Trung Quốc lên đường ‘cứu viện’ Kim Jong Un

https://www.youtube.com/watch?v=LMRH4dTBgjw

Truyền thông quốc tế cho biết một phái đoàn y bác sĩ Trung Quốc do một cán bộ cao cấp trong Đảng Cộng sản dẫn đầu đã sang Bắc Triều Tiên từ ngày 23/4/2020, trong bối cảnh chủ tịch Kim Jong Un vắng bóng từ hơn nửa tháng nay.

Các nguồn tin riêng của Reuters chỉ cho biết là phái đoàn Trung Quốc đến “để cố vấn” cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Phái đoàn Trung Quốc gồm chuyên gia bác sĩ và một nhân vật cao cấp của Ban Liên lạc đối ngoại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đặc trách quan hệ với Bắc Triều Tiên dẫn đầu đã lên đường sang Bình Nhưỡng từ ngày 23/4/2020.

Ba nhân vật có quan hệ trực tiếp với hồ sơ này cho biết là để “cố vấn” cho Kim Jong Un, nhưng từ chối nói rõ hơn, viện lý do “nhạy cảm“.

Reuters tìm cách liên lạc với cơ quan đặc trách quan hệ quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc để tìm hiểu thêm nhưng chưa có kết quả. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không bình luận.

Màn bí mật tiếp tục bao trùm trên tình trạng sức khỏe của Kim Jong Un từ khi trang mạng Daily NK của giới tị nạn Bắc Triều Tiên tại Seoul, dựa theo một nguồn ẩn danh ở miền bắc, loan tin lãnh đạo Bắc Triều Tiên phải trải qua một cuộc phẫu thuật tim mạch ngày 12/4/2020. Theo đó, Kim Jong Un được phẫu thuật tại bệnh viện ở khu vực núi Kumgang, quận Xiangshan và hiện đang điều trị tại đây.

Ảnh chụp màn hình tin đăng trên trang Daily NK về tình hình sức khỏe của Chủ tịch Kim Jong Un

Những gì diễn ra với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên luôn là một ẩn số với thế giới. Việc đưa tin về Bắc Triều Tiên đặc biệt phức tạp, nhất là thông tin về đời sống riêng tư của Kim Jong Un, một trong những bí mật được chế độ Bình Nhưỡng giữ kín nhất. Hiện có nhiều tin đồn khác nhau xung quanh vấn đề này.

CNN hôm 20/4 dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay chính phủ Mỹ đang theo dõi thông tin tình báo cho rằng lãnh đạo Kim đang trong tình trạng nguy kịch sau ca mổ tim.

Tuy nhiên, một quan chức tại Ban Liên lạc đối ngoại Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc sau đó cho Reuters biết nguồn tin của ông không tin rằng lãnh đạo Triều Tiên bị bệnh nặng.

Hai quan chức chính phủ Hàn Quốc cũng đã bác bỏ thông tin từ CNN nhưng không nói rõ liệu ông Kim có trải qua cuộc phẫu thuật hay không.

Hôm thứ Năm (23/4), kênh ATV của Hàn Quốc dẫn lời các nguồn tin tình báo Hoa Kỳ nói rằng tuần trước sau khi một số người bên cạnh Kim Jong Un bị nhiễm virus Corona Vũ Hán, ông liền đi ngay đến thành phố ven biển Wonsan.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 23/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay ông nghĩ thông tin được phát từ CNN cho rằng lãnh đạo Kim Jong Un đang nguy kịch là “không chính xác” và “được dựa trên tài liệu cũ”, theo Reuters. Tổng thống Trump còn nhấn mạnh ông có mối quan hệ tốt đẹp với nhà lãnh đạo Kim Jong Un và “hy vọng ông ấy ổn”.

Đến ngày 24/4, một nguồn tin từ Hàn Quốc tiết lộ với Reuters rằng thông tin tình báo của họ cho hay nhà lãnh đạo Kim có thể sẽ sớm xuất hiện trước công chúng.

