Tô Tổng Chủ có thẳng tay xử lý vợ chồng Nguyễn Xuân Phúc như tin đồn?

Ngày 8/8, báo Tiếng Dân đăng bài bình luận của tác giả Chu Hồng Quý, với tựa đề “Liệu tân Tổng Bí thư có chỉ đạo khởi tố vợ chồng Nguyễn Xuân Phúc?”

Theo tác giả, hệ thống tài chính là mạch máu của nền kinh tế quốc gia. Nền kinh tế có hoạt động hiệu quả và tăng trưởng bền vững, cũng từ sự minh bạch của hệ thống tài chính. Những hành vi tham nhũng lớn đều thông qua hệ thống tài chính.

Công cuộc chống tham nhũng làm trong sạch Đảng, trước hết, là cứu vãn sự sụp đổ của Đảng, sẽ không thể đạt được hiệu quả, nếu không làm lành mạnh thị trường tài chính.

Tác giả đề cập đến chính sách chống dịch cúm Tàu sai lầm, đã gây nên cái chết oan ức, tức tưởi của 43 ngàn đồng bào, khiến hàng triệu lao động chạy loạn trong cơn cùng quẫn. Giai cấp công nhân, lực lượng được cho là lãnh đạo Cách mạng, chưa bao giờ thảm thương đến vậy. Nhưng cuối cùng, trùm cuối vẫn chưa phải chịu trách nhiệm.

Tác giả đánh giá, tân Tổng Bí thư Tô Lâm nếu làm được 2 việc – trong sạch hệ thống tài chính quốc gia và xử lý trùm cuối trong đại dịch cúm Tàu, thì tác giả nguyện ủng hộ tuyệt đối, và phục tùng ông, ủng hộ công cuộc xây dựng Xã hội Chủ nghĩa, để nước ta có thể đàng hoàng, ngạo nghễ, sánh vai với Cuba, Bắc Hàn.

Tác giả cho biết, gần đây, “lực lượng phản động chống phá Đảng ta” tung tin đồn, sắp khởi tố, bắt giam vợ chồng cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong đó, truy tố cô Thu về tội lũng đoạn thị trường chứng khoán.

Nhân đây, tác giả chia sẻ lại bài viết cũ, đã tồn tại trên Facebook 2 năm, nhưng kỳ lạ là, chỉ mới gần đây, Facebook đột ngột thông báo xóa bài biết mà không nói rõ lý do.

Bài viết này có tựa đề “Thị trường chứng khoán Việt Nam được quản lý và giám sát thế nào?”, đăng ngày 18/11/2022 trên Facebook cá nhân của tác giả.

Theo đó, tác giả nhắc lại, tháng 8/2017, nhân viên Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải bất ngờ phát hiện, 400 tài khoản giao dịch cùng mã cổ phiếu SHA của Công ty ZheJiang DiBay Electric, mới được niêm yết trước đó 2 tháng, gây ra biến động lớn về giá cổ phiếu.

Từ đó, Trung Quốc đã phát hiện ra một vụ thao túng chứng khoán, làm rúng động thị trường tài chính toàn cầu.

Theo tác giả, ở Việt Nam, nhiều cổ phiếu có thể tăng trần hay giảm sàn liên tục mức 1.000% chỉ trong thời gian ngắn, cũng chỉ là “do cung cầu thị trường” hay “tâm lý” hoặc “thị hiếu của nhà đầu tư”. Nhưng tác nhân nào làm nhà đầu tư lại có tâm lý tranh mua đua bán một cách bất thường như vậy, thì chẳng ai quan tâm.

Tác giả nêu dẫn chứng, giá trị vốn hóa cổ phiếu ROS của Trịnh Văn Quyết tăng 66.000 lần chỉ trong 6 năm cũng không ai quan tâm. Hay việc bà Trương Mỹ Lan rút ruột ngân hàng hơn 1.066.000 tỷ đồng, chiếm 11% GDP cả nước năm 2022, vậy mà dễ dàng qua mặt được toàn bộ hệ thống quản lý, giám sát, trong suốt thời gian dài.

Còn trái phiếu, tác giả cho biết, một công ty vô danh vừa được thành lập 2 năm, và cả 2 năm liên tục đều thua lỗ, nhưng vẫn ngang nhiên phát hành trái phiếu không bảo đảm trái luật, mà cơ quan quản lý nhà nước không biết. “Nhà đầu tư dám làm dám chịu”, “đã đầu tư thì phải chấp nhận rủi ro”, trắng tay ráng chịu. Vậy là hàng giả cứ ngang nhiên lưu hành, chẳng có ai quản lý.

Tác giả nhận định, ở Việt Nam, tin giả có thể ngang nhiên lan tràn. An ninh mạng đang bận report tài khoản phản động. Thậm chí, chính các quan chức cấp cao của Chính phủ cố tình tung tin giả một cách công khai, mà chẳng sợ trách nhiệm. Cứ mỗi lần Bộ trưởng đăng đàn “phủ nhận tin đồn thất thiệt, không có chuyện sẽ tăng giá xăng dầu”, là dân lại ào ào chen nhau đi đổ xăng trước giờ tăng giá.

Tác giả mỉa mai, việc quan trọng, cấp thiết, như giao dịch chui của Trịnh Văn Quyết, thì không đoái hoài, nhưng dồn tài lực của dân, công lính “ra quân rầm rộ” những chuyện ruồi bu.

 

Xuân Hưng – thoibao.de