Nguyên do khiến luật sư Trần Đình Triển bị bắt

Ngày 7/6, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an cho biết, đã bắt tạm giam nhà báo Trương Huy San và luật sư Trần Đình Triển.

Theo cơ quan điều tra, 2 bị can đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên Facebook, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Sau khi bị bắt, trang Facebook của cả 2 đều biến mất.
Thoibao.de đã đăng lại bài viết trên Facebook của nhà báo Trương Huy San phê bình Tô Lâm, mà bài viết này đã khiến ông bị bắt.

Trên trang Facebook của mình, luật sư Trần Đình Triển có một số bài viết chỉ trích Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Đây chính là nguyên do khiến luật sư Trần Đình Triển bị bắt.

Luật sư Triển từng cho biết, ông là bạn học cùng khoá đại học với ông Nguyễn Hoà Bình và ông Tô Lâm.

Như vậy, ông Triển đã bị bắt bởi chính tay những bạn học của mình.

Nhân dịp Nguyễn Hoà Bình vừa mới lên làm Phó Thủ tướng Thường trực (ngày 26/8), thoibao.de đăng lại bài viết của luật sư Trần Đình Triển ngày 23/4, với tiêu đề:

NGUYỄN HÒA BÌNH – NHỮNG CÁI NHẤT KHI LÀM CHÁNH ÁN

Ông Nguyễn Hoà Bình là bạn học cùng khóa đại học với tôi; trong công tác thì có thời gian cùng ngành, hoặc khác nghề nhưng lại liên quan đến nhau. Vì vậy, tôi hiểu biết Nguyễn Hòa Bình từ học hành, năng lực trình độ, sở trường sở đoản, phẩm chất đạo đức và nhân cách;… Tôi nêu một số “cái được” của Nguyễn Hoà Bình như sau:

1-/ Là Chánh án Toà án Nhân dân tối cao đầu tiên có chức vị cao nhất trong Đảng: Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng;

2-/ Là Chánh án Toà án Nhân dân tối cao có học hàm học vị cao nhất: Giáo sư, Tiến sĩ;

3-/ Là Chánh án đầu tiên đưa ra ý tưởng: Chọn và xây tượng “vị thần bảo vệ công lý” ở trụ sở hệ thống tòa án, từ cấp quận huyện trở lên;

4-/ Là Chánh án mà nhiều cấp toà, phiên toà (sơ thẩm và phúc thẩm); nhưng không cho người thân của bị cáo và đương sự; không cho nhân dân tham dự phiên tòa; bất chấp quy định của Hiến pháp.

5-/ Là Chánh án tạo nên những kết luận của bản án, hoặc câu cửa miệng của các Thẩm phán là: “ Mặc dù có vi phạm về tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”;

“Bị cáo có mâu thuẫn gì với người làm chứng A hoặc B,…không ?”. Tạo nên sự bất chấp các quy định trong Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự, về xử lý vi phạm các cá nhân tiến hành tố tụng; một số quy định về tố tụng phải trả hồ sơ điều tra lại, hoặc hủy án,… trở nên vô hiệu trong thực tế.

Chỉ căn cứ lời khai để kết tội, bất chấp chứng cứ khách quan khác;

6-/ Là Chánh án bị nhiều người dân, nhân sỹ trí thức và mạng xã hội lên tiếng, hệ thống toà án xét xử oan sai nhiều nhất; làm mất niềm tin của nhân dân đối với hệ thống ngành tòa án cao nhất;

7-/ Là Chánh án xin được ngân sách nhà nước nhiều nhất, để xây dựng nhiều trụ sở toà án, từ cấp quận huyện đến tối cao hoành tráng nhất (dư luận các công trình xây dựng thường lại quả từ 10 đến 30% chắc không xảy ra với các công trình của toà án, vì toà là cán cân công lý).

8-/ Chánh án ghi dấu ấn nhiều nhất trên mạng xã hội, có những clip nêu đích danh vợ con và khối tài sản riêng kếch xù, mà chưa có lời giải đáp đúng hay sai?

9-/ Chánh án có con trai còn rất trẻ, đã được luân chuyển, bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai;

10-/ Chánh án sẽ đi vào lịch sử tố tụng của Việt Nam; khi bất chấp ý kiến của các cơ quan tư pháp và dư luận, về 2 vụ án oan sai là vụ Hồ Duy Hải ở Long An và vụ mẹ con cô gái síp gà ở Điện Biên.

11-/ Phiên toà xét xử công khai nhưng cấm báo chí, luật sư,… ghi âm ghi hình, bất chấp quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Vì vậy, khi xét xử sai và bị tố cáo, khiếu nại, thì được trả lời tỉnh queo “không có bằng chứng” để xem xét lại vụ án; và xử lý vi phạm của thẩm phán và hội đồng xét xử (Quy định này cả thế giới chưa có nước nào như thế).

Sau bài viết kể trên, ngày 23/4, luật sư Triển có thêm một bài viết về vụ án công ty Xuyên Việt Oil, với tiêu đề:

CẦN MỞ RỘNG ĐIỀU TRA VỤ ÁN LÊ ĐỨC THỌ, CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CON TRAI ÔNG NGUYỄN HOÀ BÌNH

Luật sư Triển cho biết, trước khi làm Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, ông Lê Đức Thọ từng giữ chức vụ Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam – Vietinbank.

Bên cạnh đó, Luật sư Triển “bật mí”: “Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên quản lý quỹ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam, là một trong số các công ty vệ tinh của Vietinbank, do Nguyễn Tuấn Anh (hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, con trai ông Nguyễn Hoà Bình) một thời gian dài làm Chủ tịch. Công ty này đã “bung vốn đầu tư” với một khối lượng tiền vô cùng lớn”.

Luật sư Triển đặt câu hỏi: Lê Đức Thọ và Nguyễn Tuấn Anh có cấu kết với nhau hay không? Có lợi dụng ảnh hưởng của ông Nguyễn Hoà Bình, và ông Bình có can thiệp, như một số đơn thư nêu vấn đề không?

Mới đây, ngày 27/8, một ngày sau khi ông Bình lên Phó Thủ tướng Thường trực, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án Công ty Xuyên Việt Oil. Trong đó, Lê Đức Thọ bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 1 triệu USD và nhiều hiện vật tiền tỷ, trong thời gian ông Thọ giữ các chức vụ Chủ tịch VietinBank và Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre.

Nhưng kết luận điều tra của Bộ Công an hoàn toàn không nhắc gì đến vai trò của Nguyễn Tuấn Anh, con trai Nguyễn Hòa Bình.

 

Thu Phương – Thoibao.de