Các quốc gia trong khu vực phản đối vụ thử tên lửa của Trung Quốc

Ngày 26/9, BBC Tiếng Việt loan tin “Trung Quốc thử tên lửa tầm xa, quốc gia lân cận lo lắng”.

Theo BBC, Trung Quốc đã có vụ phóng thử hiếm hoi tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào vùng biển quốc tế, khiến nhiều quốc gia phản đối.

BBC dẫn thông báo của Bắc Kinh, nói rằng, vụ phóng tên lửa hôm 25/9 – vụ phóng trên biển đầu tiên sau hơn 40 năm của nước này, là “hoạt động thường lệ” và không nhằm vào bất kỳ quốc gia, hay mục tiêu cụ thể nào.

BBC dẫn tin từ truyền thông Trung Quốc, nói rằng, Chính phủ nước này đã thông báo trước “cho các quốc gia liên quan”.

Tuy nhiên, BBC cho biết, Nhật Bản, Úc và New Zealand đều nói rằng, họ không được thông báo trước, đồng thời bày tỏ lo ngại về vụ phóng thử. Các nhà phân tích cho rằng, vụ phóng này thể hiện rõ, khả năng hạt nhân tầm xa ngày càng phát triển của Trung Quốc.

BBC nhắc lại, năm 2023, Mỹ từng cảnh báo rằng, Trung Quốc đã gia tăng kho vũ khí hạt nhân của mình, trong chiến lược nâng cấp hệ thống phòng thủ.

Một tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể bay xa hơn 5.500 km, đưa phần lãnh thổ của Mỹ ở lục địa và Hawaii vào tầm bắn của Trung Quốc.

Tuy nhiên, BBC cũng cho biết, theo ước tính, kho vũ khí của Trung Quốc vẫn chưa bằng một phần năm kho vũ khí của Mỹ và Nga. Và lâu nay, Trung Quốc luôn khẳng định rằng, việc duy trì hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích răn đe.

BBC dẫn lời các nhà phân tích, nói rằng, vụ phóng thử tên lửa ICBM vào vùng biển quốc tế gần nhất của Trung Quốc, là vào những năm 1980.

Thông thường, Bắc Kinh cho phóng thử trong nội địa, vào sa mạc Taklamakan, ở khu vực Tân Cương, về phía tây.

Vụ phóng thử lần này, dường như cũng thể hiện sự thay đổi trong hướng tiếp cận hạt nhân của Trung Quốc.

BBC dẫn phản ứng của Nhật Bản, nói rằng, họ “không được báo trước”, và thể hiện “quan ngại sâu sắc” về sự việc.

BBC cũng dẫn nhận định của Úc, rằng, vụ phóng thử “gây mất ổn định và làm gia tăng nguy cơ trong khu vực, nếu đưa ra tính toán sai”, đồng thời nói rằng, họ đã đề nghị Bắc Kinh đưa ra “một lời giải thích”.

BBC dẫn tiếp đánh giá của New Zealand, gọi đây là “một động thái không được chào đón và đáng lo ngại”.

BBC dẫn lời ông Ankit Panda – một nhà phân tích về tên lửa hạt nhân, cho rằng, hành động của Trung Quốc không nhằm gửi đi một thông điệp chính trị.

“Nhưng việc này rõ ràng sẽ là một lời nhắc nhở mạnh mẽ đối với các quốc gia trong khu vực và Mỹ, rằng, bối cảnh hạt nhân ở châu Á đang thay đổi nhanh chóng.”

BBC dẫn nhận định của ông Leif-Eric Easley – Giáo sư quan hệ quốc tế ở Hàn Quốc, rằng:

“Đối với Washington, thông điệp này nói rằng, hành động can thiệp trực tiếp vào một cuộc xung đột tại eo biển Đài Loan có thể khiến Mỹ gặp nguy hiểm.”

“Tuyên bố của Trung Quốc nói rằng, vụ phóng không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, nhưng hiện vẫn còn đó những căng thẳng cao độ giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Philippines, và tất nhiên là căng thẳng lâu nay với Đài Loan.”

BBC lưu ý, mặc dù mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đã cải thiện trong năm qua, nhưng sự quả quyết ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực vẫn là một vấn đề nan giải. Trong đó, quan trọng là quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan.

BBC dẫn Bộ Quốc phòng Đài Loan, hôm 25/9, nói rằng, Trung Quốc đã và đang thực hiện bắn tên lửa, và các chương trình tập luyện khác, với lịch trình “dày đặc” trong thời gian gần đây.

Bắc Kinh thường xuyên điều tàu và máy bay vào vùng biển và không phận của Đài Loan – đây là một “chiến thuật vùng xám” nhằm bình thường hóa hành động xâm phạm này.

BBC dẫn ước tính của Lầu Năm Góc, theo đó, kho vũ khí của Trung Quốc có hơn 500 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng để sử dụng, trong đó, khoảng 350 là tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM.

Mỹ cũng dự đoán rằng, Trung Quốc sẽ có hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030.

 

Minh Vũ – thoibao.de