Vụ Hồ Duy Hải chưa hết xôn xao dư luận thì mới hôm nay 13-5-2020, Luật sư Trần Hồng Phong vừa cung cấp thêm một tình tiết mới có thể khẳng định sự vô tội của Hồ Duy Hải.
Theo luật sư, vết cắt trên cổ nạn nhân cho thấy hung thủ phải là người thuận tay trái, trong khi Hồ Duy Hải thuận tay phải…
Chiều 13/5, luật sư Trần Hồng Phong, người được gia đình tử tù Hồ Duy Hải mời trợ giúp pháp lý, cho biết đã gửi đơn và cung cấp chứng cứ mới nhất đến Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện KSND tối cao, TAND tối cao cùng các cơ quan báo chí.
Theo luật sư Phong, ngay sau phiên tòa giám đốc thẩm, ông cùng cộng sự đã rà soát lại hồ sơ vụ án và phát hiện ra thêm một tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải. “Đó là thông qua cơ chế hướng vết cắt trên cổ hai nạn nhân, cho thấy hung thủ sát hại hai nữ nhân viên chắc chắn phải là người thuận tay trái. Trong khi đó, gia đình tử tù Hồ Duy Hải khẳng định Hải thuận tay phải”, ông Phong cho biết.
Theo luật sư, trong các bản khai, khi thực nghiệm điều tra và trong kết luận điều tra, cáo trạng và các bản án (sơ thẩm, phúc thẩm) đều thể hiện Hải từ vị trí phía trước, dùng tay phải cầm dao cắt cổ hai nạn nhân – chắc chắn sẽ không thể gây ra được hướng vết cắt như ghi nhận trên thi thể hai nạn nhân.
“Nếu tình tiết hung thủ là người thuận tay trái được kiểm chứng và xác định (hoàn toàn có thể thực hiện một cách nhanh chóng, dễ dàng), thì đây chính là một chứng cứ ngoại phạm quan trọng của tử tù Hồ Duy Hải. Từ việc xem xét hướng của vết cắt trên cổ hai nạn nhân, hoàn toàn xác định được hung thủ thuận tay trái”, luật sư Phong nói.
Đề cập đến các tài liệu về pháp y đã được giáo khoa hóa và gần như đã trở thành một nguyên tắc được thừa nhận và thống nhất trên toàn thế giới, được áp dụng trong lĩnh vực y tế, khoa học hình sự, luật sư dẫn chứng: Nếu hung thủ là người thuận tay trái và thực hiện việc cắt cổ từ phía trước (đối diện) nạn nhân, sẽ gây ra vết cắt có hướng từ trái sang phải. Ngược lại, nếu hung thủ thuận tay phải sẽ gây ra vết cắt theo hướng từ phải sang trái.
Nếu hung thủ là người thuận tay trái và thực hiện việc cắt cổ từ phía sau (đứng sau lưng) nạn nhân, sẽ gây ra vết cắt có hướng từ phải sang trái. Và ngược lại, nếu hung thủ thuận tay phải sẽ gây ra vết cắt theo hướng từ trái sang phải.
“Trong vụ án này, hung thủ sát hại hai nạn nhân gần như chắc chắn phải là người rất thân quen hai nữ nạn nhân (đặc biệt là với nạn nhân Hồng), trong bối cảnh đã khuya, có ăn uống. Điều này cho chúng ta có hướng suy luận liên quan đến hai người là người yêu của nạn nhân Hồng khi đó là Nguyễn Mi Sol và Nguyễn Văn Nghị. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi trong hồ sơ vụ án không có thông tin xác định tình tiết ngoại phạm của hai người này”, luật sư nhận định.
Đại biểu Quốc hội đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam “vào cuộc” để giám sát tối cao đối với vụ án Hồ Duy Hải, theo truyền thông chính thống hôm 11/5/2020.
Tiến sĩ Luật Lê Thanh Vân, một Đại biểu Quốc hội thuộc tỉnh Cà Mau đã kiến nghị trực tiếp với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân như trên, báo Dân Trí, hôm thứ Hai đưa tin.
“Khi vụ án có nhiều thủ tục tố tụng bị vi phạm như vậy thì rất cần được điều tra lại,” báo Dân trí dẫn lời ông Vân.
