Ý kiến xung quanh việc không giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn tối thiểu

Ngày 7/10, RFA Tiếng Việt bình luận “Không giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn tối thiểu. Vì sao?”

RFA cho biết, mới đây, Bộ Công an đã bỏ đề xuất giảm mức phạt tiền, so với Nghị định số 100/2019, đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở.

Nghị định 100 do Chính phủ ban hành hôm 30/12/2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, tức chỉ sau 2 ngày ký.

RFA dẫn Nghị định 100, theo đó, mức phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường, mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở. Như vậy, chỉ cần có nồng độ cồn là đã bị phạt. Điều này gây nhiều phản ứng trong dư luận.

Theo RFA, tại dự thảo hồi tháng 8 năm nay, Bộ Công an đề xuất giảm mức phạt tiền, xuống còn từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, thay vì mức phạt 6 đến 8 triệu đồng như quy định hiện hành. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, mức phạt đề xuất giảm xuống còn 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng, thay vì phạt từ 2 đến 3 triệu đồng như quy định hiện hành.

Tuy vậy, RFA cũng cho biết, chỉ 2 tháng sau, tại dự thảo mới nhất đang được Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công an đã rút đề xuất nói trên, giữ lại mức phạt cũ, đồng thời bị trừ 3 điểm trong giấy phép lái xe.

RFA dẫn quan điểm của một cựu công an, nói:

Theo tôi biết, ở nước ngoài, ngoài việc đo nồng độ cồn thì cảnh sát kiểm tra hành vi của người lái xe, vì tửu lượng mỗi người mỗi khác. Nhưng ở Việt Nam, thì chỉ biết đo nồng độ rồi phạt một cách máy móc. Mục đích là công an phải móc được tiền trong túi dân.

Trước đây có đề xuất giảm mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Nhưng đó chỉ là hành vi mị dân, cho thấy có vẻ dân chủ, chứ thực tế, không bao giờ họ giảm mức phạt.”

RFA dẫn lời một nữ tài xế, cho rằng:

“Tất cả là do quản lý. Họ không quản lý được độ chính xác khi đo nồng độ cồn, không giải quyết được việc không uống rượu, mà nồng độ cồn vẫn có trong máu, do uống nước trái cây lên men chẳng hạn, nên họ phạt hết. Khỏi tranh cãi.”

RFA dẫn Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương, được Quốc hội thông qua chiều 10/11/2023, theo đó, Bộ Công an được hưởng 85% số thu xử phạt vi phạm hành chính, trong lĩnh vực an toàn giao thông năm 2022; 15% còn lại dành cho các địa phương, để chi cho các lực lượng khác tại địa phương tham gia đảm bảo an toàn giao thông.

Vẫn theo RFA, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 2.100.000 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, số tiền phạt thu được là hơn 4.000 tỷ đồng.

RFA dẫn ý kiến của một nhà báo ẩn danh, cho rằng:

“Rượu bia luôn được xếp vào nguyên nhân đầu tiên gây tai nạn giao thông. Chính vì quan điểm đó mà họ phạt vi phạm nồng độ cồn rất nặng. Hơn nữa, triết lý của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam xưa nay, là thi hành trước, khiếu nại sau.

Và việc họ dứt khoát không giảm mức đóng phạt, cho thấy, phía công an coi đây là một nguồn doanh thu của họ. Nếu giảm mức phạt, có nghĩa, thu nhập của công an giảm. Công an coi việc phạt này là kinh doanh của một doanh nghiệp, chứ không phải là một hình thức giáo dục người dân tuân thủ luật lệ giao thông.”

“Thực tế, mức phạt vi phạm nồng độ cồn cao, nhưng tai nạn giao thông vẫn tiếp tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Chỉ có doanh thu từ các quán nhậu; doanh thu từ các nhà máy bia, rượu là giảm. Như vậy, lập luận phạt nặng người uống rượu bia để giảm tai nạn giao thông là không thuyết phục.”

 

Minh Vũ – thoibao.de