Đã đến lúc cần chỉ đạo làm sáng tỏ và trả tự do cho tử tù Hồ Duy Hải

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa có phát biểu, khiến công luận “bừng tỉnh”, khi cho rằng, việc xây dựng pháp luật, hành lang pháp lý, không chỉ để quản lý, mà cần phải mang tính kiến tạo, để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Phó Thủ tướng Bình thừa nhận:

“Xưa nay, hàm lượng hỗ trợ về kiến tạo bị nhẹ hơn, so với yêu cầu quản lý, cho nên, các đạo luật của chúng ta làm một hồi là tắc nghẹt hết tất cả.”

Giới quan sát vô cùng ngạc nhiên về phát biểu kể trên, và thắc mắc, vì sao ông Nguyễn Hòa Bình – nhân vật đã trải qua hầu hết các chức vụ lãnh đạo cấp cao trong ngành Tư pháp, như Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, lại có nhận thức quá “chậm trễ” như vậy?

Từ khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, giới chuyên gia đánh giá:

“Trong xây dựng pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế, nhược điểm cơ bản, như: tính ổn định thấp, tần suất sửa đổi, bổ sung cao, sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật, chưa phù hợp thực tiễn.”

Người ta không thể không đặt câu hỏi, vì sao, ông Bình lại được đặt vào ghế Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực?

Điều đó có liên quan gì đến cái gọi là “quy trình” đầu tư quyền lực cho mọi lãnh đạo, từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, cán bộ bỏ tiền mua ghế để tham nhũng, rồi vơ vét trong thời gian ngắn. Đến khi hoàn vốn và có lãi, lại mua ghế có vị trí quyền lực cao hơn, để tiếp tục vơ vét. Cứ thế, quy trình này theo vòng xoáy trôn ốc để đi lên.

Được biết, ông Nguyễn Hòa Bình là bạn đồng niên với Tổng Bí thư Tô Lâm, tại Đại học Công an. Luật sư Trần Đình Triển từng giới thiệu trên trang Facebook cá nhân:

“Ông Nguyễn Hoà Bình và Bộ trưởng Tô Lâm là bạn học cùng khóa đại học với tôi. Trong công tác thì có thời gian cùng ngành, hoặc khác nghề, nhưng chúng tôi liên quan đến nhau.”

Vẫn theo nhận xét của Luật sư Triển, ông Bình có tư duy và năng lực thuộc loại kém, không có khả năng đọc, hiểu một văn bản, nếu không có sự giải thích cặn kẽ.

Tháng 5/2020, trong phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, cho dù ông Bình thừa nhận rằng, trong quá trình điều tra, vụ án còn có những “sai sót”. Nhưng ông vẫn khẳng định, “không thay đổi bản chất vụ án”. Trong khi đó, Ban chuyên án đã tiêu hủy các chứng cứ “trực tiếp” gây án. Sau đó ra chợ, mua con dao và cái thớt “mới tinh”, để làm tang vật vụ án.

Kết quả phiên Tòa Giám đốc thẩm, dưới sự Chủ tọa của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Hội đồng Thẩm phán vẫn tuyên y án tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải. Vụ án khép lại với nỗi oan khuất của 1 tử tù, đã phải nằm trong chốn lao tù suốt hơn 16 năm. Nhưng “tử tù oan” Hồ Duy Hải vẫn như một chiếc “gân gà”, nuốt không trôi, nhả không ra. Đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn không dám thi hành án đối với Hồ Duy Hải.

Phải chăng, việc Tổng Bí thư Tô Lâm buộc phải “đá” Bình Tòa lên ghế Phó Thủ tướng Thường trực, và đưa ông Lê Minh Trí ngồi thay ở chức Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, là một giải pháp tháo ngòi nổ.

Quyết định của ông Tô Lâm nhằm tạo điều kiện cho việc chấm dứt vụ án oan kéo dài này. Và điều này càng khẳng định, ở Việt Nam, tồn tại một nền tư pháp “mù loà”. Nhưng đồng thời, đây cũng là giải pháp cứu uy tín chính trị thấp kém của ông Nguyễn Hòa Bình.

Công luận nhận thấy rằng, việc ông Tô Lâm “giải cứu” uy tín chính trị cho ông Bình cũng đã tạm xong. Vì vậy, đã đến lúc, ông Tô Lâm cần phải chỉ đạo các cơ quan trong bộ máy Tư pháp, làm sáng tỏ và trả tự do ngay lập tức cho Hồ Duy Hải.

 

Trà My – Thoibao.de