Vụ Hồ Duy Hải và kế hoạch “VE SẦU THOÁT XÁC” của hung thủ

Sau khi Luật Trần Hồng Phong công bố tình tiết mới được xem là căn cứ ngoại phạm cho Hồ Duy Hải, thì những bí ẩn của vụ án vẫn chưa thật sự đã hết bất chấp phán quyết cuối cùng đã được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đưa ra khiến dư luận trở nên dậy song.

Luật sư Trần Hồng Phong đã gửi kiến nghị cho rằng hung thủ là kẻ thuận tay trái căn cứ vào kết quả giám định Pháp y với vết cứa cổ nạn nhân, trong khi đó gia đình Hồ Duy Hải nói chắc chắn là Hải thuận tay phải.

Vụ án Bưu Điện Cầu Voi lại nóng lên bởi sự kiện nghi can Nguyễn Văn Nghị sinh năm 1979 ở Cai Lậy Tiền Giang, được xác định suốt 12 năm nay bỗng biễn mất, thay vào đó một người tên Nguyễn Hữu Nghị với năm sinh 1984 và nơi cư ngụ là Tân An Long An cũng khác hẳn.

Rất nhiều người bắt đầu tin rằng hai người này không phải là một, và dường như Hồ Duy Hải đã suýt nữa trở thành hình nhân thế mạng cho một sát thủ chưa lộ mặt. Facebook Đỗ Ngà có bài phân tích ngắn với tựa đề: VE SẦU THOÁT XÁC, nội dung như sau:

Ban đầu nhân chứng tên Nguyễn Thị Loan tố cáo Nguyễn VĂN Nghị. Thế nhưng công an điều tra lại mời Nguyễn HỮU Nghị lên làm việc chứ không mời Nguyễn VĂN Nghị. Và tất nhiên Nguyễn HỮU Nghị có đầy đủ chứng cứ ngoại phạm thật. Và anh ta đã được thả. Đây là bước đầu của kế “ve sầu thoát xác“.

Đến 12 năm sau, khi mà tòa án tối cao mở phiên giám đốc thẩm thì Ban bồi thẩm này đã cho ra bản kết luận rằng, theo kết quả làm việc của công an điều tra tỉnh Long An thì “Nguyễn VĂN Nghị” không liên quan đến vụ án. Tức họ đã lấy kết quả ngoại phạm của Nguyễn HỮU Nghị gán cho Nguyễn VĂN Nghị. Thế là Nguyễn VĂN Nghị vô can.

Lấy chứng cứ ngoại phạm của kẻ có tên gần giống nghi phạm chính rồi đánh tráo đối tượng. Thế là nghi phạm chính thoát. Kế ve sầu thoát xác này quả là vô cùng công phu. Nó kéo dài ròng rã 12 năm và cấu kết hoàn hảo liên thông từ địa phương đến trung ương. Ghê thật! Vậy Nguyễn VĂN Nghị là ai mà chúng nó phải phối hợp bài bản, công phu, nhịp nhàn và và quy mô đến vậy?” Facebook Đỗ Ngà kết luận với một câu nghi vấn khác.

Nhà báo Luật gia Trần Đình Thu cũng đồng ý kiến với Facebook Đỗ Ngà với dòng trạng thái in đậm: “Một chiến dịch “ve sầu thoát xác” cho Nguyễn Văn Nghị từ 12 năm trước? Bằng cách nào? Một là – dùng địa chỉ giả trong hồ sơ, Hai là – hủy toàn bộ hồ sơ tại địa phương?”