Đại biểu Quốc hội này đã đề nghị xem xét, áp dụng quy định tại Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự về yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
Hôm 12/5, một thành viên ban lãnh đạo cấp cao Tòa án Nhân dân Tối cao được báo chí nhà nước dẫn lời trong một cuộc họp giao ban báo chí cùng ngày, tiếp tục khẳng định quan điểm của Tòa này về quyết định Giám đốc thẩm, cho rằng mặc dù có “sai sót“, “bản chất” tội phạm trong vụ án liên quan bị cáo Hồ Duy Hải là không thay đổi.
“Các cơ quan tố tụng có sai sót, chúng tôi đều nhìn thấy. Ví dụ như không kịp thời thu hồi cái thớt, con dao làm vật chứng là có sai phạm“, Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, ông Nguyễn Trí Tuệ, được báo mạng VOV nói.
“Việc chúng tôi không kịp thời thu lại cái thớt, con dao… thì tất cả các cơ quan tố tụng đều ghi nhận là có sai sót. Tuy nhiên, đối chiếu với các lời khai, chứng cứ để củng cố thì hội đồng thấy Hải không oan.
Bản chất của vụ án là hành vi phạm tội giết người của Hồ Duy Hải và Hội đồng thẩm phán xác định có sai lầm nhưng không làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ án, do vậy không hủy án“, ông Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, dư luận cho rằng ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án TAND Tối cao khi còn giữ chức vụ Viện trưởng VKSND Tối cao có quyết định không kháng nghị thì hiện nay lại ngồi vào vị trí hội đồng thẩm phán là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, ông Tuệ cho rằng, tố tụng giám đốc thẩm là giai đoạn đặc biệt. Chánh án, viện trưởng có quyền kháng nghị hoặc không kháng nghị nhưng vẫn được tham tham gia HĐXX của Hội đồng thẩm phán, không phải tiến hành tố tụng một lần mà có thể tiến hành tố tụng nhiều lần mà không vi phạm.
Ông Nguyễn Trí Tuệ cũng nói rằng sau phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, nhiều thành viên trong Hội đồng thẩm phán nhận được những tin nhắn đe dọa khủng bố, xúc phạm.
Cũng theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, mạng xã hội đang xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt về vụ án, kêu gọi chống phá hệ thống tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng từ Trung ương đến địa phương.
Ông nhấn mạnh rằng: “Nguy hiểm hơn nữa là một vài ĐBQH phát biểu không đúng những nội dung của vụ án, đưa ra những ý kiến chủ quan dựa trên những thông tin trên mạng xã hội làm cho vấn đề phức tạp thêm”.
Có lẽ ông Nguyễn Trí Tuệ ngụ ý đến ba vị đại biểu quốc hội đã có những phát biểu công khai là Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Lê Thanh Vân và Đại biểu Trần Trọng Nghĩa.
Hôm 12/5/2020 trên Facebook của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng xuất hiện một dòng trạng thái in đậm dòng chữ:“Tôi là Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, tôi đang rất lo sợ bị ông phó chánh an đe dọa…”
Thạc sỹ Hoàng Việt Giảng viên Đại học Luật đưa ra nhận định trên Facebook cá nhân của ông hôm 13-5-2020 rằng:“Sự đe doạ của Phó chánh án với đại biểu QH cho thấy nhiều người đại diện pháp luật lại không hiểu luật.”
ĐBQH Lê Thanh Vân cũng lên tiếng trên Facebook của mình:
“Tôi tìm mãi trong Hiến pháp cùng các đạo luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội nước ta, để tìm xem có quy định nào cho phép Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao được “kết tội” đại biểu Quốc hội là phát ngôn “nguy hiểm”, khi đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình không, nhưng tìm không ra. Phải chăng ông Nguyễn Trí Tuệ tự cho mình cái quyền nhân danh cơ quan xét xử để phán quyết ý kiến của đại biểu Quốc hội – người mà Hiến pháp trao sứ mệnh đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân?”
Cũng về các ý kiến trái chiều trong công luận, Tạp chí Tòa án nhân dân trích lời của Đại tá Nguyễn Minh Tâm ở Học viện Chính Công an nhân dân nói rằng: “Tôi thấy rằng tình trạng “trong nghiêm ngoài phá” như hiện nay chắc chắn đang có sự lợi dụng của các thế lực thù địch bên ngoài. Thậm chí, có cả ĐBQH và 2 nhà báo tự do bị lợi dụng để cung cấp thông tin ra ngoài một cách phiến diện.”
