“Lột chức” Tô Lâm và nước cờ cao của Tập?

Những ngày qua, báo chí tự do và cả báo chí nước ngoài đều đang bàn tán xôn xao, về chức Chủ tịch nước của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Theo báo chí nhà nước, tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới, sẽ “bầu” lại Chủ tịch nước. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, tại sao phải đợi đến tháng 10? Mà không thực hiện ngay ở Hội nghị bất thường của Trung ương Đảng, ngày 16/8 vừa qua?

Kỳ họp nói trên là kỳ họp tranh thủ, để Tô Lâm lên đường sang Bắc Kinh. Chắc chắn, tại kỳ họp này, Tô Lâm đã không chịu nhả ghế Chủ tịch nước. Bởi nếu ông chịu nhả, thì tại kỳ họp bất thường của Quốc hội, vào ngày 26/8, đã bỏ phiếu cho chức danh Chủ tịch nước. Mới đây,  báo chí trong nước đưa tin, chức Chủ tịch nước sẽ được bầu tại kỳ họp chính thức của Quốc hội vào tháng 10, nghĩa là, sau khi Tô Lâm đi Trung Quốc trở về.

Dựa vào các mốc thời gian trên, có thể thấy, sau khi từ Trung Quốc trở về, Tô Lâm mới chấp nhận nhả ghế Chủ tịch nước. Vậy ai đủ quyền lực để yêu cầu Tô Lâm phải nhả ghế, ngoài Tập Cận Bình? Như vậy, phải chăng, chuyến đi triều kiến của Tô Lâm, để xin được sắc phong 2 chức, đã không được chấp nhận?

Muốn rảnh tay chiến đấu với các thế lực khác trong Đảng, thì Tô Lâm phải sang Bắc Kinh xin “sắc phong”, đấy là luật “bất thành văn” mà bao thế hệ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải tuân thủ, và Tô Lâm cũng không ngoại lệ.

Giả sử, ông Tập thực sự muốn lột chức Chủ tịch nước của Tô Lâm, thì ông đang âm mưu điều gì?

Khi Tô Lâm nhả chức, thì chắc chắn, hoặc Lương Cường, hoặc Phan Văn Giang, sẽ nắm giữ vị trí này. Tuy chức Chủ tịch nước không có thực quyền, nhưng nếu người ngồi lên đó là một đại tướng quân đội, thì chưa chắc đã là “bù nhìn”. Điều đáng nói là, nếu ông Lương Cường ngồi ghế Chủ tịch nước, rồi hợp lực với ông Phan Văn Giang, thì cung đình sẽ có 2 thế lực cân bằng. Lúc đó, cuộc chiến cung đình mới ác liệt.

Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là một tập thể thống nhất. Họ chỉ thống nhất trong vấn đề chống dân, để bảo vệ quyền lợi của Đảng, cũng là quyền lợi của chính họ. Ngoài ra thì các phe không ngừng đấu nhau không hồi kết, chỉ vì mục tiêu quyền – tiền. Còn quyền lợi chính đáng của dân, và quyền lợi của đất nước, thì họ chỉ rao giảng qua hệ thống Tuyên giáo, chứ thực chất thì không quan tâm.

Từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên cầm quyền, chuyện đấu đá cung đình được nâng lên một tầm cao mới, đó là, dùng chiêu bài chống tham nhũng để phang nhau, rồi chiếm ghế chia chác. Thậm chí, họ có thể ra tay thuốc lẫn nhau không thương tiếc.

Việc Tô Lâm chịu nhả chức Chủ tịch nước, có thể sẽ khiến phe quân đội trỗi dậy. Nếu đây là nước cờ của ông Tập Cận Bình, thì rõ ràng, ông chủ Trung Nam Hải rất cao tay. Ông Tập không cần trực tiếp can thiệp vào nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà chỉ cần duy trì thế cân bằng giữa các phe phái của Việt Nam, để họ tự đánh nhau không hồi kết. Lúc đó, Tập Cận Bình chỉ việc ngồi ở Bắc Kinh, và đợi các phe phái chạy sang “cầu viện”. Đấy là lúc mà ông có thể điều khiển chính trị Việt Nam dễ nhất.

Ông Tô Lâm rất tham vọng, khó có chuyện ông chịu nhả chức, nếu không có áp lực đủ mạnh. Hết thời Nguyễn Phú Trọng rồi đến Tô Lâm, các đời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng bao giờ có được sự tự chủ.

Việt Nam muốn phát triển thì phải biết tự đứng trên đôi chân của mình. Một khi không thể độc lập về chính trị, thì chắc chắn, không thể độc lập về kinh tế.

Người Việt cần Đảng giữ mối quan hệ bình đẳng với Trung Quốc, như đối với các nước khác. Tuy nhiên, xem ra, đấy chỉ là giấc mơ xa vời, sẽ không bao giờ thành hiện thực, nếu Cộng sản còn cầm quyền.

Thoibao.de