Các nhà ngoại giao Đức yêu cầu có cuộc điều tra độc lập ở Vũ Hán


Thủ tướng Đức Angela MerkelChủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình

Thủ tướng Úc Scott Morrison đã gọi điện thoại tới Berlin vận động Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trên chính trường nước Đức, ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu điều tra làm sáng tỏ nguồn gốc coronavirus. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas (đảng SPD) được yêu cầu khẩn trương vận động cho một ủy ban điều tra độc lập – “và ủy ban này không được để cho WHO đứng đầu“.

***

Thủ tướng Úc và thủ tướng Đức rất ít khi gọi điện thoại cho nhau. Nhưng gần đây ông Scott Morrison đã gọi tới Berlin. Dĩ nhiên không thể nào khác hơn là nói chuyện về đại dịch corona. Chính xác hơn: Nguồn gốc có thể của đại dịch corona. Chính trị gia đảng bảo thủ  Úc vận động bà Angela Merkel cho một ý tưởng mà ông cũng đã đề xuất với tổng thống Mỹ và Pháp: Một ủy ban độc lập cần đến Trung Quốc để làm sáng tỏ  nguyên nhân của sự lây lan virus ở thủ phủ Vũ Hán.

Paris và Berlin cho đến nay đã phản ứng với đề nghị này một cách dè dặt. Phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert nhấn mạnh rằng trước nhất là chống lại đại dịch, sau đó mới xử lý trách nhiệm – trong việc này, sự hợp tác quốc tế là rất quan trọng. Cho đến nay, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas chỉ mới lên tiếng cảnh báo về “vai trò mang tính xây dựng” của Trung Quốc  trong việc làm rõ vấn đề. Nhưng ngay trong chính trường Đức – bao gồm cả liên minh cầm quyền  – ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu tăng thêm áp lực đối với Bắc Kinh.

Phản ứng giận dữ từ Trung Quốc cho thấy chủ đề này nhạy cảm về mặt ngoại giao như thế nào: Hôm thứ Hai, Đại sứ Trung Quốc tại Úc Cheng Jingye đe dọa  rằng sẽ có “hậu quả nguy hiểm”, bao gồm cả việc tẩy chay hàng hóa Úc. Yêu cầu một cuộc điều tra là có “động cơ chính trị“. Úc từ lâu coi Trung Quốc như là đối thủ cạnh tranh trong khu vực Thái Bình Dương.

Lý do cho sự công kích của Úc là nghi vấn dai dẳng rằng virus corona chủng mới có thể đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Từ khi giả thuyết này được nuôi dưỡng trên tờ Washington Post – không lâu sau đó lại có thêm tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thì những phỏng đoán tương ứng không thể chấm dứt được.

Tờ báo nổi tiếng của Hoa Kỳ dựa vào các công văn trao đổi nội bộ của hai nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã đến thăm Viện Virus học Vũ Hán nhiều lần hồi tháng 1 năm 2018 và đã cảnh cáo về sự thiếu an toàn. Trong các báo cáo có nói cụ thể về việc nghiên cứu virus corona của dơi và nguy cơ xảy ra đại dịch.

Giả thuyết trên về phòng thí nghiệm đã bị phản đối kịch liệt ở Trung Quốc – và Hoa Kỳ đã không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào. Ông Yuan Zhiming, người đứng đầu Viện Virus học Vũ Hán (WIV) và giám đốc Phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia, đã cáo buộc những tuyên bố của hãng tin Reuters là “thâm độc” và “bịa đặt trên trời rơi xuống“.

Nhà nghiên cứu virus có trụ sở tại Vũ Hán, Shi Zhengli, nữ chuyên gia nghiên cứu về loài dơi, đã hoảng hốt phản ứng, kiểm tra lại nội bộ, nhưng không tìm thấy bằng chứng đáng ngờ nào. Mới đây, người đứng đầu Trung tâm Bệnh truyền nhiễm chủng mới tại Viện Vũ Hán nói với một nhà báo của Science American rằng, bà đã so sánh trình tự bộ gen mầm bệnh của người nhiễm Covid 19 với virus trong phòng thí nghiệm của mình – không có một sự trùng hợp với nhau.

Những ngờ vực không thể chấm dứt. Lý do là vì trong một thời gian dài, những tin tức về việc chống dịch coronavirus ở Trung Quốc đã mâu thuẫn với nhau. Các bác sĩ, những người đã báo động những nghi ngờ đầu tiên về virus ở Vũ Hán vào tháng 12 năm ngoái, đã bị chính quyền địa phương trừng phạt. Li Wenliang, một bác sĩ chết vì Covid 19, đã bị công an khiển trách với cáo buộc phát tán “tin đồn” về virus corona.