Ảnh 1: Đại tá Phạm Thanh Tâm (bên phải)- Phó Giám đốc Công an tỉnh Long an, với lời khẳng định là không có nghi can nào tên Nguyễn Văn Nghị mà chỉ có Nguyễn Hữu Nghị với căn cứ ngoại phạm, tuy nhiên ông không giải thích vì sao hồ sơ vụ án sử dụng tên Nguyễn Văn Nghị và Bản án sơ thẩm cũng như rất nhiều bài báo đã mô tả về nghi can Nguyễn Văn Nghị với năm sinh 1979 cư trú trại Cai Lậy Tiền Giang, thay vì Nguyễn Hữu Nghị sinh năm 1984 cư trú ở Tân An Long An

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh tổng hợp một loạt sai sót về tên người dựa trên những văn bản chính thức của cơ quan Công an tỉnh Long an chỉ riêng cho vụ án này, rất kỳ lạ, nhưng kỳ lạ hơn là Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm lại vẫn xem là bình thường.

1-Lệnh bắt ghi là NGUYỄN Duy Hải nhưng lại còng HỒ Duy Hải, thì cũng là Hải. Không thể hiểu vì sao lệnh bắt người lại ghi nhầm họ.

2- Cơ quan điều tra Long an lấy 4 chiếc nhẫn của Hồ Thị Thu Thủy (em gái Hồ Duy Hải) đưa vào làm tang vật “khám xét thu giữ” phục vụ điều tra – thu ở đâu thì thì cũng là nhẫn vàng. Có vẻ như với Công an Long an, miễn sao cứ vàng là được.

Khi trả lại tang vật người nhận lúc ghi là Nguyễn Thị Loan – lúc lại ghi Nguyễn Thị KIM Loan, thì cũng là bà Loan.

3-Xe đi gây án đậu một chỗ là 62F6-0842, di chuyển nhảy số 62F5-0842 – thì cũng là xe 0842.

4-Công an nói rõ có người bị mời là Nguyễn Hữu Nghị, khi xử giám đốc thẩm 17 anh ra bản án nêu là Nguyễn Văn Nghị – thì cũng là anh Nghị…

5-Một chi tiết lạ lùng hơn là Cáo trạng ghi ngược với lời khai của nhân chứng. Trong khi nhân chứng Đinh Vũ Thường ghi lời khai rằng“Không nhìn rõ khuôn mặt của người thanh niên, không thể nhận dạng chính xác” thì trong Cáo Trạng phiên dịch thành “Nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy bị can Hải ngồi trong bưu điện (nơi xảy ra vụ án) lúc 19h39’”.

Nói chung, có sai sót tất cả, nhưng bản chất không thay đổi.

Nói chung, bản chất 17 anh đều không thể thay đổi…

Ảnh 2: hình bên trái là văn bản của Cơ quan điều tra tỉnh Long an xác định từ năm 2016 rằng không có ai tên Nguyễn Văn Nghị mà chỉ có Nguyễn Hữu Nghị. Hình bên phải là tên Nguyễn Văn Nghị trong bản án Giám đốc thẩm vừa được tuyên bố.

Nhà báo Trần Đình Thu cũng đưa ra điểm vô lý đến mức khó tin nhưng không hiểu tại sao Hội Đồng xét xử giám đốc thẩm lại cho qua.

Đó là tấm thớt dính đầy máu và lời khai rằng nạn nhân bị đập đầu. Ông viết rằng:“Một tấm thớt lăn lóc trong hiện trường và chắc chắn dính đầy máu không thể không làm công an quan tâm. Tấm thớt này nhất định phải được thu giữ lúc đó và được lấy dấu vân tay kỹ càng.

“Nhưng hôm kia ông Nguyễn Hòa Bình nói là điều tra viên không biết đó là hung khí nên không thu giữ. Cho đến hơn 2 tháng sau khi bắt được Hồ Duy Hải rồi lấy lời khai mới biết đó là hung khí. Các ông nghĩ người dân là con nít hay sao? Các ông quá coi thường nhân dân rồi. Sự thật là gì? Đó là do phải tráo Hồ Duy Hải để giải thoát cho Nguyễn Văn Nghị nên mới có việc tiêu hủy các vật chứng đó mà thôi. Ông Nguyễn Hòa Bình à, cả một lực lượng cán bộ điều tra hùng hậu của một tỉnh điều tra một vụ án kinh hoàng như vậy mà không thu giữ chiếc thớt thì xin lỗi nói có chó nó tin chứ người chả ai tin đâu ông nhé.”

