Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị nhằm loại bỏ Tô Lâm có giúp phe Nghệ Tĩnh xoay chuyển tình thế?

Hệ thống chính trị độc đảng ở Việt Nam đã tạo ra những câu chuyện khó hiểu đối với giới phân tích quốc tế.

Câu chuyện vào ngày 10/2/2024, Ủy ban nhân dân Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc, cần thực hiện công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên là một ví dụ. 

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, đây là một chủ đề mang tính chất “vui vẻ” của các lãnh đạo Hà Nội khi họ “nhàn cư vi bất thiện” không có gì để làm. 

Tuy nhiên, việc “hòn bấc ném đi, hòn chì quăng lại” giữa Tổng Bí thư Tô Lâm, và Chủ tịch Hà Nội Trần Sĩ Thanh – một nhân vật chủ chốt của phe Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ: Đây không phải là chuyện nói chơi.

Mới nhất, ngày 14/2, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 42 của Bộ Chính trị về công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính…, đối với cán bộ chủ chốt, và người đứng đầu của Đảng.

Theo đó, Chỉ thị của Bộ Chính trị cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên phải trọng liêm sỉ, danh dự, chủ động chịu trách nhiệm khi bản thân, và người thân tham nhũng.

Theo giới quan sát, nội dung của Chỉ thị số 42 tương tự như Chỉ thị của Thành Phố Hà Nội. Điều đó đã cho thấy, đây là một chủ trương mang tính bài bản, có lớp có lang của phe Nghệ Tĩnh, cùng nhắm đến người đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tổng Bí thư Tô Lâm từ lâu bị cáo buộc có nhiều hành vi liên quan đến tham nhũng, cũng như trợ giúp nhiều cho sân sau của gia đình là điều có thật.

Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị đã cho thấy, hiệu quả của các biện pháp chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế. Đồng thời, cuộc vận động “Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tổ chức hàng chục năm qua đã thất bại hoàn toàn. 

Song vấn đề tham nhũng vẫn là một thách thức lớn, mà mức lương thấp được xem là đã tạo ra “đất sống” cho tham nhũng. Tuy nhiên, mức lương thấp không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tình trạng này. 

Công luận đặt câu hỏi, tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam không nghiêm trị các quan chức tham nhũng, thậm chí phải áp dụng án tử hình theo đúng theo quy định của Pháp luật hiện hành. Tại sao, Đảng không ra các chỉ thị tương tự như xử phạt quyết liệt như lỗi vi phạm Nghị định 168 đối với người dân, để răn đe?

Việc lãnh đạo Việt Nam bao che cho tham nhũng là điều có thật, như việc áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong việc giảm án tử hình cho các quan chức tham nhũng, trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, trong khi thẳng tay tuyên phạt các tử tù “oan” như Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Cũng như, mối quan hệ cá nhân và phe phái trong nội bộ Đảng, đã dẫn đến việc họ buộc phải bao che. 

Quan trọng hơn, cơ chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực ở Việt Nam hiện nay đang bị vô hiệu hóa, dẫn đến hiệu quả giám sát quyền lực bị suy giảm. Từ đó, dẫn đến việc lạm dụng quyền lực và tham nhũng vẫn tiếp tục diễn ra như ở chốn không người.

Theo giới phân tích quốc tế, mối quan hệ giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và phe Nghệ Tĩnh được đánh giá là hết sức căng thẳng, mang tính đối đầu một mất một còn. 

Trong thời gian gần đây, ông Tô Lâm, đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm ảnh hưởng của phe Nghệ Tĩnh (bao gồm Nghệ An và Hà Tĩnh) trong bộ máy lãnh đạo. Bằng cách “đánh dẹp” các lãnh đạo cấp cao của phe này, để tạo cơ hội cho nhân sự từ Hưng Yên thăng tiến. 

Tuy nhiên, việc tính sổ với phe Nghệ Tĩnh không hề dễ dàng, do họ sở hữu lực lượng mạnh với 4 ủy viên Bộ Chính trị và 20 ủy viên Trung ương. Điều này khiến cho nỗ lực của ông Tô Lâm trong việc “tảo thanh” phe Nghệ Tĩnh đã bất thành. 

Và đã đến lúc, phe Nghệ Tĩnh sẽ sử dụng Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị, để loại bỏ Tổng Bí thư Tô Lâm, trong việc chạy đua vào danh sách nhân sự “ngoại lệ” trước Đại hội Đảng 14.

Trà My – Thoibao.de