Sau đó trong tháng giêng, giới lãnh đạo cộng sản ở Bắc Kinh thay đổi đường hướng, họ thực hiện các biện pháp kiểm dịch quyết liệt và đáng chú ý trên toàn cầu. Nhà nước độc đảng hiện đang cố gắng đánh bóng hình ảnh của mình bằng việc cung cấp hỗ trợ khắp nơi trên thế giới.

Các chính trị gia ngoại giao Đức vẫn nghi ngờ những nỗ lực khổng lồ của Bắc Kinh đang quảng bá thanh danh của mình, đó hiện cũng là chủ đề của một báo cáo gây tranh cãi của EU. Trong đó đề nghị thành lập một ủy ban quốc tế gồm các chuyên gia để điều tra giả thuyết nêu trên về phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. “Một cuộc điều tra độc lập nhằm chấm dứt các thuyết âm mưu“, người phát ngôn về chính sách đối ngoại của nhóm nghị sĩ đảng SPD, Nils Schmid nói. Như vậy, ông ta đi xa hơn đường lối của Chính phủ Liên bang  Đức mà đảng của ông ta hiện đang liên minh cầm quyền. Như trong các trường hợp khác – ví dụ, dịch Ebola ở châu Phi – cộng đồng quốc tế có thể rút ra kết luận từ cuộc điều tra dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – để ngăn chặn và phòng chống đại dịch. “Điều này là vì lợi ích của tất cả chúng ta – bao gồm cả Trung Quốc“, chính trị gia đảng SPD nói.

Nhưng khi nào sẽ diễn ra cuộc điều tra? Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức, Nobert Röttgen, đang chờ đợi xem đường lối của Chính phủ Liên bang Đức. Hiện tại, Đức có những ưu tiên khác cao hơn là việc làm sáng tỏ câu hỏi về trách nhiệm. Nhưng chính trị gia này của đảng CDU cũng nói: “Tuy nhiên vào một thời điểm sau đó, phải có một cuộc điều tra quốc tế độc lập – chỉ với mục đích phòng ngừa dịch bệnh“. Người ta không nên để vấn đề này phục vụ “lợi ích của các quốc gia riêng lẻ” hay “các nhà thuyết âm mưu“.

Những tuyên bố của Trung Quốc về Vũ Hán có thể được tin cậy đến mức nào? Và liệu đã đủ hay chưa, khi Viện nghiên cứu ở Vũ Hán, hiện bị mang tiếng, tự mình thực hiện một cuộc điều tra nội bộ? Chuyên gia đối ngoại của đảng Xanh Omid Nouripour cáo buộc Trung Quốc hiện đang ngăn cản việc làm sáng tỏ. Do đó, Chính phủ Liên bang Đức phải “tham gia với những nước đang đòi hỏi Trung Quốc một sự minh bạch về nguồn gốc của virus“.

WHO đang ở giữa một cuộc đấu tranh diễn giải về việc ai biết? biết cái gì? và biết khi nào? Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc tổ chức này của Liên Hiệp Quốc thông báo về virus quá muộn. Ngay cả khi Trump muốn đánh lạc hướng khỏi những sai lầm của chính mình, nhưng không phụ thuộc vào chuyện đó, vai trò của tổ chức Liên Hiệp Quốc phải được nhìn thấy, chính trị gia về đối ngoại của đảng FDP, ông Bijan Djir-Sarai nói. Vai trò của WHO trong việc hành xử với Trung Quốc “phải được làm rõ hoàn toàn, nếu không tổ chức quan trọng này sẽ có vấn đề về uy tín lâu dài“, ông nói.

Một đảng viên của đảng Tự do Đức (FDP) với tư cách là thành viên của một phái đoàn FDP đã nhận được một sự tiếp đón lạnh lùng trong Ban Quốc tế của Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh vào mùa hè năm ngoái. Cho nên ông ta không hề ảo tưởng: Chỉ có áp lực quốc tế sẽ làm thay đổi cách thức lãnh đạo của Trung Quốc. Ông đã gửi thư tới Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas (đảng SPD) yêu cầu khẩn trương vận động cho một ủy ban điều tra độc lập – “và ủy ban này không được để cho WHO đứng đầu“.

Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Biên dịch)

Nguồn: https://www.spiegel.de/politik/deutschland/coronavirus-deutsche-aussenpolitiker-fordern-unabhaengige-untersuchung-in-wuhan-a-6b2d6869-35bc-4d27-85e2-f4b3c111b6a7?fbclid=IwAR1Z0JJq3xuiN-Xoie_irkhSvGdz_mX5iiUhYWjYq9N1rNDEneAdCMgWFdo

Kasse animation 7.8.2023