Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang gây nên một cuộc khủng hoảng toàn cầu được dự đoán lớn nhất từ khoảng 1 thế kỷ nay, Trung Quốc, nơi xuất phát của dịch bệnh, không ngừng thể hiện là cường quốc đầu tầu thế giới trong khi Hoa Kỳ lại thu mình với chiến lược « Nước Mỹ trước hết » của tổng thống Trump.
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tạm thời được kiểm soát tại đất nước sinh ra nó là Trung Quốc thì lại diễn biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu, Trung Quốc tự xem mình là quốc gia đi đầu và là “mạnh thường quân” trong cuộc chiến chống dịch.
Trong khi châu Âu trở thành nơi cúm Vũ Hán lây lan mạnh mẽ nhất trong những tuần qua, với 6 nước đứng trong top 10 nước có số ca nhiễm cao nhất toàn cầu, gồm các nền kinh tế lớn nhất châu lục như Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh trong đó Italy là một trong những điểm nóng về dịch lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc.
Cùng đó, phía bên kia Đại Tây Dương, Mỹ có khả năng trở thành tâm điểm mới của dịch bệnh khi siêu cường này chứng kiến sự gia tăng rất nhanh số ca nhiễm và số người chết vì dịch bệnh.
Thì tình hình có vẻ lắng dịu tại Trung Quốc, các ca nhiễm mới giảm mạnh, đặc biệt trong ngày 18/3, Trung Quốc đại lục lần đầu ghi nhận không có ca nhiễm mới trong nước kể từ khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát hồi tháng 1/2020.
Nắm bắt thời cơ, Bắc Kinh thực hiện một cuộc tổng tiến công ngoại giao để giúp đỡ các nước đang gặp khó trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh bằng việc tuyên bố sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh, hỗ trợ nhân lực, vật lực cho các nước trong cuộc chiến đầy cam go này.
Đối với các nước châu Âu, Tập Cận Bình đã điện đàm với các nhà lãnh đạo châu Âu – đang là nạn nhân của viêm phổi Vũ Hán với thái độ đầy cảm thông và chia sẻ
Ông Tập nói với thủ tướng Đức Angela Merkel rằng: “Nếu Đức có nhu cầu, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng của chúng tôi“, “Những cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng là thách thức chung với nhân loại. Sự đoàn kết và hợp tác là những vũ khí mạnh nhất chống lại nó“, “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ “thông tin và kinh nghiệm”, sẵn lòng hợp tác với Berlin trong phát triển vaccine”.
Với Tổng thống Pháp, ông Tập nói: “Trung Quốc sẵn sàng cùng Pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ vai trò cốt lõi của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới trong việc hoàn thiện quản lý y tế công cộng toàn cầu“. Và Trung Quốc đã tặng cho nước Pháp 1 triệu chiếc khẩu trang để cung cấp cho đội ngũ y tế nước này.
Trước đó, Trung Quốc đã cử 300 bác sĩ qua Ý cùng với trang thiết bị để giúp chống dịch cùng hy vọng sẽ thiết lập “con đường tơ lụa y tế” như là một phần của sáng kiến “Vành đai, Con đường” mà Trung Quốc đang triển khai khắp thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cam kết cung cấp cho Tây Ban Nha – quốc gia mới đây chứng kiến sự leo thang nhanh chóng của dịch bệnh – các thiết bị y tế như khẩu trang, máy thở và thiết bị bảo vệ cho các chuyên gia y tế với lời an ủi tới Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”, đồng thời gợi ý hai nước nên tăng cường hợp tác và trao đổi sau khi dịch bệnh được dập tắt.
Tại châu Âu, ngoài các nước kể trên, Bắc Kinh cũng ra tay giúp đỡ nhiều nước vùng Balkan, đặc biệt là Serbia với lời hứa “Trung Quốc và Serbia là đối tác chiến lược toàn diện. Tình hữu nghị bền chặt như sắt đá giữa hai quốc gia, cũng như người dân, sẽ tồn tại mãi mãi“.
