Tướng Nam thành Hồ có mối “thâm thù” gì với chân dài Ngọc Trinh?

Tiêu chuẩn kép là sản phẩm đặc trưng của cái gọi là “nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa”. Người dân không xa lạ gì với những chuyện như, người dân bắt trộm 2 con vịt về nhậu bị tuyên án 7 năm tù, còn cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “trộm” của nhà nước 15.000 tỷ đồng lại được hưởng án treo.

Luật pháp nghiêm minh là luật pháp bình đẳng đối với mọi thành phần xã hội, bất kể là người có chức có quyền hay thứ dân. Đấy mới là “nhà nước pháp quyền”.

Còn nhà nước Cộng sản thì là loại nhà nước gì? Đó là nhà nước độc tài. Cách áp dụng luật pháp của nhà nước này không khác gì nhà nước phong kiến trước kia. Thời phong kiến, thường dân phạm tội thì bị lao tù, thậm chí bị lưu đày hoặc xử tử, tùy theo mức độ. Nhưng với quan chức, thì thường chỉ cởi áo quan và đánh vào áo, như là hình phạt tượng trưng. Thời Tam Quốc, ngựa của Tào Tháo bất ngờ dẫm nát ruộng lúa của dân, trong khi, chính Tào Tháo ra lệnh, ngựa của ai dẫm lên lúa thì bị xử chém. Thế nhưng, cuối cùng, Tào Tháo lại xử chém chính mình bằng cách “cắt tóc thay đầu”.

Ngày nay, chính quyền “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” cũng làm theo cách chẳng khác thời phong kiến. Quan chức phạm tội thì phạt rất nhẹ, thường dân phạm tội thì phạt rất nặng. Ông Mai Tiến Dũng khi còn là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nói rằng “Chúng ta sai chúng ta xin lỗi, dân sai dân chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”. Câu nói này cho thấy bản chất của chế độ, họ nhẹ tay với quan và mạnh tay với dân, dù phạm cùng một tội.

Ngày 14/1, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã hoàn tất cáo trạng truy tố Trần Thị Ngọc Trinh (sinh năm 1989, người mẫu, diễn viên, quê Trà Vinh), về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Ngọc Trinh bị truy tố theo Khoản 2, Điều 318, Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù, và có tình tiết giảm nhẹ do thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải.

Được biết, cái gọi là “công cộng” ở đây, được công an diễn giải một cách tùy tiện, là “không gian mạng”.

Để biết mức án này nặng đến đâu, thì có thể tham khảo bản án ngày 5/12/2023, do Tòa án Quân sự khu vực 2 thuộc Quân khu 5. Đây là bản án xét xử sơ thẩm ông Hoàng Văn Minh (37 tuổi, cựu Thiếu tá thuộc một đơn vị quân đội đóng ở tỉnh Ninh Thuận), về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Ông Thiếu tá này vừa lái ô tô, vừa nghe điện thoại, và rẽ vào ngân hàng mà không quan sát, nên đã tông vào nữ sinh. Theo tòa, thời điểm ông Minh lái xe hơi rẽ phải, húc vào em Hồ Hoàng Anh (là học sinh lớp 12) từ phía sau, đang chạy cùng chiều, làm nữ sinh này đâm xe vào cột điện.

Điều đáng nói là, sau khi gây tai nạn, ông Minh đã bỏ mặc nạn nhân, chỉ lo gọi điện cầu cứu với anh Ba anh Tư nào đó cho chính mình. Kết quả là, khi người dân đưa nữ sinh này vào bệnh viện thì đã quá muộn, và nữ sinh đã qua đời.

Một số luật gia cho biết, tội của Ngọc Trinh không đến mức đi tù, chỉ cần phạt tiền và giam giữ phương tiện, như bao vụ lái xe không an toàn khác. Việc diễn giải “nơi công cộng là không gian mạng”, là cách bẻ luật theo ý muốn của Công an và Viện Kiểm sát.

Ngay từ đầu, việc ông Thiếu tướng, Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh cho bắt giam Ngọc Trinh, đã là sự tùy tiện. Tuy nhiên, thay vì thả Ngọc Trinh và chỉ xử phạt như thông thường, thì ông này lại dùng báo chí để diễn giải luật tùy tiện, nhằm gỡ tội cho Công an và buộc tội Ngọc Trinh.

Cách ông Lê Hồng Nam làm không khác gì ông Tô Lâm. Khi sai thì cho báo chí vào cuộc, kết tội nạn nhân để cố chứng minh công an đúng. Đây là trò bẩn mà có lẽ, chưa có cơ quan cảnh sát khác nào trên thế giới có thể nghĩ ra.

Vì sao ông Lê Hồng Nam lại triệt hạ Ngọc Trinh như kẻ thù? Có lẽ, cái tội nặng nhất của cô người mẫu chân dài này, là “con của thường dân”. Nếu Ngọc Trinh là con quan chức, thì cô đã không bị công an tùy tiện kết tội như thế, mà có khi họ còn gỡ tội cho cô, như đã làm với ông Thiếu tá tông chết người kia.

Ý Nhi – Thoibao.de

17.1.2024

Kasse animation 7.8.2023