Ngày 30/10, RFA Tiếng Việt cho hay, “Việt Nam nói đã “vận động, truy bắt” được 9 người tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài”.
RFA trích truyền thông trong nước, dẫn lời Ban Nội chính Trung ương hôm 30/10, cho biết rằng, các nhà chức trách Việt Nam đã vận động đầu thú và truy bắt được 9 người bỏ trốn ra nước ngoài, trong các vụ án tham nhũng.
Những thông tin này được đưa ra trong cuộc họp của Ban, khi thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
RFA cho biết, các nhà chức trách Việt Nam không công bố danh tính những người được cho là đã đầu thú, hay bị truy bắt về nước, từ đầu năm tới nay.
RFA trích báo VnExpress, dẫn lời ông Đặng Văn Dũng, Phó ban Nội chính Trung ương, nói rằng, nhà chức trách cũng đang kêu gọi các trường hợp khác ra đầu thú.
Cụ thể, tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Đông – một Phó Ban khác, cho biết, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục yêu cầu các cơ quan quyết liệt vận động đầu thú, truy bắt, dẫn độ những người bỏ trốn ra nước ngoài, trong các vụ án tham nhũng.
RFA dẫn phát biểu của ông Đông, cho rằng:
“Tất nhiên cũng còn có nhiều khó khăn, do những người này bỏ trốn lâu rồi, bỏ trốn ra nước ngoài và chúng ta phải tiếp tục phối hợp với các nước để thực hiện nhiệm vụ này.”
Cũng theo VnExpress, người phát ngôn của Bộ Công an, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, cơ quan điều tra đã áp dụng nhiều biện pháp, như dẫn độ tội phạm, hợp tác quốc tế, ngoại giao… để truy bắt người bỏ trốn.
RFA cho biết, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch AIC, người nổi danh nhất trong số những người đang bị giới chức Việt Nam truy nã, vì liên quan đến 5 vụ án tham nhũng khác nhau. Bà được cho là đóng vai trò quan trọng, trong các thương vụ mua vũ khí cho quân đội Việt Nam, đã bỏ trốn vào đầu năm 2022. Bà bị cáo buộc đưa hối lộ hàng chục tỷ đồng, và bị công an Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế.
Tại buổi họp hôm 30/10, ông Hoàng Anh Tuyên đã kêu gọi bà Nhàn và những người bỏ trốn khác “sớm về đầu thú để hưởng khoan hồng”.
Ông Tuyên nói: “Người bỏ trốn sẽ vẫn bị xử theo quy định pháp luật, và không có điều kiện tự bảo vệ mình”.
RFA cũng cho biết, bà Nhàn đã bị xử vắng mặt trong 3 phiên tòa trước đây, vì bị cáo buộc có sai phạm trong những dự án, liên quan đến 2 bệnh viện ở Đồng Nai và Quảng Ninh, một trung tâm công nghệ ở Sài Gòn, với bản án tổng cộng 30 năm tù giam. Nữ doanh nhân này cũng đang đối mặt với một bản án nữa, về tội danh “đưa hối lộ”, trong một vụ án liên quan đến Công ty AIC và Sở Y tế Bắc Ninh, đang được xét xử.
Theo RFA, ngoài bà Nhàn, còn có 7 người khác trong vụ án Công ty AIC, đang bỏ trốn và chịu lệnh truy nã của Công an Việt Nam.
Các lãnh đạo phòng chống tham nhũng của Việt Nam, hồi tháng 8 năm ngoái, nói rằng, họ quyết tâm “dẫn độ bằng được” các đối tượng bỏ trốn như bà Nhàn về nước, ngay cả trong trường hợp Việt Nam chưa ký kết hiệp định hỗ trợ tư pháp với quốc gia mà đối tượng đó đang cư trú.
Vẫn theo RFA, bà Nhàn được cho là đang sống ở Đức. Nhật báo Taz vào tháng 8 năm ngoái cho biết rằng, bà có nguy cơ bị mật vụ Việt Nam bắt cóc về nước, như trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh. Taz nói rằng, Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị dẫn độ bà Nhàn lên Sở Tư pháp Liên bang Đức, nhưng bị cơ quan của Chính phủ Đức từ chối.
RFA nhắc lại, ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chính trị gia và lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam, bị mật vụ Việt Nam bắt cóc vào tháng 7/2017, khi đang xin tị nạn tại Đức. Việt Nam nói rằng, ông Thanh tự về “đầu thú” và tuyên cho ông 2 án tù chung thân.
Thu Phương – thoibao.de