Không chỉ thể hiện sự chia sẻ đối với các nền kinh tế hàng đầu thế giới, Trung Quốc cũng tự đặt cho mình trách nhiệm giúp đỡ các nước đang phát triển trên toàn thế giới.
Tại Đông Nam Á, Trung Quốc đã tặng nhiều bộ dụng cụ xét nghiệm viêm phổi Vũ Hán cho Campuchia; gửi 2.000 bộ xét nghiệm nhanh viêm phổi Vũ Hán đến Philippines; trong khi cam kết giúp đỡ nhiều nước khác như Lào, Thái Lan.
Tại Trung Đông, Trung Quốc cũng đã gửi 7 chuyên gia y tế cùng với nhiều thiết bị vật tư y tế đến Iraq, gồm 2 bộ máy nhằm cho phép nhân viên phòng thí nghiệm Iraq tăng số ca xét nghiệm viêm phổi Vũ Hán lên gấp 4 lần. Các chuyên gia Trung Quốc cũng hướng dẫn các bác sĩ và giới chức y tế Iraq các bước chống lại viêm phổi Vũ Hán, tham gia hội nghị từ xa với các giám đốc bệnh viện ở Iraq.
Iran cũng là quốc gia nhận được sự ưu ái của Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Trung Quốc đã gửi tới Iran 250.000 khẩu trang và 5.000 bộ kit xét nghiệm viêm phổi Vũ Hán cùng những câu thơ của nhà thơ Ba Tư lừng lẫy Saadi Shirazi thời Trung Cổ.
Đảng Cộng sản Trung Quốc còn vươn vòi bạch tuộc xuống dưới cả Nam Á để hỗ trợ Pakistan chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Ngay tại đại bản doanh của mình là Đông Bắc Á, Trung Quốc cũng không ngừng tận dụng thời cơ, giúp đỡ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thành phố Thượng Hải đã gửi 500.000 chiếc khẩu trang cho Hàn Quốc trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc những ngày đầu tháng 3 đã vượt xa Trung Quốc.
Trong 500.000 chiếc khẩu trang, có 100.000 chiếc dành cho nhân viên y tế và 400.000 chiếc dành cho người dân. Lô hàng đã đến sân bay quốc tế Incheon hôm 3/3.
Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc cho biết hai thành phố khác của Trung Quốc – Thiệu Hưng và Thanh Đảo – đã bày tỏ thiện chí sẽ ủng hộ khẩu trang, kính bảo hộ y tế và các hàng hóa cần thiết khác để điều trị cho bệnh nhân nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
Cũng trong thời điểm đầu tháng 3, Jack Ma, người sáng lập tập đoàn Alibaba và cũng được cho đảng viên tiêu biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tặng 1 triệu chiếc khẩu trang cho Nhật Bản để ngăn chặn sự lây lan của nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
Theo thông tin ngày 29/2 trên Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản, cơ quan đại diện của Trung Quốc sẽ tặng 100.000 khẩu trang và 5.000 bộ quần áo bảo hộ cho Nhật Bản, cũng như các bộ dụng cụ chẩn đoán virus.
Còn với đối thủ của mình là Mỹ, một mặt Trung Quốc bằng cách gián tiếp hay trực tiếp tỏ ra hào phóng, sẻ chia với siêu cường thế giới; mặt khác, tranh thủ lấn át vai trò lãnh đạo thế giới trong cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có tiền lệ này.
Ngày 16/3, Jack Ma cho biết, quỹ thiện nguyện của ông đang vận chuyển 1 triệu khẩu trang và 500.000 bộ kit xét nghiệm cho Mỹ để chống lại đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Ông này viết trên Weibo như sau : “Dựa trên kinh nghiệm chống viêm phổi Vũ Hán trong quá khứ của chúng tôi, xét nghiệm nhanh chóng, chính xác và thiết bị bảo hộ đầy đủ cho nhân viên y tế vô cùng cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan“. “Chúng tôi hi vọng khoản quyên góp sẽ giúp đỡ người Mỹ“.
