Luật sư phản đối án oan Hồ Duy Hải bị kết án theo Điều 331

Ngày 7/9, RFA Tiếng Việt loan tin “Toà án Việt Nam kết án tù luật sư phản đối án oan với tử tù Hồ Duy Hải”.

RFA cho biết, 2 người kêu oan cho tử tù Hồ Duy Hải vừa bị Toà án Nhân dân tỉnh An Giang tuyên án tù, vào ngày 4/9 vừa qua, với cáo buộc tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Một trong 2 người bị kết án là luật sư, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Nam Định.

RFA nhắc lại, tử tù Hồ Duy Hải đã kêu oan suốt từ năm 2008 tới nay. Đây là vụ án nổi tiếng, được nhiều luật sư và đại biểu Quốc hội lên tiếng, vì những chứng cứ điều tra không thuyết phục.

RFA dẫn tin từ báo Công An Nhân Dân, hôm 4/9 cho biết, 2 người gồm bà Phan Ngọc Dung và luật sư Bùi Văn Khang của Đoàn Luật sư Nam Định, từ tháng 10/2021 đã tổ chức các hội luận, tọa đàm trực tuyến, trên kênh YouTube có tên “Tiếng Nói Lòng Dân”, để giải đáp các câu hỏi và tư vấn pháp luật cho những người tham gia buổi tọa đàm.

Báo Công An Nhân Dân trích cáo trạng cho biết:

“Từ tháng 10/2021 cho đến ngày 21/1/2024, Dung và Khang lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng vụ án Hồ Duy Hải, để tổ chức nhiều chương trình hội luận, tọa đàm trực tuyến, phát tán 1.200 video clip trên kênh YouTube “Tiếng Nói Lòng Dân” và Facebook “Diệu Nhàn” của Dung, có nội dung xuyên tạc, vu khống, xâm phạm danh dự, nhân phẩm cơ quan, tổ chức là Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao và cá nhân là lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao, lãnh đạo Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.”

Theo RFA, ông Khang (75 tuổi) bị tòa tuyên án 2 năm tù, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Bà Phan Ngọc Dung (69 tuổi) bị tòa tuyên 3 năm tù với cùng tội danh.

Đây là điều luật đã bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên án là mù mờ, và thường được chính quyền Việt Nam sử dụng để bịt miệng những tiếng nói đối lập.

Được biết, vụ án Hồ Duy Hải là một vụ án hình sự nghiêm trọng, xảy ra vào tối 13/1/2008, tại Bưu Điện Cầu Voi, ấp 5, tỉnh Long An. Nạn nhân của vụ án này là 2 nữ nhân viên Bưu điện, là Nguyễn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1985) và Nguyễn Thị Thu Vân (sinh năm 1987), bị giết bằng cách cắt cổ.

Ngày 21/3/2008, nghi phạm Hồ Duy Hải sinh năm 1985 bị bắt. Hồ Duy Hải và gia đình đã liên tục kêu oan từ đó đến nay.

Các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều kết án tử hình Hồ Duy Hải, về tội giết người và cướp tài sản.

Năm 2011, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã quyết định không kháng nghị vụ án.

Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải.

Năm 2014, trước phản đối của dư luận trong nước và quốc tế, cũng như của Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tư pháp.

Năm 2019, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đã kháng nghị Giám đốc thẩm vụ án.

Năm 2020, phiên Giám đốc thẩm của Tòa án Nhân dân Tối cao, do Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm chủ toạ, đã không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đây là một vụ án có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, như: Tiêu hủy vật chứng, thay đổi vật chứng, bỏ sót các chứng cứ pháp y; ép cung, rút bỏ chứng cứ có lợi cho bị cáo… Tuy nhiên, Tòa án Tối cao nhận định, những vi phạm pháp luật này không làm thay đổi bản chất của vụ án, nên không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm, để điều tra lại theo kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Theo dư luận, vụ án này là một vết nhơ trong sự nghiệp của ông Nguyễn Hoà Bình, trên cả cương vị Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao và Chánh án Tòa án Tối cao.

 

Ý Nhi – thoibao.de