Có khả năng, nhóm “an ninh trị” đã vận động cho chuyến thăm của ông Putin đến Việt Nam

Ngày 25/6, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận “Việt Nam đã nghĩ gì khi chào đón Putin, của nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Trung Âu về các vấn đề châu Á – ông David Hutt.

Tác giả đặt vấn đề: Liệu có nên trải thảm đỏ mời một nhà lãnh đạo đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế ra lệnh bắt giữ?

Từ góc độ địa chính trị, các vấn đề trong nước, kinh tế và hệ tư tưởng, việc Hà Nội đón tiếp ông Putin chẳng mang lại mấy ý nghĩa, trừ khi phe an ninh đang trỗi dậy có thể áp đặt những gì xảy ra trong Đảng.

Tác giả phân tích, có khoảng 15 thỏa thuận kinh tế, giáo dục và hợp tác chính trị được ký kết, nhưng những thỏa thuận này cũng có thể đạt được mà không cần có sự hiện diện của ông Putin.

Việc Nga bán vũ khí cho Việt Nam đã không thể thực hiện từ khi Nga xâm lược Ukraine, dù Việt Nam vẫn muốn mua. Nhưng với mức độ phụ thuộc ngày càng sâu vào Trung Quốc, Nga khó có thể bán những thiết bị này cho Việt Nam.

Mặt khác, việc Việt Nam mua vũ khí của Nga cũng là một việc mạo hiểm, vì các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga.

Tuy nhiên, tác giả suy đoán, khả năng ông Trọng không còn trụ được bao lâu nữa vì lý do sức khoẻ, và Tô Lâm – cựu Bộ trưởng công an và hiện là Chủ tịch nước, được cho là sẽ trở thành Tổng Bí thư tiếp theo.

Trong bối cảnh này, những “nhà an ninh trị” – các quan chức đến từ Bộ Công an – đã nhanh chóng kiểm soát Đảng.

Tác giả dẫn những đồn đoán, cho rằng, nhóm an ninh trị vẫn chưa kết thúc việc thanh trừng các đối thủ có đầu óc kinh tế trong Đảng – những người có thể dấy lên cuộc đấu tranh chống lại các thỏa thuận quân sự quan trọng với Nga trong nội bộ Đảng.

Có khả năng, những nhà an ninh trị đã vận động rất mạnh mẽ để chuyến thăm của ông Putin diễn ra, chặn họng những người mà theo các nguồn thông tin rò rỉ, đã phản đối việc này rất quyết liệt.

Tác giả đề cập đến việc, chiến dịch chống tham nhũng chắc chắn đã làm suy yếu bộ máy hành chính của Chính phủ. Công chức sợ hãi việc bị kỷ luật, đến nỗi, họ ngừng đưa ra những lựa chọn khó khăn, dẫn đến sự chậm trễ về hành chính và những vấn đề lớn liên quan đến năng lực vận hành nhà nước.

Theo tác giả, mối lo ngại lớn hơn là, liệu nỗi sợ hãi của các công chức nhà nước cũng đã ảnh hưởng tới dòng chảy thông tin trong Đảng? Cấp dưới liệu vẫn sẵn lòng cung cấp cho cấp trên của họ những thông tin không vui, nhưng trung thực?

Tác giả dẫn lời ông Nguyễn Khắc Giang, từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng:

“Các nhà lãnh đạo mới [trong Bộ Chính trị]… là “những nhà tư tưởng” hơn là “những người làm trực tiếp”, thiếu những thành tích đáng kể để biện minh cho sự thăng tiến của họ. Điều này củng cố niềm tin rằng: Trong bối cảnh bất ổn của chiến dịch chống tham nhũng, sẽ là khôn ngoan hơn nếu quan chức Chính phủ giữ cho mình được an toàn, bằng cách làm ít hơn để sống sót, thay vì chấp nhận rủi ro.” 

Tác giả so sánh với Trung Quốc, cho thấy, khi ông Tập đã hoàn toàn tập trung hóa quyền lực, và loại bỏ bất cứ ai có năng lực hoặc trung thực ra khỏi bộ máy nhà nước, thì không ai muốn cung cấp thông tin cho ông ấy nữa.

Tác giả nêu dẫn chứng về vụ Trung Quốc thả khinh khí cầu gián điệp vào Mỹ năm 2023, ông Tập chỉ được biết sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo.

Giờ đây, tại Hà Nội, những nhà an ninh trị đang nắm quyền, và dường như, đang nghe theo những người luôn đồng ý và bợ đỡ họ.

Tác giả cho rằng, nhìn vào một vài năm tới, điều đáng lo ngại là liệu các phe phái thay thế có trở nên quá yếu, và liệu toàn bộ bộ máy quan liêu có trở nên sợ hãi đến mức những tin tức không mong đợi sẽ không còn chảy lên tới lãnh đạo cấp cao.

 

Hoàng Anh – thoibao.de