Trong thời gian gần đây, ở Việt Nam, sự xuất hiện của nhà tu hành Thích Minh Tuệ, bộ hành để khất thực, đã trở thành một hiện tượng xã hội lớn. Vị tu sĩ này đã truyền cảm xúc và thức tỉnh, không chỉ các tăng ni, Phật tử, mà còn được hàng triệu người yêu mến.
Ở chiều ngược lại, các “ma tăng” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với những bài thuyết giảng sặc mùi tiền bạc, đã gây bức xúc xã hội.
Đó là lý do, vì sao các chùa to Phật lớn của Giáo hội Phật giáo quốc doanh đã bị tẩy chay, và rơi vào tình cảnh “vắng như chùa Bà Đanh”. Vì vậy, theo giới quan sát, chính quyền Việt Nam đã phải tiến hành một công cuộc “thanh lọc” đối với Giáo hội quốc doanh này.
Ngày 19/6, Giáo hội Phật giáo đã công bố quyết định kỷ luật Thượng tọa Thích Chân Quang – Trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo đó, sư Thích Chân Quang bị cấm không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, cũng như không chủ trì, tổ chức các sự kiện tập trung đông người, tại Thiền Tôn Phật Quang và các địa điểm khác, trong thời gian 2 năm.
Theo thông báo cho biết:
“Giáo hội Phật giáo đã nhận được nhiều phản ánh từ Phật tử, nhân dân, báo chí… về việc những bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang gây hoang mang trong xã hội, phản ứng của cộng đồng, làm suy giảm niềm tin Phật pháp và ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội.”
Được biết, sư Thích Chân Quang từng nổi tiếng trên mạng xã hội, với nhiều phát ngôn gây “sóng gió” về luật nhân quả, hay lời kêu gọi cúng dường mang đậm tính kinh doanh lừa đảo, mê tín dị đoan. Ngoài ra, ông sư này cũng có các phát ngôn chỉ trích các nhà tu hành khác. Ví dụ một câu nói phản cảm, gây tranh cãi của sư Thích Chân Quang, rằng: “phải tìm tiền mệnh giá cao để đưa cho thầy trụ trì, thì thầy trụ trì mới làm được việc đạo.”
Đó là lý do vì sao, theo báo Giác Ngộ, ngày 7/6, Ban Tôn giáo Chính phủ đã đề nghị thẩm tra các phát ngôn, việc làm, và thuyết giảng của sư Thích Chân Quang. Theo đó, những phát ngôn của sư Chân Quang trong các video trên mạng xã hội, không đúng với giáo lý, giáo luật, truyền thống văn hóa của Phật giáo, cũng như lịch sử của dân tộc Việt Nam; sửa đổi giới cấm trong chứng điệp quy y Tam bảo của Phật giáo… Và nếu ông Thích Chân Quang có vi phạm, thì sẽ bị xử lý nghiêm minh, vẫn theo báo Giác Ngộ cũng lưu ý.
Cũng theo báo này cho biết, sư Chân Quang không phải trường hợp cá biệt, mà còn nhiều Thượng tọa, hay trụ trì các chùa khác, như Thích Nhuận Đức, Thích Thanh Quyết, Thích Nhật Từ, hay Thích Trúc Thái Minh…, cũng có nhiều hoạt động và phát ngôn gây xôn xao dư luận, làm suy giảm niềm tin của xã hội đối với Phật giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Một câu hỏi đặt ra, đó là, Hòa thượng Thích Chân Quang, hay “ma tăng” Chân Quang là ai?
Trên mạng xã hội loan truyền các thông tin cho biết:
“Thượng tọa Thích Chân Quang, tên thật là Vương Tấn Việt, là chắt nội của cụ Hồ Sĩ Tạo, và cháu nội của cụ Phó Bảng Vương Sinh Huy, con trai của cụ Vương Chí Nghĩa – tức là, cháu ruột của “đồng chí” Hồ Chí Minh.”
Hòa thượng Thích Chân Quang hiện đang Trụ trì chùa Phật Quang, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, ông còn là Phó trưởng ban Kinh tế Tài chính Trung ương, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngày 24/6, trên mạng xuất hiện thông tin về bằng cấp của ông Vương Tấn Việt – tức Thích Chân Quang. Theo đó, ông Vương Tấn Việt đã học tại trường Đại học Luật Hà Nội, hệ tại chức, tốt nghiệp vào năm 2019. Thế nhưng, đến năm 2021, chỉ trong vòng 2 năm, ông Việt đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật, cũng tại Đại học Luật Hà Nội.
Như vậy, ông Việt vừa tốt nghiệp đại học đã chuyển tiếp lên nghiên cứu sinh tiến sĩ luôn, bởi thời gian nghiên cứu sinh tiến sĩ thông thường là 2 năm. Điều này là cực kỳ vô lý, vì nghiên cứu sinh tiến sĩ thường yêu cầu phải có kinh nghiệm làm việc.
Mặt khác, người Việt có câu “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”. Một người cầm bằng đại học tại chức, có đủ trình độ để làm nghiên cứu sinh hay không?
Công luận đặt câu hỏi và đề nghị, trường Đại học Luật Hà Nội và Bộ Giáo dục Đào tạo, giải thích rõ về quá trình học tập và bằng cấp của ông Vương Tấn Việt. Các câu trả lời cần được công khai cho người dân được rõ.
Công luận thấy rằng, cùng với Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhật Từ…, thì “ma tăng” Thích Chân Quang, từng được chính quyền dung túng, công khai tuyên truyền mê tín dị đoan, cố ý làm lầm lạc tín ngưỡng, làm u mê một bộ phận dân chúng, theo chủ trương của chính quyền để phá hoại đạo Phật từ nền tảng tư tưởng, chứ không còn là hành đạo một cách bình thường./.
Trà My – Thoibao.de