Bộ Chính trị dính “sinh tử phù” và bị Tô khống chế như thế nào?

Bộ Chính trị bao lâu nay vẫn là cơ quan quyền lực lớn nhất của Đảng Cộng sản. Trong lịch sử, chưa có cơ quan nào có thể áp đặt ý chí vào cơ quan này, ngoài thế lực Cộng sản ngoại bang. Tuy nhiên, lần này là ngoại lệ, tổ chức siêu quyền lực này bị Bộ Công an gây áp lực, phải gật yêu sách mà phía Công an đưa ra. Việc Bộ Công an ép Bộ Chính trị phải chấp nhận Lương Tam Quang làm Bộ trưởng, là trường hợp đầu tiên. Tuy nhiên, một khi đã có trường hợp đầu tiên, thì khả năng sẽ có lần thứ 2, thứ 3 và thứ n.

Trong tác phẩm Thiên Long Bát Bộ, nhà văn Kim Dung mô tả một loại độc dược, được gọi là “sinh tử phù”, do Thiên Sơn Đồng Lão cấy vào cơ thể của đám bàng môn tả đạo, tự xưng là quần tiên ba mươi sáu động, bảy mươi hai đảo, để điều khiển những người này. Nói chung, đây là cách điều khiển người khác bằng một thứ độc dược, mà chỉ một mình chủ nhân của nó có được.

Trở lại câu chuyện Tô Lâm điều khiển Bộ Chính trị, câu hỏi đặt ra là, không ai trong Bộ Chính trị ưa Tô Lâm, vậy mà, họ vẫn phải đồng lòng gật đầu với yêu sách do Tô Lâm đưa ra. Vậy, nếu những người này không dính phải một thứ “độc dược”, tương tự “sinh tử phù” của Thiên Sơn Đồng Lão, thì không có cách nào lý giải được hành vi của họ.

Có ý kiến cho rằng, thứ “sinh tử phù” mà Tô Lâm sử dụng, vừa là thuốc bổ, lại vừa là độc dược, dành cho các quan chức cấp cao trong Bộ Chính trị. Vậy, loại thuốc đó là gì, khi nào thì có giá trị như thuốc bổ, khi nào thì lại là độc dược, đối với những ông quan đang đứng trong nhóm ở đỉnh tháp quyền lực của Đảng Cộng sản.

Nhận hối lộ, nuôi doanh nghiệp sân sau, liên kết với nhiều thế lực khác để hình thành nhóm lợi ích, tham nhũng chính sách vv… là những thứ được xem là liều thuốc bổ, nuôi cả gia đình hay dòng họ quan chức. Tiền cho con du học, tiền mua nhà, mua ô tô, tiền ăn thịt bò dát vàng vv… đều là những thứ được lấy từ những nguồn tiền bẩn như thế. Ở khía cạnh này, nguồn tiền bẩn chính là chất dinh dưỡng quý giá cho các quan chức.

Tuy nhiên, bất kỳ một miếng ăn bẩn nào cũng để lại dấu vết. Chính vết bẩn là mặt trái, là liều thuốc độc giết chết sự nghiệp chính trị của bất kỳ quan chức nào. Đã lên tới uỷ viên Bộ Chính trị, thì chẳng có ai trong sạch. Thậm chí, lên càng cao, miệng nhà quan dính bẩn càng nhiều. Có điều, vì ông nào cũng mang mặt nạ, nên vết bẩn bị ẩn sau lớp mặt nạ mà thôi. Một khi mặt nạ bị lột ra, thì ai cũng bẩn như nhau.

Được nắm Bộ công an, Tô Lâm tận dụng tối đa lợi thế. Ông dùng bộ máy điều tra khổng lồ để thu thập những vết bẩn dính vào miệng các quan chức Trung ương, đặc biệt là các quan chức trong Bộ Chính trị. Khi dùng những hồ sơ này để khống chế, thì không quan chức nào có đủ can đảm, để trái lệnh ông Chủ tịch nước.

Việc giành được ghế Bộ trưởng Công an cho Lương Tam Quang, đảm bảo rằng, Tô Lâm có trong tay nguồn độc dược dồi dào, đủ để khống chế Bộ Chính trị, và làm chủ cuộc chơi. Vì thế, có thể nói, thời gian tới, rất có thể Tô Lâm sẽ tiếp tục điều khiển Bộ Chính trị nhiều lần nữa. Có thể nói rằng, ở ghế Chủ tịch nước, nhưng quyền lực của Tô Lâm chẳng khác nào quyền lực Tổng Bí thư ở thời kỳ cực thịnh.

Cách Tổng Bí thư nắm giữ Bộ Công an trước đây, không giống với cách mà Tô Lâm nắm Bộ Công an hiện nay. Trước đây, Tổng Trọng nắm giữ Bộ Công an thông qua Tô Lâm, ông đưa ra yêu cầu và Tô Lâm triển khai xuống thực hiện. Tuy nhiên, với Tô Lâm, gần như ông có thể ra lệnh cho từng thuộc cấp của Lương Tam Quang. Bởi ông từng làm Bộ trưởng Công an, và là người đã cất nhắc, bố trí chức vụ cho các thuộc cấp.

Có thể nói, trước đây Nguyễn Phú Trọng nắm Bộ Công an gián tiếp, thông qua Tô Lâm, còn nay, Tô Lâm nắm trực tiếp Bộ Công an. Vì thế, so với ông Trọng, Tô Lâm đáng sợ hơn rất nhiều.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de