Chuyện ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cùng hai cô con gái – Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích – bị Bộ Công an cáo buộc chiếm đoạt 767 tỷ đồng mới đây, là một ví dụ điển hình cho câu tục ngữ – “gieo gió ắt gặp bão”.
Báo VietnamNet ngày 24/11 đưa tin với tiêu đề, “Đề nghị truy tố ông Trần Quí Thanh và 2 con gái chiếm đoạt tài sản 767 tỷ đồng”.
Bản tin cho biết, 3 cha con ông Trần Quí Thanh đã cho một số doanh nghiệp, cá nhân vay tiền, nhưng không ký hợp đồng cầm cố tài sản, mà buộc ký hợp đồng giả chuyển nhượng, rồi chiếm đoạt tài sản của đối tác. Theo Cơ quan Công an, số tiền mà ba cha con ông Thanh chiếm đoạt của khách hàng, có tổng giá trị lên tới 767 tỷ đồng.
Ông Trần Quí Thanh và Tập đoàn Tân Hiệp Phát, từng nổi danh với vụ bê bối liên quan đến vụ án “con ruồi”, nằm trong chai nước ngọt của Tân Hiệp Phát, hồi năm 2015.
Người tố cáo là ông Võ Văn Minh, một người bán nước giải khát tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Vụ việc có thể tóm tắt như sau:
Ngày 3/12/2014, ông Võ Văn Minh khi bán quán ăn đã phát hiện có con ruồi trong một chai Number 1, sản phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát. Ông Minh đã gọi điện cho Công ty Tân Hiệp Phát, và yêu cầu Công ty này đưa cho ông Minh 1 tỷ đồng để đổi lấy chai Number 1 chứa ruồi. Đồng thời ông Minh cam kết rằng, không khiếu kiện và giữ bí mật thông tin.
Sau đó, Tân Hiệp Phát đã 3 lần cử nhân viên đến gặp ông Minh để thương lượng. Công ty này nói rằng, họ không giải quyết bằng tiền đối với sản phẩm lỗi, và đề xuất tặng ông Minh một số sản phẩm nước giải khát của Tân Hiệp Phát, và xin nhận lại chai Number 1 chứa ruồi.
Nhưng ông Minh không đồng ý, vẫn yêu cầu Tân Hiệp Phát giao tiền, nhưng giảm số tiền từ 1 tỷ đồng xuống 600 triệu đồng, và cuối cùng chốt lại là 500 triệu đồng.
Ngày 23/1/2015, Tân Hiệp Phát đã tố cáo ông Minh với Công an Tiền Giang, nhưng vẫn hẹn ông Minh đến nhận tiền.
Ngày 27/1/2015, Tân Hiệp Phát hẹn giao 500 triệu đồng cho ông Minh, nhằm đưa ông Minh vào “bẫy” do Công an giăng sẵn. Khi ông Minh đang nhận số tiền do người của Công ty này trao, thì bị Công an tỉnh Tiền Giang mật phục và “bắt quả tang”.
Đến ngày 18/12/2015, Tòa án tỉnh Tiền Giang đã kết án ông Võ Văn Minh 7 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”, theo Điều 135, Bộ luật Hình sự.
Dư luận xã hội thời điểm đó hết sức phẫn nộ, khi cho rằng, Tân Hiệp Phát đã sử dụng mưu mô đưa khách hàng sập bẫy, vừa khỏi bị mất tiền đền bù, đồng thời đẩy khách hàng vào tù một cách vô lương tâm.
Điều đáng lưu ý là, tính từ 2009 về sau, đã có hàng chục sự cố, liên quan đến sản phẩm nước giải khát của Công ty Tân Hiệp Phát. Sản phẩm của Tân Hiệp Phát nhiều lần bị tố không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, như: chứa ruồi hoặc các dị vật khác v.v.. Với sự cố nào, Tân Hiệp Phát cũng báo công an, để bắt người đòi tiền chuộc sản phẩm không đảm bảo vệ sinh của Công ty này. Những nạn nhân khác rồi cũng bị kết án tù về cùng tội “cưỡng đoạt tài sản” như ông Võ Văn Minh.
Tục ngữ Việt Nam có câu, “Gieo gió tất gặt bão”, được cho là lời răn dạy cho những ai muốn hại người để cầu lợi ích, thì sẽ gặp tai họa là điều không tránh khỏi.
Mới nhất, theo kết luận điều tra của Bộ Công an, ông Trần Quí Thanh đã lợi dụng quy định về cho vay, để cho vay lấy lãi cao.
Dù là cho vay tiền, nhưng ông Trần Quí Thanh đã không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản, mà buộc bên đi vay phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án… với mục đích cưỡng đoạt tài sản của khách hàng.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố đối với ông Trần Quí Thanh (70 tuổi) và hai con gái, về tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Giới thạo tin tiết lộ, có nhiều bằng chứng để khẳng định,ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát, có mối quan hệ đặc biệt với ông Hồ Mẫu Ngoạt, Trợ lý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo VietnamNet, ngày 4/8/2014 đưa tin: Ngày 2/8/2014, tại tỉnh Hà Nam, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng, đã tới thăm nhà máy Number 1 Hà Nam, và nhấn nút khởi động dây chuyền sản xuất của nhà máy. Việc này có tác động của ông Hồ Mẫu Ngoạt, theo đề nghị của ông Trần Quý Thanh.
Dư luận xã hội thấy rằng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn trăm công ngàn việc, lý do gì mà lại dành sự ưu ái đặc biệt cho Tân Hiệp Phát bất thường như thế? Và điều vừa kể có liên quan gì tới việc Tân Hiệp Phát có các biểu hiện vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh hay không?
Thành ngữ “Đi qua ruộng dưa thì đừng sửa dây giày”, không hiểu Tổng Trọng sao không biết để tránh. Để rồi lại được mang danh chống lưng cho “đại gia” đầy tai tiếng Trần Quý Thanh của Tân Hiệp Phát, thì cũng không oan đâu!./.
Trà My – Thoibao.de