Trong báo cáo bế mạc Hội nghị Trung ương 12 – Khóa 13 của Tổng Bí thư Tô Lâm, với một loạt quyết định kỷ luật các lãnh đạo hàng đầu của đảng đã gây chấn động dư luận xã hội.
Đây lại điều chưa từng có trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, với hàng loạt các nhân vật “tứ trụ”, như Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, và Vương Đình Huệ.
Cùng với nhiều gương mặt từng được xem là các nhân vật thân cận của ông Nguyễn Phú Trọng đã chính thức bị loại khỏi hệ thống chính trị Việt nam.
Đáng chú ý, thời điểm Tổng Bí thư công bố các quyết định kỷ luật các nhân vật kể trên, không hiểu vô tình hay hữu ý lại trùng với ngày giỗ đầu của cố Nguyễn Phú Trọng.
Và điều đó càng làm dấy lên nhiều nghi vấn khi cho rằng, đây là đòn răn đe quyền lực của ông Tô Lâm đối với các “tàn dư” của người tiền nhiệm.
Theo giới phân tích, đây là một cuộc “trảm tướng” có tính toán của Tổng Bí thư Tô Lâm khi Đại hội 14 đang cận kề. Việc xử lý cùng lúc một loạt cựu lãnh đạo cao cấp của phe “bảo thủ” đã gửi đi một thông điệp mang tính răn đe.
Đồng thời nó còn thể hiện quyết tâm chỉnh đốn nội bộ, và chiến lược củng cố quyền lực cá nhân tuyệt đối của ông Tô Lâm, khi phe Công An dường như đang trở nên bất khả xâm phạm.
Theo giới quan sát, điều đáng lưu ý là toàn bộ các nhân vật bị kỷ luật đều có liên hệ mật thiết với “di sản” nhân sự mà ông Nguyễn Phú Trọng từng nâng đỡ qua nhiều kỳ Đại hội.
Đó là, “cánh tay phải” điều hành kinh tế Nguyễn Xuân Phúc; người kế tục đường lối tư tưởng Võ Văn Thưởng; và Vương Đình Huệ là con át chủ bài từng là ứng viên sáng giá nhất cho chiếc ghế Tổng Bí thư. Nhưng giờ đây, tất cả đều bị loại khỏi cuộc chơi “vương quyền”.
Tuy nhiên, sự im lặng đầy ẩn ý đối với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gây sự chú ý của công luận, đó là, cùng thời điểm Hội nghị Trung ương 12 diễn ra, báo chí nhà nước tuyệt nhiên không nhắc đến ngày giỗ đầu của ông Trọng (19/7).
Đây là điều vốn rất hiếm trong truyền thống “sùng bái lãnh tụ” của Đảng Cộng sản Việt nam. Theo giới thạo tin cho rằng đây là sự “lãng quên” không phải là vô tình, mà là có chủ ý.
Với lý do, ông Tô Lâm đang thực hiện một cuộc đoạn tuyệt chính trị “vĩnh viễn” đối với người tiền nhiệm, không chỉ để loại bỏ ảnh hưởng của “phe bảo thủ” mà còn nhằm thiết lập trật tự quyền lực mới mang dấu ấn của cá nhân mình.
Việc đồng loạt xử lý các nhân vật cao cấp kể trên chắc chắn không thể tách rời khỏi bối cảnh Tổng Bí thư Tô Lâm đang ráo riết chuẩn bị danh sách nhân sự “chủ chốt” cho Đại hội Đảng lần thứ 14.
Theo quy trình, những nhân vật cấp cao bị kỷ luật thường sẽ kéo theo sự thất thế của cả một mạng lưới quyền lực hay phe phái liên quan. Đây, là đòn trảm tướng “nhất tiễn hạ song điêu” tức là chỉ bằng một mũi tên ông Tô Lâm đã đạt được nhiều mục đích.
Cụ thể là: vừa triệt tiêu ảnh hưởng còn lại của các phe nhóm chống đối Tổng Bí thư, đồng thời cũng cảnh báo các Ủy viên Trung ương đương nhiệm đang có dấu hiệu “lập trường” chọn phe không rõ ràng.
Việc tổ chức Hội nghị Trung ương 12 sớm bất thường, và với cách xử lý kỷ luật thẳng tay lần này, ông Tô Lâm đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng sẽ không có chỗ cho những ai còn chần chừ chưa dứt khoát chọn phe cho mình.
Việc xử lý các nhân vật thân tín với ông Nguyễn Phú Trọng và xóa bỏ tận gốc rễ di sản cũ của ông Nguyễn Phú Trọng, đây chính là sự minh chứng cho thấy:
Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ đang “thanh lọc bộ máy” mà còn đang dọn sạch bàn cờ cho ván cờ Đại hội 14, nơi mà ông muốn là người có quyền lực tuyệt đối ở trong đảng.
Trà My – Thoibao.de