Vụ Sài Gòn Đại Ninh: Lộ sai phạm của Nguyễn Xuân Phúc

Ngày 3/11, RFA Tiếng Việt loan tin “Cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khai được “cấp trên” giao chỉ thị trong vụ Sài Gòn Đại Ninh”.

Theo đó, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khai rằng, ông được cấp trên giao chỉ thị, giải quyết các đơn thư của Công ty Sài Gòn Đại Ninh, trong vụ án sai phạm về đất đai ở tỉnh Lâm Đồng.

RFA dẫn kết luận điều tra của Bộ Công an, được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 2/11, cho biết, cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (2016 – 2021) bị đề nghị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trong khi thi hành công vụ, trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra ở Lâm Đồng.

Có 10 người bị đề nghị truy tố trong vụ án này, bao gồm các cựu quan chức tỉnh Lâm Đồng, trong đó có cựu Bí thư Trần Đức Quận, cựu Chủ tịch tỉnh Trần Văn Hiệp.

Một bản tin khác của RFA, cũng trong ngày 3/11, cho biết thêm, kết luận điều tra của Bộ Công an xác định, hành vi của ông Mai Tiến Dũng và những sai phạm của các bị can khác, đã gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của nhà nước, là giá trị toàn bộ dự án Đại Ninh. Dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 25.000 tỷ đồng và có tổng diện tích sử dụng đất lên tới 3.595 ha.

Theo RFA, Dự án Sài Gòn Đại Ninh được triển khai thực hiện từ năm 2010, nhưng sau 13 năm sau khi khởi công, “dự án vẫn chỉ là một vùng hoang tàn, cỏ dại mọc cao lút đầu người”.

RFA cho biết, theo báo nhà nước, vị cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ còn khai thêm, về mối quan hệ “thân tình” giữa ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, với lãnh đạo Chính phủ lúc bấy giờ, và cũng là cấp trên của ông Dũng. Và giải thích rằng, bản thân không còn cách nào khác nên phải ký phê duyệt, bởi ông Trí có sự hậu thuẫn của lãnh đạo Chính phủ.

RFA cũng cho biết, cấp trên của ông Dũng, lãnh đạo Chính phủ trong giai đoạn xảy ra vụ án, là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nhiệm kỳ 2016 – 2021).

Ông Phúc được bầu làm Chủ tịch nước vào tháng 4/2021, nhưng được cho “thôi chức” Chủ tịch nước hồi tháng 1/2023, theo nguyện vọng cá nhân.

Theo truyền thông nhà nước, ông Phúc phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, ba bộ trưởng, có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hai phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.

RFA nhắc lại, trong buổi lễ bàn giao chức vụ hôm 4/2/2023, ông Phúc đã phát biểu:

“Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận rõ ràng.”

Với lời khai của ông Mai Tiến Dũng, nay xem ra, gia đình ông Phúc không chỉ liên quan Việt Á, mà còn có thể liên quan đến nhiều vụ án khác.

Có thể nói, việc những khai nhận về lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là cấp “Tứ trụ”, lại bị đưa vào kết luận điều tra là điều cực kỳ hiếm hoi. Phải chăng, điều này là dấu hiệu cho thấy, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ bị đưa vào “lò” trong thời gian tới?

Trước đó, ngày 25/10, thoibao.de đã loan tin, liên tục từ ngày 19/10 đến 25/10, vợ chồng ông Nguyễn Xuân Phúc và bà Trần Thị Nguyệt Thu đã bị triệu tập đi lấy cung từ 8h sáng đến 21h tối mới được về, tại trụ sở Bộ Công an số 47 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Phúc đã viết đơn nhận tội, và chấp nhận chịu mọi hình thức kỷ luật, như cắt hết chức danh hoặc xử lý theo pháp luật (tội hình sự), nhưng xin tha cho vợ và các con.

Có thể cuối tháng này hoặc sang tháng 11, Bộ Chính trị sẽ quyết định hình phạt cho Nguyễn Xuân Phúc và Trần Thị Nguyệt Thu.

 

Xuân Hưng – thoibao.de