Trong một tình tiết khác được nhà báo Trương Châu Hữu Danh cùng nhóm Báo Sạch đã phân tích và tiến hành thực nghiệm điều tra độc lập nhà báo Trần đình thu viết:

“CÁO TRẠNG BIẾN HỒ DUY HẢI THÀNH “THÁNH CHẠY XE” KHI PHẢI CHẠY VỚI TỐC ĐỘ GẦN 300KM/H ĐỂ ĐI GIẾT 2 CÔ GÁI

Theo cáo trạng thì trước khi chạy quãng đường 15 km đến bưu điện Cầu Voi thì Hải phải làm thêm 5 việc và tổng thời gian vừa làm 5 việc ấy vừa chạy 15km hết 16 phút 21 giáy.

5 việc mà Hải làm trước khi chạy 15 km bao gồm:

1. Cầm đồ. Vật đi cầm là cái điện thoại, vào phải để cho chủ tiệm cầm đồ ngắm nghía săm soi rồi trả giá bên kia kỳ kèo thêm bớt xong tháo sim ra xong lấy tiền xong viết biên nhận… mất hết ít nhất 7 phút.

2. Chạy từ tiệm cầm đồ về nhà đổi xe. Mất ít nhất 2 phút.

3. Chạy tới quán cà phê rước bạn. Mất ít nhất 2 phút.

4. Chở người bạn này đến một quán cà phê khác. Mất ít nhất 1 phút.

5. Tới quán cà phê mới lấy tiền ra đưa cho bạn. Đưa tiền thì bên này hoặc bên kia phải đếm mất thêm 1 phút.

Như vậy 5 việc trên hết 13 phút.

Còn lại 3 phút 21 giây Hải phải chạy quãng đường 15 km.

Vị chi là Hải chạy xe tốc độ gần 300km/h để lao đến bưu điện Cầu Voi giết 2 cô gái trong điều kiện đường thị xã nhỏ xấu và ban đêm.

Ảnh 3: Nhóm báo sạch đã thực nghiệm tại hiện trường Bưu Điện Cầu Voi với cùng thời điểm mà Cáo trạng qui kết để thấy rằng Hồ Duy Hải bắt buộc phải chạy với tốc độ 300km/giờ mới kịp có mặt tại Bưu điện Cầu Voi để gây án

Một tình tiết mà cơ quan điều tra và Hội đồng xét xử bỏ qua nhưng nhà báo Trương Châu Hữu Danh vừa đưa phân tích với hình vẽ sơ đồ hiện trường cụ thể.

Tình tiết ấy như sau:“Bản án giám đốc thẩm bưu điện Cầu Voi nêu rõ, Vân kéo cửa cuốn xong thì đặt trái cây lên bàn salon và bị Hải giết. Sau đó, Hải phải trèo qua hàng rào (chúng tôi kiểm tra thực địa thì đó là cửa song sắt) ngăn giữa sân trước và sân sau, rồi lấy xe đi về.

Như vậy, Hải không có chìa khóa để mở vách ngăn này.

Trong khi bản án mô tả, Vân đóng cửa cuốn bên trong, thì chắc chắn Vân phải khóa cổng phía ngoài giáp với QL1A. Về tâm lý, không thể có chuyện tài sản (cái xe) còn ở ngoài sân mà không khóa cổng lại kéo cửa cuốn. Và nếu người bên trong không phải người thân quen, thì không thể có chuyện kéo cửa lại như thế.

Vậy thì, Hải trèo cửa ngăn xong (vì không có chìa khóa) thì Hải sẽ lấy xe ra bằng cách nào?

