Bảy Phúc tung bùa “chặn họng” được Tổng Trọng, nhưng với Tô Tổng, liệu bùa còn linh?

Ngày 4/2/2023, ngày bàn giao công việc cho Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chộp cơ hội, phát biểu rằng: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng, liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”.

Ngay sau đó, lời thanh minh này được các tờ báo trong nước đăng tải trên các trang đầu. Đây được xem là cú phản đòn của ông cựu Chủ tịch nước, trước dư luận lúc ấy cáo buộc vợ ông liên quan đến Việt Á.

Tuy nhiên, ông Phúc lại có ẩn ý khác, ông mượn nhờ dư luận, để lưu lại lời nói này, như bằng chứng xác nhận vợ ông không hề liên quan gì đến Việt Á. Tuy sau đó ông Trọng cho Tuyên giáo buộc các tờ báo rút bài, nhưng đã không kịp, câu nói này đã được báo chí nước ngoài và cộng đồng mạng lưu lại.

Thực tế, việc ông Phúc bị ép phải rời ghế, đã chứng minh, ông có dính sai phạm. Không có chuyện ông và vợ con ông không liên quan gì, không sai phạm gì, mà người ta có thể ép được ông rời ghế. Từ đó mới thấy, cái gọi “xác nhận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương” kia, chẳng phải là kết quả điều tra, mà chỉ là một sự ngã giá giữa các bên mà thôi. Hơn nữa, nếu điều tra mà không tìm thấy đủ bằng chứng, thì cũng không có nghĩa là đương sự vô tội, mà có thể, do đương sự che dấu tốt, hoặc đã phi tang chứng cứ.

Phát ngôn của ông Nguyễn Xuân Phúc ngày đó, không đủ để thuyết phục dư luận rằng, vợ ông trong sạch. Mà nó phơi bày một thực tế – đấy là việc các bên đã đạt được thỏa thuận sau hậu trường, để ông Phúc rút lui.

Có lẽ, ông Phúc đã đồng ý rút lui với điều kiện, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác nhận vợ ông không liên quan đến Việt Á. Sự xác nhận này chính là lá bùa hộ mệnh, khiến ông Trọng để yên cho Nguyễn Xuân Phúc, sau khi ông Phúc về hưu.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan trực thuộc quyền điều hành của Tổng Bí thư. Ủy ban này đã xác nhận, đồng nghĩa, Tổng Bí thư đã xác nhận. Giờ đây, Tô Lâm muốn bắt được Nguyễn Xuân Phúc tống vào tù, thì phải tìm cách hóa giải “lá bùa” này trước.

Dù ông Nguyễn Phú Trọng đã mất, nhưng uy tín của ông trong Đảng vẫn cao hơn Tô Lâm rất nhiều. Nhiều thành phần cấp cao trong Đảng, và cả trong dân, rất tin tưởng ông Trọng. Họ tin những điều ông Trọng làm là đúng, là đáng tin hơn Tô Lâm. Nếu Tô Lâm cho xử lý hình sự Nguyễn Xuân Phúc, thì điều đó có nghĩa, ông đã đạp lên những cam kết của ông Trọng với ông Phúc, thông qua chữ ký của Trần Cẩm Tú.

Hiện nay, Tô Lâm rất cần trảm một trong những “Tứ trụ” về hưu, để dằn mặt những người còn lại, đang muốn ngồi hậu trường giật dây những thế lực khác, như Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng vv… Nếu làm được điều này, có thể, ông Tô Lâm sẽ trảm luôn cả Trần Cẩm Tú, vì chính ông Tú là người đã kết luận vợ ông Phúc không liên quan đến Việt Á. Cách tránh búa rìu dư luận tốt nhất, là đổ lỗi cho kẻ khác.

Nguyễn Xuân Phúc từng chinh chiến nhiều năm ở chính trường, ông từng ra tay trong bóng tối với nhiều đối thủ chính trị, một cách rất thâm độc. Vì đi lên bằng những đòn hiểm khó lường, nên Nguyễn Xuân Phúc không có được mạng lưới thuộc hạ cũ đang nắm quyền như Nguyễn Tấn Dũng. Đánh vào Nguyễn Xuân Phúc dù sao cũng dễ hơn đánh vào Nguyễn Tấn Dũng hay Trương Tấn Sang, tuy nhiên, không có nghĩa là không có những vướng mắc khó gỡ.

Nguyễn Xuân Phúc – “cáo già” trên chính trường một thời, liệu có giơ tay chịu trói một cánh dễ dàng hay không?

Hãy đợi xem, Tô Lâm sẽ xử lý ông cựu Chủ tịch nước này như thế nào trong thời gian tới? Liệu lá bùa kia của ông Phúc có còn linh nghiệm dưới thời Tô Lâm nữa hay không?

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de