Ngày 6/9, blog Thiên Hạ Luận trên VOA Tiếng Việt bình luận “Từ chuyện của Chu Ngọc Quang Vinh, nghĩ về hàm ân và vô ơn”.
Tác giả đề cập đến chuyện Chu Ngọc Quang Vinh – 17 tuổi, học sinh lớp 12 ở Yên Bái – tâm sự với một nhóm bạn bè đồng môn rằng, cậu dần dần nhận ra “những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân”, và khiến cậu muốn “sau này được sống ở nước ngoài”, đã tạo ra một trận bão dư luận.
Tác giả nhắc lại, sau khi tâm sự của Vinh bị một người bạn bày ra trên mạng xã hội, một số nhóm và các cơ quan truyền thông đã chỉ trích Vinh kịch liệt, với những lời lẽ quy chụp như “hỗn xược”, “vô ơn”, và là “điển hình của tư tưởng phản động”…
Đáng lưu ý là, ngay sau đó, các cơ quan chức năng của Yên Bái đã cùng “vào cuộc” để “xử lý vụ việc”, khiến Chu Ngọc Quang Vinh phải tự đóng trang riêng của cậu trên Facebook, và gửi lời “xin lỗi”.
Tác giả nhận xét, cuộc tấn công Chu Ngọc Quang Vinh, và phản ứng khiến thiên hạ kinh ngạc từ phía hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, đã kích hoạt một trận bão dư luận khác, theo chiều ngược lại.
Tác giả dẫn lời nhắn nhủ của nick Nguyen Khoi, đến những người chỉ trích Quang Vinh, rằng:
“Các cháu đấu tố cháu trai ở Yên Bái, chửi bạn vô ơn, và đề nghị trừng phạt bằng cách thu hồi giải thưởng Olympia, cấm xuất cảnh sang Úc du học, khiến chú ngạc nhiên… Chú cứ tưởng, với Hồng vệ binh, thì cách trừng phạt đúng đắn là trục xuất khỏi đất nước chứ. Hoá ra, trong sâu thẳm tâm hồn các cháu, giữ lại trong nước, không cho đến Úc mới là sự trừng phạt ghê gớm nhất. Các cháu không nhận ra, việc coi đó là sự trừng phạt, đồng nghĩa với việc các cháu đồng tình với phát ngôn của bạn ở Yên Bái.”
Tác giả dẫn tâm sự của bác sĩ Xuân Sơn Võ rằng, sau khi được ra nước ngoài học tập, ông nhận thấy:
“Ở những nước mà tư tưởng tiến bộ đã ăn sâu vào dân, trên bình diện quốc gia, phía phải biết ơn và bắt buộc phải thể hiện sự biết ơn của mình là chính phủ. Họ phải biết ơn người dân vì người dân đã bầu họ, cho phép họ tồn tại, đóng thuế để họ có tiền điều hành đất nước…”
Bác sĩ Xuân Sơn Võ nhắc nhẹ: “Trước khi đấu tố ai đó, cũng cần phải có một sự hiểu biết nhất định về việc hàm ơn và cám ơn”.
Tác giả cũng dẫn nhà giáo Thái Hạo, cho rằng:
“Trong giáo dục tiến bộ, việc khuyến tấn để học sinh nói thật suy nghĩ của mình là điều vô cùng hệ trọng, và nó được bảo vệ, vì thứ nhất, đó là quyền con người, quyền công dân, thứ quyền thiêng liêng mà thế giới văn minh và cả Hiến pháp của nước Việt Nam đều ghi nhận. Thứ hai, điều đó có ý nghĩa và giá trị đặc biệt trong giáo dục, cũng như trong quản trị xã hội.”
Bởi theo nhà giáo Thái Hạo, nếu học sinh nói đúng, “thì điều đó giúp cho nhà giáo dục củng cố/khẳng định được rằng, cách thức của mình là đúng”. Còn nếu học sinh nói sai, “thì nhà giáo dục phải tự coi lại, để tìm cho ra nguyên nhân, rằng nội dung, phương pháp giáo dục của mình không ổn ở đâu, và tìm cách điều chỉnh. Đây chính là “bí quyết” để mọi thứ không ngừng được hoàn thiện, thay vì bị tha hóa.”
“Trên hết, nếu muốn thể hiện bản lĩnh hoặc sự yêu thương thật lòng, bạn vẫn phải đi bằng con đường của giáo dục chân chính, còn không thì phải tôn trọng những xúc cảm tự nhiên ấy.”
Tác giả tiếp tục dẫn nhận xét ngán ngẩm của Hong Thai Hoang:
“Gái kiếm chồng Tây xuất ngoại, trai kiếm vợ Tây xuất ngoại, công nhân tìm đường xuất khẩu lao động, sinh viên du học tìm cách để khỏi về, giàu kiếm vé định cư, nghệ sĩ kiếm hôn nhân giả, người người nhà nhà tìm cách đi… Vậy một thằng bé muốn đi nước ngoài thì có gì sai?”
Ý Nhi – thoibao.de