“Điển hình nhất là trường hợp Tr.C.H.D (tức Trương Châu Hữu Danh)- người đã đã theo vụ này ngay từ đầu khi vụ việc xảy ra. Trên mạng xã hội, người này viết rất nhiều các tiêu cực, anh ta coi mình là nhà báo tự do và tung tin bịa đặt theo hướng có lợi cho bị cáo.” Đại tá Nguyễn Minh Tâm nói.
Ông cũng cho rằng “có những ĐBQH không phải chuyên ngành luật, không nắm rõ về hồ sơ vụ án mà vẫn lên tiếng đánh giá, chưa kể những nhận định đưa ra sai hoàn toàn so với thực tế, điều này rất nguy hiểm.”
Đại tá Nguyễn Minh Tâm còn đề nghị phải báo cáo trực tiếp cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị về vụ án và cả vấn đề truyền thông hiện nay.
Hôm 07/5, báo Thanh Tra tường thuật quan điểm của Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, nói về vụ án:
“Có những cái sai phải sửa, vì nếu sai mà không sửa thì đó là sự méo mó của nền tư pháp… mấu chốt nhất trong vụ Hồ Duy Hải là vấn đề chứng cứ.
“Một nguyên tắc rất cơ bản của pháp luật hình sự của mọi quốc gia văn minh là phải đủ chứng cứ mới buộc tội. Hiến pháp, Bộ Luật Hình sự của chúng ta cũng quy định như vậy.
Tờ báo dẫn lời Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam, ông Lưu Bình Nhưỡng, cho rằng có những trường hợp đã bị “bịt” khiến tòa án không thể phát hiện được.
“Quá trình điều tra, quá trình làm hồ sơ, người ta đã làm quá “tròn”, thậm chí tìm mọi cách để “bịt” rồi…
“Khi tôi còn là luật sư, đi bào chữa, có những bản án viết như vỡ lòng, rất buồn. Quyền lợi bị xâm phạm, tội phạm bị bỏ lọt thì đương nhiên người ta tiếp tục phải khiếu nại thôi”, ông Nhưỡng cho hay,” báo Thanh Tra dẫn lời của ông Lưu Bình Nhưỡng.
Hôm 12/5, Đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông Trương Trọng Nghĩa, cũng được báo chí Việt Nam tường trình nói ‘sẽ đưa vụ án Hồ Duy Hải lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội’.
“Theo luật định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể có ý kiến với Tòa án Nhân dân Tối cao hoặc có thể đề xuất Quốc hội giám sát tối cao việc xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Đây là những vấn đề sẽ do Quốc hội quyết“, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa được tờ Tiền Phong Online dẫn lời nói.
LUẬT SƯ ƠI, CỨU CON! – Là tựa đề bài viết của Luật sư Nguyễn Văn Đạt, người bào chữa cho Hồ Duy Hải ở phiên phúc thẩm, đã đăng trên Báo Đất Việt và Báo An Giang Online, hiện đường dẫn đã bị xoá.
“Có vụ án thật kỳ lạ. Kỳ lạ đến mức làm cho những người tham gia nghĩ rằng tòa chỉ muốn kết án cho xong việc và bị cáo dường như bị sắp xếp để chết thay cho hung thủ thực sự.” Luật sư Nguyễn Văn Đạt kể lại.
“Hai lần đầu gặp trong trại tạm giam của Công an tỉnh Long An, dù tôi đã thuyết phục, thậm chí có khi như năn nỉ, Hải chỉ lặng câm, không một lời nói, mắt luôn hướng về hai chiến sĩ đang giám sát sự tiếp xúc của luật sư với bị can đầy lo sợ. Lẽ thường, bị can phải tranh thủ thời gian gặp ngắn ngủi để trình bày sự thật, hoặc thanh minh với hy vọng luật sư sẽ giúp mình vô tội hay giảm nhẹ tội, nhưng đây chỉ là sự im lặng! Nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, tôi thấy có nhiều sai sót, mâu thuẫn. Chẳng hạn, kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Tỉnh Long An khẳng định: “Các dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”.
