.

Theo kết quả điều tra ban đầu, các bị can đã gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu, để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của người dân, trong giai đoạn 2018 – 2019. Trong đó, chỉ riêng Công ty An Đông đã chiếm đoạt khoảng 25.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD).

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 29/10/2022, khi được hỏi về kết quả điều tra bước đầu, Tướng Tô Ân Xô thừa nhận, vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông với bị can là bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm, là “vụ án rất khó với lực lượng thực thi pháp luật. Trong quá trình tố tụng, có bị can và một số người liên quan qua đời do đột tử. Điều này tất nhiên sẽ gây thêm khó khăn cho quá trình điều tra.”“Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng thống nhất đây là vụ án khó. Khó nhưng mà phải làm. Càng khó càng quyết tâm làm”.

Tuy đề cập đến “có bị can và một số người liên quan qua đời do đột tử”, nhưng Tướng Xô không giải thích hoàn cảnh tử vong, địa điểm, cũng như danh tính những người này.

Thông tin từ Người phát ngôn của Bộ Công an đã cho thấy, vụ án Vạn Thịnh Phát có rất nhiều dấu hiệu mờ ám, bất thường, hết sức nghiêm trọng.

 

Đó là cái chết khó hiểu của ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Tân Việt, thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB của Vạn Thịnh Phát. Ông Thành là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ông Thành chết một ngày trước khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt.

Bí ẩn nhất là cái chết của bà Nguyễn Phương Hồng, Trợ lý Công ty Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng SCB, là người cùng bị bắt cùng ngày với bà Trương Mỹ Lan. Bà Hồng đã chết không rõ lý do, trong lúc đang bị tạm giam.

Những vụ việc vừa kể trên cũng tương tự vụ việc xảy ra vào tháng 1/2014. Lúc đó, trong phiên tòa xét xử vụ án Vinalines, bị cáo Dương Chí Dũng khai rằng, ông [Dũng] đã giúp bà Trương Mỹ Lan chuyển 1 triệu USD cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, để nhờ Tướng Ngọ giúp Vạn Thịnh Phát được thực hiện dự án tại Khánh Hội, Quận 4. Sau lời khai đó của Dương Chí Dũng, Tướng Ngọ lăn ra chết một cách bí ẩn.

Những cái chết bí ẩn trước đây và sau này, đã cho thấy, có một thế lực rất mạnh, bí mật ra tay diệt khẩu bịt đầu mối. Nếu đúng như vậy, thì vụ Trương Mỹ Lan không đơn giản là án kinh tế, mà còn dính líu đến giới chức lãnh đạo chóp bu trong Đảng, đang hoạt động theo tính chất “mafia” của thế giới ngầm.

Đó là lý do, có những nhận định cho rằng, việc khởi tố, bắt giam bà Trương Mỹ Lan, sẽ báo hiệu những diễn biến khó lường của tình hình chính trị Việt Nam.

Xâu chuỗi các sự kiện của vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, và các sai phạm hệ thống có tổ chức của bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có thể thấy, đây là một vụ án lớn. Vụ này có sự cấu kết giữa lãnh đạo chóp bu với giới tài phiệt có yếu tố nước ngoài, để trục lợi tài sản quốc gia.

Bà Trương Mỹ Lan, 66 tuổi, là một doanh nhân người Việt gốc Hoa, tên thật là Trương Muội. Bà phất lên vào mối quan hệ thân thiết với bà Trương Thị Hiền, vợ ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Để đánh bóng tên tuổi và đánh lừa dư luận, bà Trương Muội đổi tên thành Trương Mỹ Lan, cho giống với tên bà Trương Mỹ Hoa cựu Phó Chủ tịch nước, và là chị gái của vợ Lê Thanh Hải.

Nhờ đó, bà Trương Muội tức Trương Mỹ Lan, đã xây dựng được một “đế chế” kinh doanh hùng mạnh trong các lĩnh vực đầu tư bất động sản, mang tên Vạn Thịnh Phát, với giá trị nhiều tỷ USD. Quá trình phát triển lớn mạnh của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gắn chặt với sự thăng tiến của Lê Thanh Hải. Nhờ vào quyền lực của Lê Thanh Hải và các thế lực chống lưng của Hải ở Ba Đình, đã giúp cho Vạn Thịnh Phát thâu tóm được rất nhiều công sản ở các vị trí đắc địa tại Sài Gòn.

Nếu chỉ căn cứ vào thông tin của báo chí đưa ra, thì vụ án Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát chỉ đơn thuần là một vụ án kinh tế. Nhưng để phá một vụ án như vậy, thì đâu cần tới Tổng Bí thư Trọng, ngày 23/9/2022, phải đích thân bay vào Sài Gòn cùng một phái đoàn cao cấp để làm việc với Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, trước khi ra quyết định khởi tố vụ án?

Chuyến kinh lý bất thường của Tổng Trọng, cùng với những mối quan hệ chằng chịt giữa Vạn Thịnh Phát với các thế lực chính trị trong nội bộ Đảng, đã khiến dư luận nghi ngờ rằng, vụ án này sẽ trở thành một vụ “động đất chính trị” trong năm 2023. Song đến nay vẫn chưa thấy, do bị thế lực nào đấy cản trở.

Những thông báo mới nhất từ Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, liên quan đến vụ án Trương Mỹ Lan của Vạn Thịnh Phát, khiến người ta nghĩ đến “chiếc gân gà” mà Tổng Trọng có vẻ khó nuốt trôi./.

Trà My – Thoibao.de