Một quan chức gần gũi với giới tình báo Mỹ cũng nói rằng ông Kim bị cho là có vấn đề về sức khỏe nhưng họ không có lý do để kết luận nhà lãnh đạo Kim bị bệnh nặng hoặc không thể xuất hiện trước công chúng, theo Reuters.

Báo chí Hàn Quốc cũng lưu ý là truyền thông miền bắc, nhất là KCNA – Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên, hoàn toàn im tiếng, không nhắc đến tên lãnh đạo Kim Jong Un, ít nhất là trong hai sự kiện quan trọng của chế độ Bình Nhưỡng gần đây.

Thứ nhất là ngày 15/04 là sinh nhật cố chủ tịch Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), ông nội của Kim Jong Un, một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Bắc Triều Tiên và thông thường thì không thể vắng lãnh đạo đương nhiệm. Khác với các năm trước, truyền thông Bắc Triều Tiên năm nay không hề đưa tin Kim Jong Un đến thăm Cung điện Mặt trời vào sinh nhật lần thứ 108 của Kim Il Sung. Đây là lần vắng mặt đầu tiên của Kim Jong Un trong sự kiện trọng đại này kể từ khi nhậm chức vào năm 2012.

Sự kiện quan trọng thứ hai không có sự xuất hiện của nhà lãnh đạo Kim là ngày Quân lực của Bắc Triều Tiên 25/04, tức là kỷ niệm ngày Kim Nhật Thành lập đội du kích chống Nhật.

Kim Jong Un, 36 tuổi, đảm nhận vị trí lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2012. Lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông là vào ngày 11/4 khi chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị của Đảng Lao động nhằm kêu gọi thực thi “các biện pháp nghiêm khắc trên toàn quốc để ngăn chặn sự xâm nhập của virus corona”. Nhưng vào ngày 12/4, ông đã không tham dự cuộc họp thượng đỉnh.

Vào ngày 14/4, Lực lượng Tên lửa Bắc Triều Tiên đã bắn nhiều tên lửa hành trình chống hạm tầm ngắn vào vùng biển phía đông của Bán đảo Triều Tiên. Kim Jong Un thường xuất hiện để giám sát các vụ phóng thử tương tự, nhưng KCNA không công bố tin tức về sự hiện diện của Kim Jong Un lần này.

Những hiện tượng bất thường này đã khiến ngoại giới chú ý tới sức khỏe của Kim Jong Un.

Cho đến ngày 22/4, truyền thông Bắc Truyền Tiên đăng các thông tin về hoạt động của người đứng đầu nhà nước Kim Jong Un.

Ảnh: Ảnh chụp màn hình trang web của KCNA đăng tin Chủ tịch Kim Jong Un đã gửi thư trả lời Tổng thống Syria Bashar al-Assad

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin ngày 22/4, Chủ tịch Kim Jong Un đã gửi thư trả lời Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người đã chúc mừng ông Kim nhân ngày kỷ niệm sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, ông nội của ông Kim Jong Un.

Trong một bài viết bằng tiếng Anh, KCNA nêu rõ: “Trong bức thư của mình, lãnh đạo Kim Jong Un đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Tổng thống Cộng hòa Arab Syria vì đã gửi tới thông điệp chúc mừng chân thành, phản ánh sự tôn trọng nồng ấm với Chủ tịch Kim Nhật Thành, người luôn sống mãi trong trái tim của người dân Triều Tiên và những người cấp tiến thế giới nhân dịp kỷ niệm 108 ngày sinh của ông.”

Bài viết còn nhấn mạnh: “Thể hiện sự tin tưởng mối quan hệ thân thiện và hợp tác giữa Triều Tiên – Syria sẽ phát triển mạnh mẽ ơn, trung thành với mục đích cao cả của các lãnh đạo trước đó và mong muốn của nhân dân hai nước, thông điệp chúc Tổng thống Syria khỏe mạnh và thành công hơn trong công việc đầy trách nhiệm ông đang gánh vác“.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, hôm 24/4 đưa tin ông Kim Jong Un đã nhận hoa từ Đại sứ quán Nga ở Bình Nhưỡng nhân dịp kỷ niệm một năm nhà lãnh đạo Triều Tiên có chuyến thăm lịch sử tới Nga (ngày 24-26/4/2019).

