Vì sao Tổng Trọng dám cứng đầu với họ Tập trong chuyến thăm Việt Nam, đó có phải là sự thắng lợi?

Chủ tịch Tập Cận Bình đã kết thúc chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày 12 và 13/12. Hai bên đã đưa ra Tuyên bố chung, trong đó, lãnh đạo hai đảng, hai nhà nước khẳng định khái niệm: “Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược”.

Truyền thông quốc tế cho rằng, chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình có mục đích tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, một quốc gia cùng ý thức hệ Cộng sản với Trung Quốc.

Trước khi ông Tập đến Hà Nội, báo Nhân Dân và một số tờ báo khác của Việt Nam đã đăng một bài viết được cho là của ông Tập Cận Bình gửi đến. Trong đó, ông Tập ví von chuyến thăm này giống như “họ hàng, láng giềng, vừa là đồng chí vừa là anh em, hai nước núi liền núi, sông liền sông, như môi với răng”. Theo giới quan sát, đây là một thông điệp của Ban lãnh đạo Trung Nam Hải cho thấy, họ muốn khẳng định sẽ tiếp tục kìm Việt Nam chặt chẽ hơn.

Một nội dung đáng chú ý trước chuyến thăm, được giới phân tích và cộng đồng mạng tranh luận nhiều nhất, đó là khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh” mà Ban lãnh đạo Bắc Kinh đưa ra và kiên trì hơn 10 năm qua. Đột nhiên, phía Trung Quốc lại thay bằng một cụm từ khác, đó là “cộng đồng chia sẻ tương lai”.

Khái niệm này được coi là ít đòi hỏi khắt khe hơn, và cũng giúp giảm bớt sự phản đối của dư luận xã hội ở Việt Nam, trong nguy cơ Hà Nội trở lại vòng cương tỏa của Bắc Kinh một lần nữa.

Vì sao hai bên lại đi đến nhất trí xây dựng một “cộng đồng chia sẻ tương lai”, thay cho khái niệm cũ “cộng đồng chung vận mệnh”?

Theo một hãng tin quốc tế, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia về các vấn đề chính trị và chiến lược của Việt Nam, từ Viện Iseas-Yusof Ishak của Singapore, cho rằng, khả năng người dân Việt Nam chấp nhận “chung vận mệnh” với Trung Quốc là rất thấp, thậm chí là không có.

Ông Hiệp nhận định: “Sự mất lòng tin của Việt Nam đối với Trung Quốc ngày càng sâu sắc và theo quan điểm của người dân Việt Nam, có rất ít hoặc không có “chung vận mệnh” giữa hai nước, chừng nào Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, đưa ra nhận xét, “Cộng đồng chia sẻ tương lai” và “Cộng đồng chung vận mệnh” giống, nhưng cũng khác nhau. Ông Hà Hoàng Hợp giải thích: “Ý đồ của Trung Quốc là vẽ lên một bức tranh về thế giới, nhằm mục tiêu thách thức trật tự thế giới đã có từ năm 1945. Đây là điều quan trọng nhất. Mà cái ý đồ thách thức này gồm hai phần: Trung Quốc muốn xây dựng một trật tự quốc tế mới và Trung Quốc muốn dẫn dắt, lãnh đạo trật tự mới này. Đấy là hai ý đồ căn bản của Trung Quốc.”

Trên mạng Facebook, trước, trong và sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, cộng đồng mạng đã bày tỏ sự phản đối, và đưa ra những cảnh báo về chuyến thăm này. Công luận thấy rằng, đường lối “ngoại giao cây tre” của Việt Nam hiện nay, thể hiện sự “thực dụng” nhưng không khôn ngoan, trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington đang tranh giành ảnh hưởng đối với Việt Nam.

Đại đa số người dân Việt Nam bày tỏ thái độ công khai chống Trung Quốc, cả trên mạng xã hội cũng như trên thực tế đời thường. Điều đó chắc chắn có ảnh hưởng tới đường lối cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như tạo ra mối đe dọa cho chế độ. Do vậy, lãnh đạo Hà Nội cố gắng tạo ra sự cân bằng trong việc đi dây, và giảm nhiệt áp lực của dư luận.

Việc Hà Nội buộc được Bắc Kinh phải thay thế khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh” bằng khái niệm mới “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, dù không khác nhau về bản chất, nhưng rõ ràng, đây là một thắng lợi của phía Việt Nam, ít nhất là về mặt ngôn ngữ. Điều đó cho thấy thái độ của lãnh đạo Việt Nam, vốn luôn ở tâm thế “răm rắp” tuân lệnh Bắc Kinh, nay đã tỏ ra dám cứng đầu hơn.

Điều đó, phần nào cũng cải thiện được về mặt tâm lý đối với người dân Việt Nam, vốn không chấp nhận mối quan hệ quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Điều này cũng cho thấy, Hà Nội đã chuẩn bị một chiến lược được cân nhắc kỹ lưỡng, vừa giảm bớt tâm lý bài Trung Quốc của người dân, vừa đảm bảo thế cân bằng trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Hoa Kỳ, trong lúc cạnh tranh giữa hai cường quốc này đang ngày càng căng thẳng.

Một hãng tin quốc tế lưu ý, vào thời điểm này, truyền thông ở Đại Lục vẫn kiên định sử dụng cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh”, để mô tả sự thành công trong chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình.

Điều đó càng khẳng định thêm cho nhận định vừa nêu./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023