Việt Nam đệ trình hồ sơ thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông, Trung Quốc phản đối

Ngày 19/7, VOA Tiếng Việt loan tin “Trung Quốc phản đối đệ trình của Việt Nam với Liên Hợp Quốc về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông”.

Theo đó, Trung Quốc hôm 18/7 đã lên tiếng, “kiên quyết” phản đối việc Việt Nam đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS), hồ sơ về thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam, tại khu vực giữa Biển Đông.

VOA dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến, khi trả lời câu hỏi của Tân Hoa Xã hôm 18/7, cho rằng:

“Việt Nam đơn phương trình lên CLCS [Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc] hồ sơ về ranh giới thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông.”

Ông Lâm nói rằng, tuyên bố của Việt Nam “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế”, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc.

“Chúng tôi kiên quyết phản đối và đã có những phản đối nghiêm túc đối với Việt Nam”, ông Lâm nhấn mạnh.

VOA cho biết, trước đó, trong cùng ngày 18/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố, Việt Nam đã nộp hồ sơ với Liên Hợp Quốc, để khẳng định về ranh giới thềm lục địa mở rộng (ECS) ở Biển Đông, 1 tháng sau khi nước láng giềng Philippines trong cùng khu vực có động thái tương tự.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng, đất nước này cũng đã gửi công hàm tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, để nêu rõ quan điểm của Việt Nam, về đệ trình tương tự của Philippines được nộp vào tháng trước.

“Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thêm.

Về phía Trung Quốc, ông Lâm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc viện dẫn quy tắc tố tụng của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc, và nói rằng, các đệ trình sẽ không được xem xét khi đang có tranh chấp, có nghĩa là, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc sẽ không xem xét, hoặc đánh giá các đệ trình liên quan của Việt Nam và Philippines về việc phân định này.

“Những đệ trình như vậy không có bất kỳ tác dụng thực tế nào, mà sẽ chỉ làm nổi bật những khác biệt và làm trầm trọng thêm những xích mích, điều này sẽ không giúp giải quyết các tranh chấp”, ông Lâm nói.

Ông nói thêm rằng, Trung Quốc sẽ vẫn “cam kết” giải quyết thỏa đáng các tranh chấp ở Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn với các bên liên quan.

Theo quan sát của VOA, Việt Nam chưa có phản ứng về những phát biểu của ông Lâm bên phía Trung Quốc.

Ngày 18/7, VOA Tiếng Việt cũng đã loan tin “Việt Nam nộp hồ sơ với Liên Hợp Quốc để khẳng định về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông”.

VOA dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói rằng, việc nộp đệ trình “Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý” hiện tại, là để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phù hợp với luật quốc tế về hàng hải.

Tuyên bố cho biết thêm, đây là lần đệ trình thứ 3 của Việt Nam, trước đây là một đệ trình liên quan đến Khu vực Bắc Biển Đông, và một đệ trình chung với Malaysia về phần phía nam của khu vực vào năm 2009.

Theo VOA, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả các vùng mà Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam, cũng tuyên bố chủ quyền. Nhiều vùng trên tuyến đường thủy chiến lược này, nơi lượng vận tải thương mại trị giá 3 nghìn tỷ đô la đi qua hàng năm, được cho là có trữ lượng dầu khí dồi dào cũng như có nhiều cá.

Không chỉ tuyên bố suông, những năm qua, Trung Quốc đã có rất nhiều hành động thô bạo và liên tục, xâm phạm chủ quyền của các nước trong khu vực, nhằm khẳng định lập trường của họ, bất chấp luật pháp quốc tế.

 

Thu Phương – thoibao.de