Y Quynh Bđăp được trả tự do nhưng nguy cơ bị dẫn độ về Việt Nam vẫn còn?

Ngày 25/12, Tòa án Quận Bắc Bangkok đã ra phán quyết trả tự do cho ông Y Quynh Bđăp trong một vụ án về nhập cư trái phép. Tòa án đã ban hành lệnh trả tự do cho ông Bđăp, và chuyển lệnh này đến nhà tù vào cùng ngày. Nhưng ông Bđăp vẫn bị giam giữ và vẫn có nguy cơ bị dẫn độ về Việt Nam.

Ông Y Quynh Bđăp – một nhà hoạt động người Thượng, và là đồng sáng lập tổ chức “Người Thượng vì công lý”, được cho là đang đối mặt với khả năng bị dẫn độ từ Thái Lan về Việt Nam.

Mặc dù ông Y Quynh Bđăp có tư cách tị nạn chính trị do Cao Ủy tị nạn của Liên Hợp Quốc tại Bangkok cấp theo luật pháp quốc tế. Nhưng những yếu tố này vẫn không thể miễn trừ cho ông Bđăp khỏi trách nhiệm pháp lý theo quy định của luật pháp Thái Lan. Với lý do, Thái Lan không tham gia Công ước tị nạn năm 1951 của Liên Hợp Quốc.

Ông Bđăp bị cáo buộc liên quan đến vụ tấn công ngày 11/6/2023 tại tỉnh Đắk Lắk, khiến 9 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Sau đó, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã kết án ông Bđăp vắng mặt 10 năm tù, với tội danh “khủng bố”.

Về phía Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam sẽ phối hợp với Thái Lan để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật 2 nước.

Ngày 30/9, Tòa án Hình sự Thái Lan ra phán quyết chấp thuận yêu cầu dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về Việt Nam. Quyết định này đã gặp phản ứng mạnh mẽ từ các tổ chức nhân quyền quốc tế. Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc, và thúc giục chính phủ Thái Lan cần xem xét lại quyết định kể trên.

Giám đốc Phil Robertson của Phong trào Nhân quyền và Lao động châu Á, gọi đây là quyết định “kinh hoàng và vô lý”, đồng thời đã đưa ra các lo ngại rằng ông Y Quynh sẽ phải đối mặt với tra tấn nếu bị trả về Việt Nam.

Kết quả của phiên tòa ngày 25/12, Tòa án thừa nhận sự hợp tác và chấp thuận lời khai của ông Bđăp, cho rằng những điều này đã giúp làm sáng tỏ những sự kiện quan trọng trong vụ án.

Tòa án đã giảm mỗi bản án xuống 1/3. Theo đó, ông Y Quynh Bđắp chỉ còn tổng cộng bốn tháng 40 ngày tù và khoản tiền phạt 8.000 baht. Nhưng vì ông Bđăp đã bị giam giữ gần 200 ngày, và đã vượt quá số tiền phạt tương ứng (500 baht/ngày) nên ông Bđăp sẽ không phải trả tiền phạt.

Ngày 27/12 tại thủ đô Bangkok, bà Nadthasiri Bergman – luật sư của ông Bđăp tại Thái Lan, nói với truyền thông, Tòa án trả tự do cho ông Bđăp trong vụ án về nhập cư. Ông Bđăp sẽ tiếp tục bị giam giữ cho tới khi tòa có phán quyết cuối cùng về vấn đề trục xuất.

Theo truyền thông Thái Lan, mặc dù Thái Lan và Việt Nam không có hiệp định dẫn độ, nhưng 2 nước có thể sử dụng hợp tác ngoại giao, mà thực chất là sử dụng Luật Dẫn độ của Thái Lan. Luật này quy định rằng nếu các điều kiện được đáp ứng, Thẩm phán có thể ra lệnh tạm giữ ông Bđăp để chờ dẫn độ.

Đáng lưu ý là Điều 13 của Đạo luật Chống Tra tấn và Cưỡng bức Mất tích của Thái Lan, đã cấm các cơ quan nhà nước dẫn độ cá nhân đến các quốc gia mà họ có thể phải đối mặt với tra tấn, đối xử vô nhân đạo hoặc cưỡng bức mất tích.

Theo truyền thông Thái Lan, vụ việc này đang được phe đối lập của Thái lan theo dõi chặt chẽ. Đây được coi như một phép thử cho nữ Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra. Ở chiều ngược lại cũng là phép thử cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm về việc tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế.

Xin nhắc lại, bất chấp lệnh trả tự do của Tòa án Thái Lan về vụ án nhập cư trái phép, ông Bđăp vẫn đang bị giam giữ để xem xét về việc dẫn độ. Theo quyết định của Tòa án, ông Bđăp có 30 ngày để kháng cáo, và nếu trong vòng 90 ngày chính phủ Thái Lan không thực hiện dẫn độ, ông sẽ được trả tự do.

 

Trà My – Thoibao.de