Ngoài ra, Trung Quốc đã quyết định quyên góp 20 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để hỗ trợ hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng chia sẻ thông tin với các nước khác nhằm giúp các nước này hiểu rõ về quá trình nhiễm bệnh và tử vong cũng như chia sẻ trình tự gen với WHO, một động thái quan trọng để các quốc gia khác đưa ra giải pháp điều trị trong thời gian sớm nhất có thể.
Bên cạnh đó, truyền thông nước này loan báo Trung Quốc thúc đẩy chia sẻ giải pháp với các quốc gia khác bằng cách công bố các hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa và kiểm soát viêm phổi Vũ Hán với hơn 100 quốc gia và hơn 10 tổ chức quốc tế và khu vực. Nước này cũng thành lập cơ chế làm việc song phương và đa phương để tăng cường hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại viêm phổi Vũ Hán.
Tất cả những động thái trên chỉ là phần nổi của tảng băng. Thực tế những viện trợ mà Trung Quốc ban phát cho các nước sau này chỉ là một phần nhỏ của những gì mà thế giới đã giúp đỡ nước này ngay khi dịch bệnh bắt đầu được phát hiện hồi tháng 1.
Facebooker Nguyệt Phan tổng hợp, đầu tháng 1/2020, công ty Honeywell của Mỹ tặng nửa triệu mặt nạ phòng chống độc N95; công ty 3M cũng tặng số khẩu trang tương tự. Bristol Myers Squibb tặng 220.000 mặt nạ N95 cho bác sĩ-y tá Vũ Hán. Hai tổ chức phi chính phủ của Mỹ – MAP International và MedShare – đã tặng Trung Quốc hơn hai triệu mặt nạ, 11.000 trang phục bảo hộ và 280.000 găng tay
Đến tháng 2/2020, Mỹ đã gửi đến Vũ Hán 17 tấn hàng viện trợ. Đó là chưa kể số hàng trị giá 1,4 triệu USD mà Hiệp hội bóng rổ quốc gia Hoa Kỳ (NBA) tặng tỉnh Hồ Bắc cùng một số thiết bị y tế hiện đại trị giá 285.000 USD dùng cho Bệnh viện thứ tư Vũ Hán (Vũ Hán thị đệ tứ y viện). Đó là chưa kể các tập đoàn khổng lồ của Mỹ như Microsoft, Dell, Boeing và L’Oreal cũng tặng tổ chức Hồng Thập Tự Trung Quốc và tỉnh Hồ Bắc 1,4 triệu USD bằng hiện vật lẫn tiền…
Như vậy, chỉ riêng viện trợ của Hoa Kỳ cho Trung Quốc cao gấp 10 đến 100 lần so với viện trợ của Trung Quốc cho Mỹ. Nhưng sai lầm của chính quyền Trump là đã không thực hiện công tác truyền thông ồ ạt như chính quyền cộng sản Trung Quốc đã làm.
Trong bối cảnh lần đầu tiên trong một cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu, mà Hoa Kỳ dường như không còn đóng vai trò lãnh đạo nào với chiến lược mới của ông Trump, châu Âu thì phản ứng chậm chạp trước lời kêu gọi cứu trợ của 2 nền kinh tế quan trọng là Ý và Tây Ban Nha, Trung Quốc đã cướp thời cơ để biến mình từ tội đồ của nhân loại với trách nhiệm hàng đầu khi để xảy ra thảm kịch quy mô toàn cầu hiện nay thành anh hùng cứu nhân độ thế. Cái chết của nhân loại bởi tác nhân là chính quyền cộng sản Trung Quốc liệu có đang đến gần ?
Trung Quốc triển khai chiến lược ‘ngoại giao khẩu trang’ tuyên truyền rầm rộ thậm chí phóng đại sự hào phóng của mình không chỉ để làm nổi bật vai trò của mình và còn để thế giới quên đi nguồn gốc của dịch bệnh viêm phổi với khởi nguồn từ Vũ Hán.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)