Việt Nam cần cẩn trọng trước chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc

Ngày 4/10, Blog Hoàng Trường trên VOA Tiếng Việt bình luận: “Sau “hành xử thô bạo” Trung Quốc sẽ làm gì tiếp?”

Tác giả cho biết, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên án mạnh mẽ hành vi truy đuổi và tấn công ngư dân Quảng Ngãi, của lực lượng Trung Quốc, gọi đây là hành xử thô bạo. Đồng thời, Bộ Ngoại giao đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, chính thức phản đối những hành vi này.

Tác giả nhận xét, thái độ cứng rắn trên, phản ánh rõ sự bất bình của Việt Nam, trước những hành động của Trung Quốc, liên tiếp vi phạm chủ quyền và quyền lợi của ngư dân Việt Nam, tại vùng biển Hoàng Sa.

Tác giả trích dẫn Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, cho biết, đã có ít nhất 2 vụ tấn công tàu cá Việt Nam, xảy ra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, trong ngày 29/9.

Tác giả dẫn đánh giá của nhà nghiên cứu Raymond Powell, người sáng lập và Giám đốc của SeaLight, Dự án về minh bạch hàng hải, đăng trên VOA, cho rằng:

“Các tàu chấp pháp của Trung Quốc, trên thực tế đã biến thành một lực lượng bán quân sự, được phép sử dụng mọi phương tiện sẵn có, để buộc các nước láng giềng phải phục tùng.”

Tác giả nhắc lại, từ trước đến nay, Trung Quốc luôn tìm cách để duy trì ảnh hưởng đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội ngày càng mở rộng quan hệ với các nước phương Tây và Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã đẩy mạnh chiến lược “cái gậy và củ cà rốt”, nhằm kiềm chế Việt Nam.

Thời gian gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm các nước Mỹ, Pháp, Ireland…, và tham gia các diễn đàn quốc tế, càng khiến Bắc Kinh tăng cường các động thái quân sự và ngoại giao, để tạo sức ép đối với Việt Nam.

Tác giả lưu ý, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang, câu hỏi “Trung Quốc sẽ làm gì tiếp?”, không chỉ đơn giản là một lời cảnh báo, mà còn là một dự đoán có cơ sở, về những hành động tiếp theo của Bắc Kinh.

Các hành vi hung hăng của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam, không phải là những sự cố riêng lẻ, mà là một phần trong chiến thuật “vùng xám”, mà Bắc Kinh áp dụng ở Biển Đông.

Tác giả nhận định, trong tương lai, Trung Quốc có thể tiếp tục kết hợp các biện pháp quân sự và ngoại giao, để gia tăng áp lực lên Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn nhạy cảm, khi Hà Nội có những thay đổi trong Ban lãnh đạo cấp cao. Bắc Kinh có thể lợi dụng thời điểm này, để làm chậm lại, hoặc thậm chí ngăn chặn nỗ lực của Việt Nam, trong việc thắt chặt quan hệ với phương Tây, đặc biệt là với Hoa Kỳ.

Theo tác giả, dựa vào các động thái gần đây của Bắc Kinh, có thể dự đoán rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì một chiến lược, kết hợp giữa sức mạnh cứng và mềm, nhằm đạt được các mục tiêu của họ trong khu vực Biển Đông.

Đồng thời, Bắc Kinh cũng có thể gia tăng sức ép kinh tế, thông qua các biện pháp như: hạn chế xuất nhập khẩu, hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính, nhằm gây khó khăn cho Việt Nam trong việc duy trì các quan hệ đối tác chiến lược với phương Tây.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng, với sự chủ động và kiên định của Việt Nam trong việc củng cố các mối quan hệ với Hoa Kỳ và châu Âu, Trung Quốc có thể sẽ phải điều chỉnh chiến lược của họ, tạo ra sự cân bằng giữa việc gây sức ép và duy trì mối quan hệ hợp tác cần thiết với Việt Nam.

Tác giả cũng cho biết, nhân dịp Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên tham dự kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam – Trung Quốc, tại Bắc Kinh, ngày 30/9, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc đã kêu gọi Việt Nam hợp tác với Trung Quốc, trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo máy bay.

Tác giả đánh giá, trước mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế và công nghệ với Việt Nam của Trung Quốc, Hà Nội cũng sẽ phải đối mặt với áp lực không nhỏ từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam cần duy trì một chiến lược “ngoại giao cân bằng bền”, tiếp tục thu hút đầu tư và hỗ trợ từ phương Tây, đồng thời, không để mối quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng quá mức.

 

Xuân Hưng – thoibao.de