Kinh tế “đột quỵ”, khúc ruột ngàn dặm ra tay cứu, Thủ tướng chém gió thành tích ảo!

Mới ngày 29/10, ông Phạm Minh Chính nổ về thành tích chống dịch là “thành công, thể hiện tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ”, bất chấp sự thật về vụ bê bối chuyến bay giải cứu và Việt Á phơi bày ra đấy. Với vị thế chính trị đang vững, ông Phạm Minh Chính đã bất chấp lương tâm, nói lời ngược ngạo để tự ca ngợi chính mình.

Ngày 4/11, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023, ông Phạm Minh Chính lại một lần nữa làm công tác tuyên giáo, thay vì giữ vai trò hoạch định chính sách. Tại cuộc họp này, ông Chính lại một lần nữa nổ về những thành quả tốt đẹp trong năm 2023 sắp qua, và vẽ kế hoạch cho năm 2024 sắp đến. Ông Chính nói “Phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023, tạo đà thuận lợi cho năm 2024”.

Năm nào cũng thế, chính sách lớn nhất của Chính phủ là chính sách tài khóa. Trong chính sách tài khóa, ông Thủ tướng sẽ chỉ đạo các bộ ban ngành thực hiện giải ngân các nguồn vốn đầu tư công. Được biết, chính sách tiền tệ bơm hút tiền qua hệ thống ngân hàng và các thị trường tiền tệ khác. Tuy chính sách nào cũng có độ trễ, nhưng hiệu quả của chính sách tiền tệ vẫn là nhanh so với chính sách tài khóa. Nó được xem là liều thuốc cấp cứu nền kinh tế rất hiệu quả.

Tuy nhiên, ngoài chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, thì nền kinh tế còn phụ thuộc vào chính sách tài khóa do Thủ tướng Chính phủ thực hiện. Nếu chính sách tài khóa mà không triển khai hiệu quả, thì sẽ tạo ra mâu thuẫn với chính sách tiền tệ, làm cho tính hiệu quả của cả hai chính sách đều giảm. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nền kinh tế Việt Nam trở nên èo uột, không thể khá hơn được.

Bỏ qua những lời ông Phạm Minh Chính tung hô, hãy đi vào thực tế được đăng tải từ báo chí trong nước, thì sẽ rõ thực hư bức tranh nền kinh tế Việt Nam, và thực hư về năng lực điều hành nền kinh tế của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ngày 4/11, tờ Thời Báo Kinh tế Sài Gòn cho biết, giải ngân vốn đầu tư công trong 10 tháng chỉ đạt 52% kế hoạch. Năm 2023 đã đi qua 83% đoạn đường, mà vốn đầu tư công chỉ mới giải ngân được có 52%, điều này cho thấy, bộ máy Chính phủ đang rất tệ hại. Xã hội cần vốn, cần việc làm để kích cầu nền kinh tế, mà tiền cứ bị nghẽn, thì kinh tế làm sao phát triển nổi.

Hãy quên đi những con số tăng trưởng có cánh, người Sài Gòn hãy dạo vòng quanh thành phố, thì sẽ thấy kinh tế điêu tàn thế nào? Đường Lê Lợi, quận 1, một thời có tiền cũng chưa chắc thuê được, thì nay đìu hiu, khách trả mặt bằng hàng loạt vì kinh doanh không hiệu quả. Nhiều khu vực khác cũng tương tự. Đấy là hình ảnh thực tế.

Năm nay, có khả năng kiều hối về Việt Nam lên đến 20 tỷ đô la Mỹ. Nếu trừ đi thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, một số chuyên gia ước tính, mức sinh lời của nền kinh tế thuần Việt thua rất xa lượng kiều hối gửi về. Lượng kiều hối tương đương 5% GDP, và có thể, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 không đạt được tới mức này.

Vậy thì, nếu tách bỏ khối FDI, thì nền kinh tế thuần Việt làm sao có thể kiếm ra một lượng tiền bằng lượng kiều hối được. Cho nên, có người nhận xét, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 đã bị “đột quỵ”, nhưng nhờ “khúc ruột ngàn dặm” đưa tay ra cứu.

Nền kinh tế Việt Nam đang sống nhờ vào kiều hối và FDI. Cả hai nguồn này hầu như chịu tác động rất ít bởi chính sách của Chính phủ. Khả năng điều hành kinh tế đất nước của ông Phạm Minh Chính như thế nào, thì cần phải quan sát đánh giá thực tế, không nên đánh giá qua những con số mà chính quyền thông báo, bởi nó không phản ánh đúng với thực tế. Cho nên câu “đừng nghe những gì Cộng sản nói” mới thành chân lý.

Ý Nhi – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023