Xét xử vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, Tổng Bí thư Tô Lâm có thực hiện đúng cam kết?

Công cuộc chống tham nhũng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không đạt được kết quả như mong muốn. Nhưng việc cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm quyết định cho điều tra giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát, được công luận đánh giá cao.

Theo giới phân tích quốc tế, đây là một vụ án tham nhũng đã gây thiệt hại lớn chưa từng thấy. Nếu vụ án này được điều tra sớm hơn và hoàn toàn độc lập, đồng thời làm tới nơi tới chốn, thì chắc chắn, sẽ có nhiều quan chức cấp cao của Đảng phải đứng trước vành móng ngựa.

Vào trung tuần tháng 4/2024, tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên mức án tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan, trong vai trò chủ mưu. Ngay sau đó, bà Lan đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đồng thời khẳng định, mình không chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB, như phán quyết của Tòa.

Truyền thông nhà nước ngày 6/9 đồng loạt đưa tin, “Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 vào ngày 19/9”. Bản tin cho biết, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa có quyết định, đưa vụ án Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm ra xét xử giai đoạn 2. Theo đó, bị cáo Lan tiếp tục hầu tòa với 3 cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền”“vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Theo cáo trạng, từ năm 2018 đến năm 2020, bà Trương Mỹ Lan đã đề ra chủ trương, và chỉ đạo cấp dưới phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, để huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư thứ cấp. Qua đó, thu về tổng số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu. Cáo trạng còn nêu, bà Lan cùng đồng phạm đã vận chuyển trái phép số tiền hơn 4,5 tỉ USD qua biên giới.

Đây là một vụ án được công luận hết sức quan tâm. Đặc biệt, dư luận muốn biết, Tổng Bí thư Tô Lâm có đôn đốc, làm rõ trách nhiệm của “sâu chúa” Lê Thanh Hải – cựu lãnh đạo có mối quan hệ mật thiết với bà Trương Mỹ Lan, hay không?

Tuy nhiên, liên quan đến cuộc chiến trong Đảng Cộng sản Việt Nam, nguồn tin từ nội bộ của thoibao.de, đã tiết lộ một số chủ trương mới của Tổng Bí thư Tô Lâm. Theo đó, ông Tô Lâm chủ trương hạn chế bắt bớ lớn trong nước. Đồng thời, các quan chức cấp cao tham nhũng sẽ không xử lý hình sự, chỉ bắt nộp lại tiền rồi cho nghỉ. Kể cả các trường hợp cộm cán, tham nhũng đặc biệt lớn, như gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc.

Điều vừa kể có liên quan gì đến phản ứng bất thường của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, khi mới đây đã đưa ra tuyên bố, “lòng dân phẫn nộ, xót xa, ai oán vì các hành vi tham nhũng, hàng nghìn tỷ đồng tuồn ra nước ngoài mà không ai phải chịu trách nhiệm?”. Đồng thời, ông Chiến yêu cầu, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ tiếp tục diễn ra, như cam kết của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Theo giới phân tích quốc tế, cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam, lâu nay không dám cho mở tung cái “hũ mắm” có tên Vạn Thịnh Phát, của bà trùm Trương Mỹ Lan. Vì nếu bới ra, nó sẽ liên quan đến nhiều dây mơ, rễ má, trong hệ thống quan chức cấp cao của bộ máy chính quyền, kể từ năm 1992 cho đến ngày bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố bắt giam.

Việc chính quyền Việt Nam quyết định bơm 24 tỷ USD, để cứu Ngân hàng SCB, cho thấy, lãnh đạo Việt Nam thấy rõ về sự nguy hiểm, cũng như, cố gắng tránh một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính dây chuyền. Bởi nếu không cứu Ngân hàng SCB, thì giàn lãnh đạo cấp cao của Đảng sẽ chết cả nút.

Chúng ta hãy chờ xem.

 

Trà My – Thoibao.de