Bộ Công an giao cho Công an tỉnh Thái bình bắt giữ khẩn cấp đối với ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, tối ngày 14/11 tại sân bay Nội Bài, với tội danh “cưỡng đoạt tài sản”.
Phản ứng của dư luận có chung nhận xét, vụ bắt bớ ông Lưu Bình Nhưỡng là một âm mưu chính trị, triệt hạ nhau giữa các phe phái trong nội bộ Đảng. Và vụ việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến cuộc đua nhân sự “chủ chốt” cho Đại hội 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14, sẽ diễn ra vào đầu năm 2026.
Nhiều ý kiến thấy rằng, việc bắt giữ và khởi tố đối với ông Lưu Bình Nhưỡng của các cơ quan tư pháp, phải kể đến vai trò của của Bộ trưởng Tô Lâm và Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Vì các nhóm lợi ích của các thế lực chính trị này bị đụng chạm và chịu nhiều tổn hại đến lợi ích nhóm, do các phát biểu chỉ trích có chủ ý của Đại biểu Nhưỡng.
Ông Lưu Bình Nhưỡng là một Đại biểu Quốc hội “vì dân”, một người của công chúng, được đánh giá là người biết và thường xuyên sử dụng mạng xã hội để lên tiếng về các vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề đối với dân oan.
Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội có những chia sẻ cho rằng, cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng có thể bị truy tố tội danh “xâm phạm an ninh quốc gia”, liên quan tới trọng tội “lật đổ” chính quyền?
Đáng chú ý, trong bài bình luận “Vụ ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt và “sự khôn ngoan”, của chế độ”, của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư, một người trong giới thạo tin đang sống ở Việt Nam tiết lộ:
“Liên quan đến vụ ông Lưu Bình Nhưỡng, việc bắt “khẩn cấp” không chỉ gây bất ngờ cho ông Nhưỡng, mà cả những “đối tượng” có liên quan, mà chỉ những người trong cuộc, trong “trò chơi” quyền lực cung đình, mới ngầm hiểu “ẩn ý”.
Trong bối cảnh chế độ bất ổn, Đảng đã mở một không gian “lớn” cho sự khôn ngoan. Đối với trường hợp bắt giam ông Nhưỡng, đây có thể coi là hành động “kịp thời”, được giải nghĩa là luôn đặt sự ưu tiên cho mục đích duy trì chế độ, thay vì những tác động hay hậu quả tiêu cực của nó.”
Nhận xét của Tiến sĩ Phạm Quý Thọ đưa ra trong bối cảnh, giới chuyên gia thống nhất cho rằng, việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng trong Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15, giữa lúc đang có những tranh luận căng thẳng giữa Quốc hội và các giới chức Chính phủ, trong đó bất cập thể chế là vấn đề nóng, thu hút nhiều ý kiến phát biểu nhất của các đại biểu Quốc hội.
Sự căng thẳng giữa cơ quan Lập pháp – Quốc hội, đối với cơ quan Hành pháp – Chính phủ, là “mối lo” vượt tầm kiểm soát toàn diện của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, về sự lan rộng của những biểu hiện, được cho là “tự diễn biến, tự chuyển hoá” từ Quốc hội, hoặc, thậm chí, có thể dẫn đến xu hướng lấn át sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.
Điều đó cho thấy, việc bắt giữ khẩn cấp cựu Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó ban Dân nguyện của Quốc hội, đã thể hiện một thông điệp của Đảng Cộng sản, cảnh báo những “ông nghị, bà nghị” của Quốc hội khóa 15: Hãy coi chừng, chớ vượt quá lằn ranh đỏ!
Từ những phân tích trên, đã cho thấy, khả năng cao, các cơ quan tư pháp Việt Nam sẽ chuyển đổi tội danh truy tố ông Lưu Bình Nhưỡng, liên quan đến điều khoản “xâm phạm an ninh quốc gia” của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đồng thời, điều đó được cho là phép “nhất tiễn hạ song điêu” của các cơ quan tư pháp, để cảnh báo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cũng như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, rằng: Hãy cẩn thận, sẽ không có sự “miễn trừ”, kể cả tứ trụ.
Rất may cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cũng như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, vì sự nhìn xa trông rộng của Bộ Chính trị, đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW “về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đối với các cơ quan tư pháp”. Nghĩa là, các cơ quan tư pháp, bao gồm công an, viện kiểm sát và tòa án các cấp, phải coi chừng việc vi phạm trong các hoạt động tư pháp, vì các hoạt động này sẽ được kiểm soát và xử lý chặt chẽ hơn.
Chúng ta hãy chờ xem điều gì sắp xảy ra?./.
Trà My – Thoibao.de