Phải chăng Tổng Bí Thư Tô Lâm đang đưa Việt Nam rời xa đường lối của Đảng Cộng sản?

Ngày 19/9, truyền thông trong nước đưa tin, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ rời Việt Nam vào ngày 21/9, bắt đầu chuyến công du Hoa Kỳ và thăm chính thức Cuba từ ngày 22 đến 27/9, để kịp phát biểu tại Khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 79.

Trái với các đồn đoán “lạc quan” khi cho rằng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ trong dịp này. Nhưng khi giới quan sát mới đây đặt câu hỏi, liệu Tổng thống Joe Biden có gặp mặt ông Tô Lâm hay không, cũng có nghĩa là những đồn đoán “lạc quan” trước đó là không có căn cứ.

Đây sẽ là chuyến đi Mỹ đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư – người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, ông Tô Lâm được cho là sẽ tới thăm Cuba – một đồng minh Cộng sản trước khi kết thúc chuyến công du.

Trong thời gian ở tại Hoa Kỳ, ông Tô Lâm sẽ có buổi tọa đàm tại trường Đại học Columbia, ở New York, vào ngày 23/9, và trả lời trực tiếp các câu hỏi của các sinh viên. Ngoài ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự kiến sẽ gặp đại diện của một số tập đoàn công nghệ Mỹ, bao gồm Google và Meta – chủ sở hữu của mạng xã hội Facebook.

Theo giới quan sát, các hoạt động vừa kể của ông Tô Lâm cho thấy đã khác xa với người tiền nhiệm, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tư duy cũng như hành động. Cố Tổng Bí thư Trọng được cho là không biết sử dụng thành thạo các thiết bị thông tin như điện thoại thông minh hay máy vi tính.

Đây là một trong những lý do khiến ông Trọng vẫn giữ tư duy lạc hậu, bảo thủ, khi vẫn trung thành với học thuyết Chủ nghĩa Cộng sản. Mặc dù ông Trọng đã thừa nhận, đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa Xã hội hiện diện ở Việt Nam hay chưa?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ công du Hoa Kỳ ngay sau khi Hội nghị Trung ương 10, Khóa 13, kết thúc. Hội nghị này đã khai mạc sớm hơn thường lệ, trong bối cảnh được cho là mâu thuẫn giữa phe công an và phe quân đội chưa được giải quyết ổn thỏa.

Trong diễn văn khai mạc, ông Tô Lâm đã nói rõ: “Hội nghị Trung ương lần này diễn ra sớm hơn và ngắn hơn dự kiến, chúng ta sẽ làm việc cả ngoài giờ hành chính”, đã cho thấy tính chất phức tạp trong nội bộ Đảng, mà ông Tô Lâm sẽ phải giải quyết triệt để và dứt điểm.

Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm có thể có xu thế nghiêng về Hoa Kỳ và phương Tây, đồng thời đang rời xa Bắc Kinh.

Khả năng tới đây, Việt Nam có thể sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa về mặt quốc phòng với Hoa Kỳ để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, như vậy mới có thể bảo vệ được chủ quyền trên Biển Đông.

Đáng chú ý, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10, sáng 18/9, của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, không thấy bất cứ một dòng lý luận nào về chủ nghĩa Marx – Lenin, cũng tương tự như trong phát biểu nhậm chức Tổng Bí thư ngày 4/8, ông Tô Lâm đã không nhắc đến cụm từ “chống Mỹ cứu nước”. Giới quan sát cũng chú ý, tại Hội thảo 40 năm về Đổi mới Ngoại giao, không thấy giới chuyên gia nhắc tới “ngoại giao cây tre”, vốn được “suy tôn” bao lâu nay.

Chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều bất di, bất dịch, và là vấn đề hết sức nhạy cảm. Cương lĩnh và Điều lệ chính thức hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định, Đảng lấy Chủ nghĩa Marx – Lenin, và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

Vậy tại sao trong thời gian gần đây, ông Tô Lâm dường như bất chấp tất cả, trong khi thế và lực của ông Tô Lâm, cũng như phe cánh của ông trong Đảng không thực sự mạnh như người ta tưởng. Có nhiều ý kiến quả quyết rằng, ông Tô Lâm hiện nay đang ở trong tình thế cưỡi trên lưng cọp, muốn tụt xuống cũng không thể.

Phải chăng, Tổng Bí thư Tô Lâm với một quyết tâm của một chiến binh cảm tử, “thắng làm vua, thua chịu làm giặc”, và thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, để được sử sách ghi danh sau này?

 

Trà My – Thoibao.de