Nhờ làm loạn mà lên, liệu Tô Lâm có nguy cơ bị phản loạn “thịt” hay không?

Quân đội có nhiều tướng tá hơn, nhiều uỷ viên Trung ương hơn, nhiều tiền hơn, và nhiều súng hơn Công an. Vậy mà, quân đội lại để cho công an cướp ngôi báu trước mặt mình.

Đại tướng Công an Tô Lâm lên Tổng Bí thư Đảng, trong khi đó, 2 đại tướng quân đội là Lương Cường và Phan Văn Giang, lại không xơ múi được gì, sau cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng. Đáng nói là, sau khi Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư, thì ông trở thành sếp của một Đại tướng Quân đội trong Quân ủy Trung ương, và cũng làm sếp của ông Đại tướng Quân đội còn lại, trong Ban Bí thư. Công an dùng 1 chọi 2 nhưng lại thành công rực rỡ.

Tô Lâm có khả năng đoàn kết được trong nội bộ Bộ Công an, sau 8 năm làm Bộ trưởng. Do đó, ông có thể toàn quyền sử dụng Bộ Công an theo ý đồ của mình.

Ngược lại, bên quân đội thì mãi lo tranh nhau trong nội bộ, mà bỏ quên nhiệm vụ kiểm soát quyền lực đối với “con ngựa bất kham” Tô Lâm. Giờ có lẽ đã quá muộn để quân đội kéo ông Tô Lâm về lại vị trí cũ, khi ông đã có ngai vàng, và quân đội đang là “bề tôi”.

Bộ Công an có bộ máy điều tra khổng lồ. Quân đội cũng có bộ máy điều tra riêng. Tuy nhiên, có vẻ, cơ quan điều tra của quân đội không hiệu quả bằng của công an. Bằng chứng là, quân đội từng nhắm vào Công ty Xuân Cầu, do em trai ông Tô Lâm làm chủ, nhưng lại không điều tra đến nơi đến chốn, nên chẳng thể quật lại được Tô Lâm.

Tuy nhiên, dù phe quân đội thua đau trong cuộc chạy đua giành ngôi báu, nhưng không thể vì thế mà xem thường phe quân đội. Quân đội có lợi thế là luật pháp không cho phép công an điều tra họ. Đấy xem như là boongke vững chắc, để quân đội miễn nhiễm trước vũ khí lợi hại nhất của Tô Lâm. Mà muốn giành lại quyền lực, thì trước hết phải có nơi ẩn nấp an toàn, rồi sau đó mới tính kế lâu dài.

Vũ khí lợi hại nhất của Tô Lâm là dữ liệu trong hồ sơ đen, tuy nhiên, kho dữ liệu này không thể sử dụng đối với người của quân đội.

Lấy ngai vàng dễ, nhưng xem ra, ông Tô Lâm ngồi vững lại không dễ. Dù đã đánh gục được rất nhiều nhân vật lớn, loại luôn ứng viên số một cho ghế Tổng Bí thư, để tự mình lên ngôi, nhưng thực tế, đối thủ nặng ký nhất là Phạm Minh Chính, thì Tô Lâm chưa làm gì được. Đây chính là “mầm loạn” không nhỏ đối với ông.

Ông Phạm Minh Chính không phải là Vương Đình Huệ. Ông Chính từng đánh bại ông Huệ ở Đại hội 13, để giành ghế Thủ tướng, và ngồi sừng sững cho tới nay, bất chấp sóng gió chính trường. Có thể nói, ông Chính còn trụ được ngày nào, thì ông Tô Lâm lo âu ngày ấy.

Ngoài Phạm Minh Chính chơi phòng thủ phản công giỏi, thì vẫn còn đó một Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông Giang được xem là đang ngồi chung thuyền với ông Chính, trong vụ án AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Vì thế, nếu ông Chính bị Tô Lâm đánh hạ, thì ông Giang cũng phải ra đòn đỡ thay. Bởi nếu ông Chính ngã, thì ông Giang cũng khó trụ lại.

Mà đâu chỉ có Phạm Minh Chính và Phan Văn Giang đang bị ràng buộc. Ngay cả Tướng Lương Cường cũng thế. Trước đây, ông Cường coi ông Giang là đối thủ, nhưng rất có thể, nay ông Cường lại bắt tay với ông Giang thì sao? Đặc biệt, nếu Lương Cường lên Chủ tịch nước, mà về cùng phe với ông Giang, thì thế độc tôn của phe công an sẽ bị hóa giải. Lúc đó, có khi, ông Tô Lâm lại bị thế lực khác “làm phản” và truất phế.

Bất lợi lớn nhất của ông Tô Lâm là không được lòng đa số trong Bộ Chính trị. Mà Bộ này có đến 15 người, thì không biết có bao nhiêu người ủ mưu tạo phản. Thông thường, người lên cầm quyền bằng đảo chính, thì dễ bị thay thế bằng đảo chính.

Nếu ông Tô Lâm không thể đè hết mọi thế lực khác dưới gót giày, thì nguy cơ ông sẽ bị “thịt” là rất cao. Chỉ cần có cơ hội, thì không thế lực nào muốn bỏ lỡ.

Thoibao.de