Xem xét nhiều bài báo khác nhau về vụ án này, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện đưa ra đề nghị cụ thể như sau:

CẦN KHỞI TỐ NGAY, ÍT NHẤT 5 VỤ ÁN ĐỂ LÀM RÕ MỌI CHUYỆN

1- Vụ án vi phạm nghiêm trọng pháp luật của phiên tòa Giám đốc thẩm.

2- Vụ án Che giấu tội phạm trong quá trình điều tra làm án và xử án sơ thẩm, phúc thầm và giám đốc thẩm.

3- Vụ án làm sai lệch hồ sơ: Hủy tang vật, làm sai quy trình và quy định về thu thập và xử lý hiện trường: hủy hung khí, không phân tích mẫu dịch và máu thu được tại hiện trường, trong khi đó lại mua dao thớt và ghế để làm tang vật, thu giữ tro đốt ngoài vườn nhà Hồ Duy Hải sau 2 tháng xảy ra vụ án để làm chứng cứ kết tội.

4- Vụ án các điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư, công an chết bất thường sau vụ án tổng cộng 6 người

5- Vụ án cung cấp tin không chính xác cho báo chí; định hướng dư luận. Trong đó cần phải lật lại vụ án nhà báo Hoàng Hùng (bút danh Nhã Phong) bị vợ phóng hoả đốt chết cháy trong một vụ án còn nhiều nghi vấn.

Ảnh 4: bản vẽ phân tích hiện trường Bưu điện Cầu Voi cho thấy Cáo trạng rất vô lý bởi khi cửa cuốn sập xuống thì dù Hải có đi cửa sau ra cũng không thể lấy xe đi về vì cửa ngoài đã khóa

Một nghi vấn mới lại gây “nổ cái đầu” của dư luận khi nhân vật mang tên Nguyễn Hữu Nghị đã khẳng định mình chưa bao giờ làm việc với Công an, không như lời đại tá Phạm Minh Tâm nói là đã làm việc và xác minh Hữu Nghị ngoại phạm.

Bài bình luận của nhà báo Trương Châu Hữu Danh mang tựa đề: TÔI VỪA TRÒ CHUYỆN CÙNG “NGUYỄN VĂN NGHỊ” với nội dung như sau: “Nhiều năm nay, dư luận cứ loay hoay với nhân vật “Nguyễn Văn Nghị, sinh năm 1978, ngụ Cai Lậy, Tiền Giang“. Nhân vật này xuất hiện ngay những ngày đầu xảy ra vụ án. Nhưng sau đó, trong hồ sơ không còn – nói đúng hơn là cơ quan tố tụng xác định không liên quan nên dẹp qua một bên.”

Tôi và nhiều anh em phóng viên cũng lần theo thông tin nhân thân của Nghị, nhưng nhân vật hoàn toàn biến mất. Trên mạng bắt đầu thêu dệt Nghị là cháu… PCT nước. Mãi đến đầu tháng 5/2020 thì một số đối tượng tung tin vịt Nghị là cháu nội trung tướng Nguyễn Việt Thành (Tư Bốn). Một số đối tượng hải ngoại còn nói Nghị ở Canada, số khác nói Nghị đã sang Mỹ.

Các thuyết âm mưu đều được kích hoạt hết công suất và không cơ quan nào đính chính.

Một lớp bụi bí ẩn liên tục được phủ lên nhân vật Nguyễn Văn Nghị, càng lúc càng dày.

Bài báo tương đối đầy đủ về Nghị đăng trên báo Công An Nhân Dân của tác giả Nhã Phong, với hành tung tương đối… đáng nghi. Nhiều người nói, anh Nhã Phong tiếp cận vụ án từ sớm và khá sâu nên sẽ có thông tin.

Tuy nhiên, không ai có thể hỏi thêm điều gì vì tác giả Nhã Phong… đã chết. Anh chính là nhà báo Hoàng Hùng (PV báo Người Lao Động, CTV của CAND – bút danh Nhã Phong), chết trong vụ án rúng động dư luận cũng xảy ra tại Long An: bị vợ đốt.