Vậy đó là vân tay của ai? Ai mới là hung thủ thật sự? Vì sao cơ quan điều tra không truy tìm trong tàng thư căn cước để tìm chủ nhân của dấu vân tay để lại hiện trường? Hay như, con dao, cái thớt được cho là hung khí gây án cũng không được thu giữ, dù khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra làm khá kỹ (thu được cả những sợi tóc, cọng bún, hạt cơm khô, vết máu…), để rồi đến 5 tháng sau mới cho người đi mua về để mô phỏng tang vật, thậm chí còn sửa chữa kích thước con dao trong biên bản ghi lời khai của một nhân chứng, để làm cơ sở kết tội Hải… Những mâu thuẫn, sai sót đó, cùng với sự im lặng bất thường của bị can càng thôi thúc tôi muốn tìm hiểu sự thật vụ án.
Tôi trở lại gặp Hải lần thứ ba. Động viên, giải thích, thuyết phục mãi, thậm chí có lúc phải dọa: “Cháu không nói ra, thì sẽ bị tử hình mà không ai cứu được”, Hải mới nói được mấy câu: “Con không giết người. Con không làm gì cả. Oan con lắm. Luật sư ơi, cứu con”. Rồi đột nhiên, mặt mày Hải nhăn nhúm lại như phải chịu đau đớn tột cùng vì một tác động từ đâu đó.
Nhiều lần gặp Hải trong trại tạm giam sau đó đều tương tự như thế. Những lời kể lõm bõm, nhỏ giọt, ánh mắt thất thần, hãi hùng, lo sợ cho tôi cảm nhận dường như Hải không dám nói ra sự thật vì sự đe đọa nào đó.
Tôi chuẩn bị thật kỹ hồ sơ cho ngày xét xử sơ thẩm cuối tháng 11 năm 2008. Điều lạ là, dù gia đình bị cáo Hải đã nhờ tôi làm luật sư bào chữa, nhưng tại tòa vẫn có thêm một luật sư được chỉ định bào chữa cho Hải. Dù đây là việc vi phạm tố tụng, nhưng tôi thầm nghĩ, dù sao có đồng nghiệp hỗ trợ vẫn hơn và yên tâm trình bày phần bào chữa trong đó nêu ra 41 điểm sai sót trong quá trình điều tra, truy tố và khẳng định cơ quan điều tra đã suy diễn dựa vào hiện trường và lời khai của bị cáo, dù lời khai đó có nhiều điểm không phù hợp với thực tế khách quan vụ án, đồng thời đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án, điều tra lại để xác định chính xác hung thủ, không để oan sai cũng như lọt tội.
Đại diện VKS hôm đó, không tranh luận mà chỉ đọc lại cáo trạng, đồng thời cũng thừa nhận có nhiều sai sót nhưng “không thể làm lại nữa vì đây là án điểm, thời gian kéo dài lâu, dư luận bức xúc”! Điều lạ và thật lạ là, luật sư đồng nghiệp được chỉ định bào chữa cho Hải, chẳng những không bào chữa mà mau mắn nhận tội thay thân chủ và chỉ mong được giảm án từ tử hình xuống còn chung thân trong khi chính bị cáo lại kêu oan tại Tòa!
Giờ giải lao, trước khi tranh luận, tôi có trao đổi với luật sư này những nội dung mâu thuẫn, sai sót, vi phạm, thì bất ngờ vị này thốt ra: “Ông nói gì được thì nói, ở đây tôi bị kẹt (?!)”.
Chưa hết, sau phần trình bày của tôi, luật sư đồng nghiệp còn “buộc tội” than chủ khi cho rằng “Dấu vân tay của bị cáo không trùng với vân tay thu được tại hiện trường thì bỏ không sử dụng chứ đâu có gì (!?)” Rồi hội đồng xét xử cũng bỏ qua những sai phạm trong điều tra, truy tố để tuyên tử hình bị cáo.
Đến khi xét xử phúc thẩm cũng thế, dù thừa nhận có nhiều thiếu sót của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng vẫn kết án tử hình Hồ Duy Hải.” Luật sư Nguyễn Văn Đạt nói.
Thông tin hôm 14.5.2020 cho biết thêm ” Yêu cầu xem xét lại vụ xét xử tử tù Hồ Duy Hải đã được các Đại biểu Quốc hội Việt Nam chuyển tới văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng”.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)