Tại cuộc họp của chính phủ hôm 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định dừng xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24/3. Tuy nhiên cùng ngày 24/3/2020, Bộ công thương lại đề nghị cho phép tạm dừng quyết định này tức là tạm ngưng việc dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020. Không hiểu tại sao với tư cách là cơ quan đầu ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công thương dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lại có sự thiếu nhất quán trong chủ trương và hành động như vậy?
Hôm qua, 24/3 truyền thông trong nước đưa tin : Đại diện Tổng cục Hải quan xác nhận, ngày 24/3, Tổng cục Hải quan đã có điện hỏa tốc gửi các Cục hải quan tỉnh, thành phố và một số đơn vị trực thuộc yêu cầu tạm dừng thông quan các lô hàng xuất khẩu gạo từ 0h ngày 24/3.
Điều này được Tổng cục Hải quan giải thích là: “thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.”
Cụ thể, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24/3.
Các Cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ giải quyết thủ tục thông quan theo quy định đối với các lô hàng xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước 0 giờ ngày 24/3/2020.
Tổng cục Hải quan giao Cục quản lý rủi ro thiết lập tiêu chí đưa mặt hàng gạo các loại thuộc các phân nhóm HS: 1006.20, 1006.30 và 1006.40 vào diện cấm xuất khẩu.
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu phải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng gạo các loại qua biên giới và xử lý vi phạm theo quy định.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ồ ạt mua gạo của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2020 giữa mùa dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Báo Dân trí trích số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hôm 22/03 cho biết trong 2 tháng đầu năm 2020, gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh, với mức tăng 595% về lượng và tăng 724% về kim ngạch, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu đôla.
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn do tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán thì xuất khẩu gạo lại có sự tăng tốc cực kỳ ngoạn mục. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 929.000 tấn, kim ngạch hơn 430 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và tăng 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu gạo sang các thị trường Philippines, Iraq, Malaysia, Pháp, Đài Loan, Senegal, Nga đều có sự tăng trưởng ngoạn mục.
Tuy nhiên, trang VietnamBiz trích lời ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho hay việc gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc luôn bị ép giá. Ông nói: “Lâu nay, chúng ta vào thị trường Trung Quốc là bán cái mình có nên thường xuyên bị ép giá.”
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi thông tin ngừng xuất khẩu gạo được đăng tải thì xuất hiện ngay thông tin Bộ Công Thương lại đề xuất tiếp tục cho xuất khẩu gạo.
Tại văn bản ngày 24/3, Bộ Công Thương cho biết sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp, nên Bộ này đề nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đề nghị : “Việc mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu theo đó vẫn tiếp tục được thực hiện bình thường“.
Đáng chú ý, trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chính là người đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo.
Cụ thể, văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận cuộc họp có ghi, đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Công Thương tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước. Giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn để cụ thể hóa việc tạm dừng xuất khẩu gạo theo trình tự thủ tục rút gọn (có hiệu lực từ ngày ký).
Facebooker Đặng Phước nhận định : Có lẽ khi đặt bút ký văn bản này, ông Trần Tuấn Anh không có lòng tự trọng? Mang danh một Bộ trưởng mà giải quyết công việc “sáng nắng, chiều mưa“, “đẽo cày giữa đường” như vậy thì làm sao đủ bản lãnh để lãnh đạo một bộ?
Việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay là một vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người cho rằng tình trạng hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng nghiêm trọng, dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành thì không nên bán gạo rẻ ra nước ngoài đặc biệt là Trung Quốc để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Cộng đồng quốc tế dự đoán dịch bệnh có thể chỉ được khống chế trong 12-18 tháng nữa, biện pháp tạo khoảng cách xã hội mà các nước đang thiết lập không biết bao giờ mới kết thúc, lệnh giới nghiêm vẫn được phương Tây tăng cường thực thi và đang được cân nhắc kéo dài hơn dự kiến, dịch bệnh Vũ Hán đang hoành hành ác liệt chưa có dấu hiệu suy giảm. Trong bối cảnh này nhiều người cho rằng việc tích trữ lương thực là rất cần thiết. Việt Nam lại là nước nông nghiệp, tự chủ được nguồn lúa gạo không phải đi mua nên khi các nước đang tích cực mua gạo thì Việt Nam không nên bán để đảm bảo an ninh lương thực trong nước trước.
Hơn nữa, đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của cả nước, đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng hạn mặn nghiêm trọng ước tính vượt qua cả kỷ lục năm 2016. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến sản lượng thu hoạch năm nay.
Đặc biệt, việc bán cho Trung Quốc khiến người dân càng có thái độ cảnh giác bởi từ trước đến nay giới đầu cơ, thương lái Trung Quốc đã nhiều lần làm người nông dân Việt Nam rơi vào tình cảnh khốn khổ.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến Trung Quốc tăng mua gạo từ Việt Nam sau 2 năm trầm lắng là do năm 2020 dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc giảm khoảng 1,8 triệu tấn, xuống còn 146,7 triệu tấn. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn diễn biến vô cùng phức tạp, có tác động không nhỏ đến lưu thông hàng hóa toàn cầu và người dân có tâm lý tích trữ lương thực.
