Ai dám “ăn gan hùm”, gỡ chức Chủ tịch nước khỏi tay Tô Tổng?

Kết thúc Hội nghị Trung ương bất thường lần thứ 8, báo chí nhà nước không dám nói một lời nào về việc ai sẽ là Chủ tịch nước, sau khi ông Tô Lâm “được chọn” làm Tổng Bí thư. Báo chí cũng không dám thông báo, liệu ông Tô Lâm có kiêm nhiệm 2 chức vụ hay không?

Thông thường, sau Hội nghị Trung ương bất thường sẽ đến Quốc hội họp bất thường. Tùy vào kết quả ăn chia trên bàn cờ chính trị, trong kỳ họp Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương, mà quyết định việc Quốc hội có tổ chức họp hay không.

Quốc hội chỉ làm nhiệm vụ thông qua những điều mà Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã quyết định, có liên quan đến công việc của nhà nước. Chủ tịch nước là chức vụ đứng đầu nhà nước, nên nếu có sự thay đổi, thì Quốc hội sẽ họp.

Tuy nhiên, đã gần 1 tuần trôi qua, mà Quốc hội vẫn im thin thít, khiến dư luận càng tin rằng, ông Tô Lâm sẽ kiêm nhiệm cả 2 chức: Tổng Bí thư và Chủ tịch nước.

Một nguồn tin khả tín từng tiết lộ cho thoibao.de rằng, Tô Lâm sẽ kiêm nhiệm 2 chức, mặc dù Bộ Chính trị và Trung ương Đảng không đồng ý. Điều này cho thấy, thế và lực của Tô Lâm hiện nay đang rất mạnh, đủ để khiến cho những kẻ, dù không đồng tình với ông thì cũng phải gật đầu.

Ông Tô Lâm là người thứ 2 kiêm nhiệm Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, sau ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số nhà quan sát, khi ông Trọng kiêm nhiệm 2 chức, thì được Trung ương Đảng đồng thuận. Còn khi ông Tô Lâm kiêm nhiệm 2 chức, thì hầu như chẳng mấy ai đồng tình, trừ những người thuộc phe Hưng Yên.

Ông Trọng cũng từng có ý định nhất thể hóa 2 chức, theo mô hình của Trung Quốc, nhưng sau đó lại đổi ý. Có thể, do ông sợ cái “dớp” không yên ổn khi ngồi ghế Chủ tịch nước, bởi chính ông từng suýt chết ở Kiên Giang.

Nếu Tô Lâm nhất thể hóa, điều đó có nghĩa, ông sẽ là người tạo ra luật chơi trong Đảng. Từ “Tứ trụ” biến thành “Tam trụ”, và trụ đứng đầu có quyền lực bao trùm, đủ khả năng để thay đổi Hiến pháp, dọn đường cho Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước cầm quyền suốt đời.

Nếu Bộ Chính trị và Trung ương Đảng càng tỏ ra ngoan ngoãn, thì Tô Lâm sẽ càng lấn tới. Từ nay, mọi luật chơi trong Đảng và nhà nước đều do Tô Lâm làm chủ. Bộ Chính trị trở thành con rối, chỉ biết gật đầu.

Những cuộc họp “lãnh đạo chủ chốt”, sau khi Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư, cũng bị phá lệ. Các nhân vật thân cận Tô Lâm, như Tô Ân Xô và Nguyễn Duy Ngọc, dù không đúng thành phần cũng được cho tham dự. Đây là cách mà Tô Lâm muốn cho giới lãnh đạo Đảng biết rằng, ông mới là người chủ, 3 nhân vật còn lại chỉ là những kẻ thừa hành.

Bản chất quân phiệt của Tô Lâm đã ăn vào máu, vừa giành được chức Tổng Bí thư, thì ông đã thị uy với phần còn lại trong Đảng. Phải khiến cho tất cả đều khiếp sợ, thì Tô Lâm mới an tâm. Hiện nay, “mùi” công an trị đã rất nồng đậm, ngay trong nhóm lãnh đạo chủ chốt, chứ chưa nói đâu xa.

Ông Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra những tiền lệ rất có lợi cho Tô Lâm, đấy là “cái lò” đang cháy và việc một Tổng Bí thư cầm quyền cho đến lúc chết. Tô Lâm có đủ lý do để làm theo, và với cách theo gương ông Trọng, vị trí của Tô Lâm ngày một củng cố vững chắc.

Thế lực có thể thách đấu với Tô Lâm hiện này chỉ có Phạm Minh Chính. Nhưng có vẻ, ông Chính đã tụt hậu rất xa so với Tô Lâm, vì thế, trong thời gian từ nay đến Đại hội 14, rất khó có thế lực nào cản đường được Tô Lâm. Cũng rất khó có thế lực nào dám “ăn gan hùm”, yêu cầu Tô Lâm nhả ghế Tổng Bí thư.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de