Tô Lâm và Phạm Minh Chính, cặp đấu cương – nhu. Ai sẽ thắng?

Từ khi Tô Lâm lên Tổng Bí thư, vai trò của Phạm Minh Chính mờ nhạt hẳn. Mặc dù, võ đài chính trị chỉ còn lại 2 nhân vật được xem là mạnh nhất hiện nay, nhưng xem ra, ông Chính đang bị che lấp bởi cái bóng của ông Tô Lâm.

Giữa ông Chính và ông Tô Lâm có nhiều duyên nợ. Cả 2 đều trưởng thành từ ngành công an, từng là đối thủ trong Bộ Công an, cùng được thăng quân hàm một lúc, và được bố trí những chức vụ tương đương trong Bộ Công an. Rồi đến năm 2011, cả 2 cùng vào Trung ương Đảng.

Tuy nhiên, sau đó, ông Chính rời Bộ Công an, tìm hướng đi mới, còn Tô Lâm ở lại Bộ này. Từ Bộ Công an, Phạm Minh Chính đến làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, rồi sau đó về Ban Bí thư, và bất ngờ rẽ ngang sang Chính phủ, nắm chức Thủ tướng vào năm 2021. Khi ông Chính thành Thủ tướng – vị trí làm sếp của các bộ trưởng, có nghĩa, ông đã vượt lên trên ông Tô Lâm.

Những tưởng, ở lại Bộ Công an khiến Tô Lâm bị bỏ lại sau lưng Phạm Minh Chính. Nhưng bất ngờ, đến giữa năm 2024, ông Tô Lâm dùng Bộ Công an tạo phản, chiếm lấy cả ghế Chủ tich nước lẫn ghế Tổng Bí thư. Lúc này, Tô Lâm lại vượt lên trên Phạm Minh Chính. Té ra, ở lại Bộ Công an lại là lợi thế lớn của ông Tô Lâm. Nhờ nắm chắc Bộ Công an, Tô Lâm đã đánh đâu thắng đấy, và thẳng tiến đến chiếc ghế quyền lực nhất của Đảng.

Con đường tiến thân của Tô Lâm và Phạm Minh Chính rất khác nhau. Tô Lâm sử dụng sức mạnh cơ bắp, còn ông Chính thì có sức mạnh từ những mối quan hệ, cộng với những đòn đánh hiểm, chớp thời cơ đúng lúc. Trên võ đài, có thể xem Tô Lâm là dùng cương, còn Phạm Minh Chính dùng nhu.

Như vậy, giờ đây, với 2 đối thủ mạnh nhất võ đài, liệu rằng nhu sẽ thắng hay cương thắng?

Lợi thế lớn của Tô Lâm là đã ngồi vào ghế Tổng Bí thư, và nhiệm vụ của ông lúc này là giữ ghế. Còn nhiệm vụ của Phạm Minh Chính là chiếm ghế, nên ông Chính khó khăn hơn nhiều, so với ông Tô Lâm.

Tuy nhiên, phần chìm bên dưới tảng băng cho thấy, ông Tô Lâm gặp khó khăn không ít. Khó khăn lớn nhất của ông là hiện nay, ông có quá nhiều kẻ thù. Thậm chí, có những kẻ thù mà Tô Lâm không hề biết đến.

Điều đáng nói là, khi ông Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư, phần còn lại trong Đảng luôn cảm thấy bị đe dọa, nên rất khó để họ trung thành với Tô Lâm. Và ông cũng biết điều đó, nên ông sử dụng hầu hết là người Hưng Yên, và một số nhân vật khác có quan hệ với ông theo tính chất gia đình.

Nếu ông Tô Lâm cũng dùng người dễ dãi như ông Nguyễn Phú Trọng, thì rất dễ bị tạo phản. Mà ngay cả ông Trọng cũng đã bị phản vào những lúc cuối đời.

Ông Nguyễn Phú Trọng ngồi ngôi đến 13 năm mới bị tạo phản, mà kẻ phản trắc ấy, không ai khác, chính là kẻ mà ông Trọng tin dùng. Kẻ phản nghịch thường rất giỏi che đậy, chính ông Tô Lâm là ví dụ rõ nét nhất.

Với 8 năm bên cạnh ông Trọng, ông Tô Lâm luôn tỏ ra là một mãnh tướng tận tụy và trung thành. Cho đến khi sức khỏe của ông Trọng yếu đi, tạo ra cơ hội chín muồi, thì Tô Lâm mới ra mặt tạo phản. Vậy nên, trong số thuộc hạ của Tô Lâm, không chắc không tiềm ẩn một kẻ phản trắc trong tương lai.

Giữa Tô Lâm và Phạm Minh Chính, khả năng, ông Tô Lâm dễ bị đồ đệ tạo phản, cướp ngôi, cao hơn Phạm Minh Chính. Nguyên nhân là, ghế Tổng Bí thư là ghế quyền lực mà bất kỳ quan chức nào cũng muốn. Hơn nữa, từ xưa đến nay, những kẻ tạo phản chỉ cướp ngôi vua, chứ không ai cướp ngôi thừa tướng.

Vì vậy, có thể nói, ông Tô Lâm có nguy cơ bị phản cao hơn. Nếu khi ông Tô Lâm bị phản, mà ông Chính vẫn còn trụ lại ghế Thủ tướng, thì có khi, ông Chính lại là người vượt lên trên ông Tô Lâm.

Chính trường diễn biến khó lường, mọi kịch bản đều có thể xảy ra. Hãy đợi xem!

 

Trần Chương – Thoibao.de