Những người có liên quan trực tiếp đến quá trình tố tụng giai đoạn đầu, trùng hợp, lại mất rất sớm. Vụ án vì vậy lại phủ thêm lớp màn bí ẩn.

Hôm qua, nhóm PV Dân Việt đã lần theo nhân vật Nguyễn Văn Nghị theo thông tin báo chí đưa mười mấy năm trước. Và hồ sơ 4.000 gia đình tại địa phương đã được lật tung. Kết quả: Không có ai là Nguyễn Văn Nghị SN 1978!

Cuối cùng nhân vật Nghị vụ Cầu Voi lại sinh năm 1984, và là Nguyễn Hữu Nghị, ngụ ấp Hòa Ngãi, xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An, Long An. Lớp màn phủ lên Nguyễn Văn Nghị 1978 đã được vén lên. Tuy nhiên, Nghị 84 lại không hề gốc gác gì. Nghị là con nhà nông dân, ở… sát nhà tui và con nông dân rặt luôn, không gốc gác gì hết. Ngày xảy ra vụ án, Nghị cũng bị mời.

Mọi thuyết âm mưu Nghị là con ông cháu cha đều phá sản.

Nghị học chung em gái tui từ lớp 1 tới cấp 2 luôn. Tui (Danh) biết Nghị khi tui học lớp 3 trường làng và Nghị học lớp… 1! Nếu tính đúng, thì tui quen biết Nghị đã 30 năm nay.

Vì ngay từ đầu xác định Nghị là 1978 và ngụ Cai Lậy nên mọi hướng xác minh đều chệch ra khỏi vụ án. Mọi thuyết âm mưu đều được bật lên. Cho đến ngày Dân Việt đi tận nơi “lùng sục” thì Nghị thật bất ngờ xuất hiện và làm chưng hửng tất cả mọi người.

Nghị sau vụ án vẫn sinh sống bình thường ở địa phương, bán bảo hiểm xe cơ giới ngay tại điểm đăng ký xe của Phòng CSGT Công an tỉnh Long An và khách mối khá nhiều vì Nghị vui vẻ, nhiệt tình.

Nếu nói gốc gác, thì Nghị không hề có chút số má gì, cũng gốc nông dân như tui và nhà cách nhà tui chừng 2km. Không có lý do gì để bao che Nghị…

CHIỀU NAY TÔI GỌI ĐIỆN THOẠI CHO NGHỊ, NGHỊ NÓI: “EM KHÔNG LIÊN QUAN GÌ ANH DANH ƠI. EM CHƯA TỪNG LÀM VIỆC GÌ VỚI CÔNG AN CẢ. NHIỀU NGƯỜI XƯNG LÀ BẠN ANH VÀ GỌI CHO EM, NHƯNG EM TRẢ LỜI EM KHÔNG BIẾT“.

Nhưng, vì sao có nhiều lớp màn bí ẩn phủ lên Nghị suốt 12 năm, để dư luận mãi tập trung vào một nhân vật rất bình thường như thế này, thì mỗi người sẽ tự nghĩ ra những thuyết âm mưu mới.

Tuy nhiên, sự xuất hiện bất ngờ của bản ảnh màu tấm thớt dính máu, rồi sự xuất hiện bất ngờ khiến xã hội bất ngờ đến mức chưng hửng, không hề vô ích.

Tôi biết, sự thật đang đến, rất gần, với điều kiện Bộ Công an và Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phải vào cuộc.

Cần lục lại tất cả những người bị / được mời trước đây, và làm lại toàn bộ. Việc “Nghị sinh năm 1978, cháu lãnh đạo cấp cao” tồn tại 12 năm nay và chưa từng được đính chính để giải oan cho lãnh đạo – gợi cho tôi những suy nghĩ khác.