Bên cạnh những quan điểm cho rằng không nên xuất khẩu gạo vào thời điểm này thì cũng có luồng ý kiến cho rằng không cần và không nên dừng xuất khẩu gạo với những số liệu phân tích khoa học khách quan.
Nhà báo Vũ Kim Hạnh phân tích : con số Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo tới 600% không có ý nghĩa. Nghe mức tăng quá khủng nhưng nếu xem lại, năm 2019 họ giảm mức nhập gạo VN chỉ còn 8% tổng lượng nhập gạo của họ, đến tháng 1/2020, chỉ còn 5,4% thì đâu có gì phải lo: tăng nhập 600% cũng chỉ có 66.000 tấn, trị giá chừng 37 Triệu USD.
Sản lượng gạo VN năm nào cũng dư 6 – 7 triệu để xuất khẩu. Năm nay cũng vậy. Hạn, mặn làm giảm sản lượng lúa đông xuân nhưng ĐBSCL vào vụ Đông Xuân từ trước Tết nên tháng 2, 3 là đoạn cuối. Nhìn chung, vụ Đông Xuân 2019-2020 tuy thiệt hai nhưng tổng thể vẫn thu được nhiều lúa.
Lúa trong kho còn. Doanh nghiệp cần đảo kho, Nông dân cần trả nợ ngân hàng, chuẩn bị vụ mới; lúa được giá, không thiếu gạo, và vụ hè thu chỉ 100 ngày nữa đã có lúa mới, sao đột nhiên dừng xuất khẩu gạo?
Nghe dừng là giá lúa rớt liền và nước mắt nông dân rớt theo vì họ biết, rồi đây vụ hè-thu, giá lúa càng sẵn trớn rớt tiếp.
Xem lượng gạo xuất đầu năm 2020, thấy thấp hơn những năm trước, và người làm lúa biết rằng, không xuất được mới đáng lo. Nhà báo cũng kêu gọi mọi người đừng để cảm xúc lấn át mà để sau cùng người nông dân vẫn là người chịu thiệt hại nhiều nhất.
Đây cũng dịp để nhiều nhà phân tích quay lại vấn đề ‘an ninh lương thực’ mà Nhà nước đề ra để tròng vào cổ nông dân đặc biệt là người dân đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là một tác nhân khiến vùng đất trù phú này bị biến dạng như ngày nay.
Nhà báo Phạm Ngọc Hưng chỉ ra : “An ninh lương thực” là chiêu bài để nhà nước duy trì diện tích đến 7.5 triệu ha mà trên đó nông dân không có quyền quyết định trồng gì khác ngoài lúa, với sản lượng dư thừa tới mức đủ nuôi ba lần dân số Việt Nam.
Đấy cũng là cớ để đến tận cách đây 2 năm, nhà nước vẫn gom quyền xuất khẩu gạo vào tay vài doanh nghiệp lớn, tạo điều kiện cho bòn rút và tham nhũng. Đấy cũng là cớ để nhà nước giữ gạo thừa mứa trong nước, dìm giá nhằm bảo đảm chỉ tiêu lạm phát thấp để ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng lại khiến nông dân trồng lúa chỉ đủ ăn mà không có mặc.
Cái ách ấy mới được nhấc nhẹ lên gần đây bằng cách tước bỏ độc quyền xuất khẩu khỏi tay các doanh nghiệp nhà nước, đẩy được giá gạo lên, thổi được vài hớp sinh khí vào ruộng lúa.
Thế mà nay người ta lại nhân danh “an ninh lương thực” lúc dịch bệnh để chặn đường xuất khẩu gạo thì khác gì choàng lại cái ách cũ lên cần cổ còn hằn vết của nông dân? Chúng ta sống nhờ nông dân, nhưng ủng hộ cấm xuất khẩu khác gì bảo họ tiếp tục đóng kiếp bò kéo xe chở nỗi lo hết gạo của mình?
Có lẽ tầm nhìn của Đảng và Chính phủ chẳng cao hơn nổi cây lúa. Những cá nhân chuyên sâu về “cao cấp lý luận chính trị” hay “xây dựng đảng” nên ngồi im để thị trường diễn biến theo quy luật của nó thì may ra người nông dân khốn khổ mới thoát khỏi số phận ‘cộng sản’ : Vậy mới có câu « quanh năm trồng lúa mà không thể thoát nghèo ».
Đi từ sai lầm này đến sai lầm khác rồi lúng túng trong việc chỉ đạo điều hành, liệu chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc có đảm đương được nhiệm vụ và quyền hạn thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội… và xa hơn là Đảng Cộng sản đứng đầu bởi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lãnh đạo được toàn diện, khắc phục sai lầm của chính mình để những người nông dân, một trong những lực lượng quan trọng nhất đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam cải thiện được cuộc sống vốn đã vô cùng khó khăn của mình?
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)