Putin và tuyên bố dối trá

Ngày 22/6, blog Trần Đông A trên VOA Tiếng Việt bình luận “Sự thật và dối trá qua chuyến thăm Hà Nội của Putin”.

Theo tác giả, trong Tuyên bố chung giữa Putin và lãnh đạo Ba Đình, có 2 điểm giới quan sát cho là quan trọng, trong tình hình địa – chính trị thế giới và khu vực hiện nay.

Điểm thứ nhất, 2 bên thỏa thuận tăng cường quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”, đồng thời nhất trí không “gia nhập liên minh hay hiệp ước với bên thứ ba để gây tổn hại cho độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.”

Điểm thứ hai, Tổng thống Nga nhận định rằng, Liên bang Nga và Việt Nam có quan điểm giống nhau về tình hình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Và khu vực này đang là “điểm nóng thứ hai” trong quan hệ quốc tế, sau “điểm nóng thứ nhất” ở châu Âu.

Tác giả nhận xét, nếu công nhận châu Á – Thái Bình Dương là “điểm nóng thứ hai”, có nghĩa, Putin gián tiếp thừa nhận, tình hình căng thẳng lâu nay trên Biển Đông là một trong những nguồn gốc gây ra “điểm nóng” ấy, và đó cũng là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam hiện thời.

“Điểm nóng” này chính là do Trung Quốc gây ra, với hàng loạt hoạt động vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được xác định theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Tác giả tiếc rằng, Tuyên bố chung đã không lấy một lời nào, đề cập đến biến cố ngang ngược này từ phía nhà cầm quyền Trung Quốc.

Vẫn theo tác giả, dư luận chưa quên một phát ngôn trước đây của Putin, ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh, phản bác phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague.

Cho nên, tác giả đánh giá, Tuyên bố chung với Việt Nam nói rằng, Nga khẳng định tính phổ quát và toàn vẹn của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) – hoàn toàn là những lời nói dối hào nhoáng.

Ngoài ra, căn cứ những cơ sở pháp lý tại Tuyên bố chung, “dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc” rõ ràng, Putin đang đối mặt với lệnh bắt giữ ông, do Toà Hình sự Quốc tế ICC ban hành, do các tội ác chiến tranh ở Ukraine.

Vậy, tác giả đặt vấn đề, điều mà Tuyên bố chung gọi là “không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp” – có phải là những lời nói dối đáng hổ thẹn?

Giờ này, tác giả cho rằng, Đảng không muốn nhắc lại cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, tiến công đồng loạt vào các tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979. Đảng cũng không muốn nhắc lại quan hệ của Triều Tiên với Pol Pot, trong giai đoạn chiến tranh biên giới Tây Nam.

Còn Putin thì muốn Việt Nam quên đi những bài học lịch sử đau thương này, để thiết kế một trục địa – chính trị mới: Tất cả chúng ta là một, qua Trung Hoa như liền khúc ruột, với nước Nga ta chung một mái nhà!

Hệ lụy này, tác giả nhận định, nếu xảy ra trên thực tế, sẽ là một cơn ác mộng đối với toàn thể dân tộc Việt Nam, một sự đe dọa trực tiếp đến hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như trên toàn cầu.

Tác giả đề cập đến Hiệp ước mới giữa Nga và Triều Tiên, cho phép hỗ trợ quân sự, lập tức đã bị nhiều nước phản ứng. Điều này cho thấy, các cường quốc độc tài đang liên kết với nhau.

Tác giả cho biết, ngay khi chuyên cơ của Putin vừa rời phi trường Nội Bài, đã có tin, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á – Trợ lý Ngoại trưởng, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam – Daniel Kritenbrink – thăm Hà Nội 2 ngày cuối tuần. Ông Kritenbrink đến “để nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc thực hiện Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam, và hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Tác giả bình luận, đằng sau sự mượt mà của ngôn ngữ ngoại giao này, các doanh nghiệp và nhà sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ nóng lòng muốn biết, tháng 7 tới, liệu Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ bóc nhãn “kinh tế phi thị trường” cho các sản phẩm của Việt Nam? Thương mại với Hoa Kỳ có thể đạt tới 145 tỷ USD, với EU có thể tới 75 tỷ USD trong năm nay. Còn với Nga, phấn đấu lên 2.5 tỷ USD.

Tác giả nêu vấn đề: Sau hồi “cờ – đèn – kèn – trống” đón rước một tội phạm quốc tế, liệu bát cơm sắp đưa lên miệng người dân rồi đây có bị hất khỏi tay?

 

Xuân Hưng – thoibao.de