Dẫu sao, lớp màn bí mật về Nghị thật cũng đã được giải mã. Những bức màn khác, rồi cũng sẽ được vén lên.

Ảnh 5: nhà báo Trương Châu Hữu Danh tại hiện trường Bưu Điện Cầu Voi để thực nghiệm điều tra căn cứ theo cáo trạng. Một điều trùng hợp là nhân vật Nguyễn Hữu Nghị ở Long an lại ở sát nhà Danh và học chung với em gái Danh.

Trong khi đó, Luật sư Ngô Ngọc Trai lý giải tại sao nữ thần Công lý lại bị bịt mắt và qua đó nhận định vì sao ở Việt nam lại thiếu vắng Công lý.

Hình tượng Nữ thần công lý trên thế giới có một dải băng che mắt, một tay cầm kiếm và một tay cầm cán cân công lý.

Lý giải tại sao Nữ thần lại bịt mắt người ta đã cho cách hiểu rằng đó là để nữ thần được công tâm.

Nữ thần không nhìn để không biết anh ăn mặc ra sao, kẻ giàu có hay nghèo hèn, kẻ quan chức hay người bình dân, người quen thân hay kẻ xa lạ.

Nữ thần bịt mắt để không thiên vị và nữ thần sẽ lắng nghe.

Nữ thần công lý làm việc bằng cách lắng nghe và sau khi lắng nghe các ý kiến Nữ thần sẽ thực thi công lý.

Nữ thần công lý bịt mắt và làm việc bằng đôi tai.

Theo đó sự lắng nghe là điểm quan trọng nhất để thực thi công lý.

Vậy nhưng xem ra lắng nghe lại đang là điểm yếu nhất của hệ thống tòa án ở Việt Nam.

Hệ thống tòa án là một bộ phận của một bộ máy nhà nước kém lắng nghe. Người ta chỉ muốn nghe những điều muốn nghe và không muốn nghe những ý kiến khác trái chiều.

Những tiếng nói phản biện trái chiều có thể bị quy chụp xử lý về tội chống đối.

Tại phiên tòa những lời nói khác của luật sư hay bị ngắt khi trình bày các lập luận. Thẩm phán chủ tọa thường lấy quyền điều khiển phiên tòa của mình để cản trở luật sư làm rõ các tình tiết của vụ án.

Lý do là bởi thẩm phán không đủ kiên nhẫn để lắng nghe, vì diễn tiến của việc hỏi và lập luận sẽ làm rõ và dẫn vụ án theo chiều hướng khác trái với hướng dự định của án bỏ túi.

Ở những nước có nền tư pháp văn minh tiến bộ, họ thiết lập hệ thống tòa án mà hoạt động của tòa hầu như không làm gì khác ngoài việc lắng nghe.

Bồi thẩm đoàn ở các phiên xét xử chỉ ngồi nghe, họ nghe bên công tố, nghe luật sư các bên đặt câu hỏi và trình bày lập luận.

Ngoài việc lắng nghe bồi thẩm đoàn không làm gì khác, sau khi lắng nghe bồi thẩm đoàn sẽ biểu quyết về vụ án.

Việc lắng nghe theo đó được coi trọng đúng như ý nghĩa hình tượng của Nữ thần công lý.

Còn ở VN năng lực lắng nghe của tòa án còn là một điểm hạn chế và tương ứng với nó là khả năng thực thi công lý.” Luật sư Ngô Ngọc Trai nêu nhận định.

Ảnh 6: hình ảnh cái cùm chân hiện nay vẫn sử dụng ở các nhà tù và trại giam của Việt nam. Sau khi bị tuyên án tử hình thì Hồ Duy Hải luôn luôn phải bị còng một chân như thế này ở trong buồng biệt giam, đến nay đã 12 năm như thế

Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)

Vụ Hồ Duy Hải: ‘Lộ diện’ N.V Nghị – tên thật là N.H Nghị

Kasse animation 7.8.2023