Mới đây nhất, báo Rodong Sinmun đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gửi một bức thư đến các công nhân xây dựng ở thành phố Samjiyon.

Trong bức thư, ông Kim Jong Un đã gửi lời cảm ơn và động viên tới các công nhân đang làm nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố Samjiyon – một trong những dự án đầy tham vọng của Triều Tiên. Giới chức Bình Nhưỡng muốn biến Samjiyon thành một thành phố hiện đại kiểu mẫu với hệ thống đường sắt, năng lượng và viễn thông tiên tiến.

Thành phố Samjiyon cũng nằm dưới chân núi Paektu, vốn được coi là “ngọn núi linh thiêng” của Triều Tiên và là nơi nhà lãnh đạo Kim Jong Un thường ghé thăm trước khi đưa ra những quyết định quan trọng với đất nước.

Trong quá khứ, vào năm 2014, Kim Jong Un đã từng biến mất trong suốt 40 ngày, rồi sau đó tái xuất hiện với một cây gậy và chân đi khập khiễng sau cuộc phẫu thuật chân.

Báo Hàn Quốc nói cả ông nội và cha ông Kim Jong Un đều qua đời vì nhồi máu cơ tim cấp tính. Như vậy, ông Kim Jong Un có rủi ro sức khỏe tim mạch do tiền sử gia đình. Hơn nữa bệnh béo phì cũng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của ông, một số nguồn tin nói ông nặng tới 136 kg. Bên cạnh đó, việc hút thuốc lá thường xuyên cũng khiến bệnh tình của ông bị đe dọa nhiều.

Nếu sự thật là ông Kim Jong Un có vấn đề không ổn về sức khỏe thì sự kiện này sẽ tiềm ẩn gây bất ổn cho khu vực.

Phó giáo sư Stephen Robert Nagy, Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada nhận định: nếu ông Kim có vấn đề về sức khỏe thì các nước đặc biệt quan tâm là ai đang nắm quyền kiểm soát quân đội và kho hạt nhân của Bình Nhưỡng, vốn có ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị Đông Bắc Á. Bởi đơn giản là nếu như bán đảo Triều Tiên bỗng nhiên căng thẳng thì Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… có thể sẽ không biết sẽ phải trao đổi với ai để giải quyết vấn đề.

Thêm vào đó, còn một nỗi lo khác khiến Mỹ và các nước khu vực Đông Bắc Á phải đối mặt: nếu như ông Kim có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe thì liệu có xảy ra tình trạng tranh giành quyền lực nội bộ hay không. Và tất nhiên, nếu Triều Tiên có biến động lớn thì hàng loạt vấn đề đặt ra, mà nổi cộm nhất là có thể phát sinh dòng người rời khỏi nước này.

Ngay cả trong trường hợp có một quá trình thừa kế lãnh đạo êm xuôi, thì khi thay thế ông Kim, vị lãnh đạo mới của Triều Tiên có thể lại tiến hành những cuộc thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo. Cho nên, nếu ông Kim có vấn đề không ổn về sức khỏe cũng sẽ tiềm ẩn gây bất ổn cho khu vực.

Triều Tiên là một trong những quốc gia biệt lập và bí mật nhất thế giới, sức khỏe của các nhà lãnh đạo nước này được coi là vấn đề an ninh quốc gia.

Chừng nào thông tin về sức khỏe của ông Kim Jong Un chưa được sáng tỏ thì thế giới vẫn còn lo ngại về an ninh của bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á.

Điều đặc biệt, là Việt Nam và Bắc Hàn đều là những nước cuối cùng theo thể chế Cộng sản độc tài, nơi mà người dân bị tước hết quyền Tự do và Dân chủ.

Hàng trăm triệu người dân ở những nơi này chỉ có mỗi nhiệm vụ, là đem hết sức lực lao động ra làm, đóng thuế, chịu bóc lột nuôi bộ máy cai trị khổng lồ tàn ác và lạc hậu tại Bình Nhưỡng và Ba Đình.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)