Kể từ ngày 1/7/2025, Việt Nam chính thức vận hành bộ máy chính quyền mới theo mô hình tinh gọn với 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh – thay vì 63 như trước đây.
Đây là bước ngoặt chưa từng có trong cơ cấu hệ thống hành chính của Việt nam và là điều chưa từng có tiền lệ về tốc độ được đánh giá là quá “siêu tốc”.
Tuy nhiên, theo giới phân tích quốc tế, đằng sau những tấm bảng tên thay mới ở các trụ sở nhà nước, là cả một cuộc tái cấu trúc quyền lực chính trị mà người nắm phần thắng lớn nhất chính là Tổng Bí thư Tô Lâm.
Theo đó, thực tế cho thấy, chỉ trong chưa đầy 12 tháng kể từ khi ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư, bộ máy được cho là cồng kềnh từ xã, huyện đến tỉnh được “tái định hình” một cách toàn diện.
Đây là một bước đi thần tốc đầy chủ đích của người đứng đầu của Đảng CSVN, và là điều mà ông Tô Lâm gọi là một bước đi có ý nghĩa chiến lược. Nhưng trong thực tế lại không đơn giản như vậy.
Và đây cũng là lý do vì sao nhiều địa phương xuất hiện tình trạng “thừa lãnh đạo, nhưng thiếu chuyên môn”. Đơn cử như có các cơ quan cấp Sở mới sau sáp nhập ở TP.HCM có tới… 17 cấp phó.
Qua các phản ánh từ thực tế cho thấy bộ máy tuy tinh gọn về hình thức, nhưng hạ tầng hành chính chưa đáp ứng kịp mô hình mới, và vẫn còn ngổn ngang. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, cách làm vội vàng hiện tại sẽ khiến bộ máy“chưa kịp thu gọn thì đã “rối tung”.
Đây là điều đã làm công luận dấy lên hoài nghi về thứ “tư duy cắt ngọn mà không động đến gốc rễ” của ông Tô Lâm trong công cuộc cải cách này.
Nhưng, theo giới phân tích bất chấp các bất cập đó, thì Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn là người thắng cuộc lớn nhất? Tại sao lại nói như vậy?
Một trong những vấn đề đang gây tranh cãi lớn trong nội bộ đảng, đó là: khi bộ máy hành chính được tinh gọn ít đầu mối hơn, thì quyền lực thực tế của các cá nhân lãnh đạo sẽ được nâng lên.
Lãnh đạo cấp tỉnh sau sáp nhập giờ đây sẽ quản lý một đơn vị lớn hơn nhiều về diện tích, dân số, ngân sách…, và tiềm lực chính trị của họ sẽ tăng lên gấp bội.
Điều này giúp họ – tức các tân lãnh đạo có “quyền lực mềm” mạnh hơn nhưng lại ít bị giám sát hơn từ trung ương do bộ máy trung gian cấp huyện đã bị cắt giảm.
Bởi lý do, công cuộc cải cách và tinh gọn bộ máy của ông Tô Lâm thông qua mô hình “tập quyền” hóa bộ máy hành chính, không đơn thuần là giảm số lượng đầu mối, mà là quá trình tái lập trật tự quyền lực ở các địa phương.
Là người trực tiếp thiết kế và điều hành chiến dịch sáp nhập, điều đó đã giúp cho ông Tô Lâm không chỉ kiểm soát được toàn bộ quy trình tổ chức lại bộ máy.
Mà còn có cơ hội lớn để “định hình” lại bộ mặt quyền lực địa phương, nhằm thanh lọc lực lượng cán bộ cấp tỉnh, nhằm cài cắm nhân sự thân tín, theo hướng có lợi cho phe nhóm của mình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tại Đại hội Đảng 14 tới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm được cho là đang muốn củng cố quyền lực tối thượng cho ông, thì bất cứ trục trặc nào trong mô hình hành chính mới cũng có thể trở thành “tử huyệt”.
Với vai trò là “kiến trúc sư” của công cuộc cải cách, mọi sai sót trong việc tổ chức nhân sự đến vận hành cơ chế mới, thì cá nhân Tổng Bí thư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu cải cách thất bại. Nhưng, ông Tô Lâm vẫn là người thắng cuộc cuối cùng về quyền lực.
Cải cách hành chính là vấn đề tất yếu và hết sức cần thiết. Nhưng, liệu công cuộc cải cách này có phục vụ cho dân, cho nước, hay chỉ là bước đệm để củng cố vị thế chính trị cho cá nhân và phe cánh của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trà My – Thoibao.de