“Cuộc chiến” Mỹ – Trung quyết định tương lai thế giới

https://youtu.be/K4HpsMPM5vw
Link Video: https://youtu.be/K4HpsMPM5vw

Sắc lệnh cấm mọi giao dịch giữa mọi cá nhân, doanh nghiệp của Mỹ với tập đoàn ByteDance, công ty sở hữu ứng dụng TikTok, ứng dụng chia sẻ các video clip ngắn và tập đoàn Tencent, công ty chủ quản của ứng dụng WeChat, ứng dụng đa chức năng tại Trung Quốc với hơn 1 tỷ người dùng không chỉ khiến hai người khổng lồ công nghệ thông tin của Trung Quốc thiệt hại đáng kể mà còn khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ có mối quan hệ làm ăn với hai tập đoàn này cũng bị liên đới.

Apple, Disney, Ford, Intel, Morgan Stanley, UPS và Walmart đã cùng gọi điện đến các quan chức thuộc chính quyền ông Trump trong tuần trước, cảnh báo về các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy đến với lệnh cấm này.

Trong một cuộc họp qua video với các cố vấn của Donald Trump, đại diện các tập đoàn lớn của Mỹ đã cảnh báo nếu sắc lệnh nhằm loại WeChat, liên quan đến công ty mẹ Tencent, các tập đoàn Mỹ có thể sẽ phải bỏ thị trường Trung Quốc.

Apple sẽ không thể bán được iPhone ở Trung Quốc nếu không còn được cài đặt WeChat, ứng dụng được cả tỷ người Trung Quốc sử dụng. Trung Quốc là thị trường chiến lược của nhãn hiệu quả táo, chiếm từ 15% đến 20% số lượng hàng bán ra của Apple.

Nhiều công ty lớn không mấy liên quan đến công nghệ thông tin tham gia cuộc họp với các cố vấn như hãng xe Ford, tập đoàn bán lẻ Walmart hay giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA cũng tỏ lo lắng. NBA có thể phát sóng các trận đấu của mình ở Trung Quốc là nhờ những hợp đồng béo bở ký với Tencent. Những thương hiệu lớn trong lĩnh vực giải trí như Warner Music Group, Disney hay Riot Games đều ít nhiều có dính tới Tencent trong các hoạt động làm ăn ở Trung Quốc.

WeChat là một ứng dụng phải có tại Trung Quốc, với 1,2 tỷ người đang ngày ngày sử dụng nó như một trình duyệt web, một ứng dụng email, một ứng dụng mua sắm trực tuyến, thanh toán di động, và nhiều việc khác nữa.

Đây là một trong “big three” về ứng dụng của Trung Quốc có trên 1 tỉ người dùng và vươn ra được toàn cầu. WeChat với phiên bản sử dụng tại Trung Quốc đại lục là Weixin còn đáng nói hơn vì tính phổ cập “nhà nhà, người người dùng Weixin” để phục vụ những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng ngày như chat, thoại, mua hàng online, thanh toán không dùng tiền mặt…

Và tất nhiên với một thị trường 1,4 tỉ dân, nhu cầu tiêu dùng là rất lớn và cũng chính là thị trường béo bở mà các doanh nghiệp Mỹ không thể bỏ qua. Đơn cử, các hệ thống bán lẻ của Mỹ như Starbucks, Walmart, Apple… cũng chính là những thương hiệu phải phụ thuộc vào WeChat trong việc thanh toán không dùng tiền mặt từ khách hàng, hay việc tiêu thụ sản phẩm của người dùng.

Một điều tất yếu sẽ xảy ra là: Một khi việc thanh toán gặp khó khăn hoặc không thuận tiện, người tiêu dùng sẽ ngại mua hàng hoặc giảm mua hàng từ kênh đó. Đây chính là quan ngại của những thương hiệu như Ford, Starbucks, Walmart, Apple… đang kinh doanh tại Trung Quốc.   

Phạm vi của lệnh cấm của ông Trump đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng. Câu hỏi đặt ra là nó chỉ áp dụng ở Mỹ hay cho mọi giao dịch trên toàn cầu, bao gồm cả Trung Quốc?

Nếu việc cấm trên toàn thế giới xảy ra, nó có thể làm một thảm họa đối với Apple.

Việc cấm ứng dụng WeChat trong App Store trên toàn cầu có sẽ là một thảm họa đối với doanh số iPhone tại Trung Quốc. Apple đang có một thị trường dù đã giảm sút trong những năm gần đây nhưng vẫn còn đạt 44 tỉ USD doanh thu tại Trung Quốc. Trong đó, doanh thu từ iPhone chiếm tỉ trọng lớn nhất. “Nồi cơm” 44 tỉ USD của Apple sẽ bị đe dọa theo từng mức độ WeChat bị chính quyền Tổng thống Trump cấm cửa đến đâu.

Tuy nhiên, không chỉ doanh số của iPhone tại Trung Quốc có thể bị tác động bởi việc loại bỏ WeChat mà hậu quả của nó còn mang phạm vi rộng hơn. Nhà phân tích của TF International, Ming-Chi Kuo, mới đây đã dự báo doanh số toàn cầu của iPhone trong năm nay sẽ giảm từ 25-30% nếu Apple bị buộc phải gỡ bỏ WeChat khỏi App Store trên iOS. Kuo còn dự đoán doanh số toàn cầu giảm từ 15-25% đối với AirPods, iPad và Apple Watch nếu chính quyền Trump cấm WeChat trên App Store.

Trên website blog Weibo của Trung Quốc, trong 1,2 triệu người khi được khảo sát và đề nghị chọn giữa WeChat và iPhone, có đến 95% trả lời sẽ từ bỏ iPhone chứ không bỏ WeChat. Tức là người Trung Quốc sẵn sàng chọn tiện ích siêu ứng dụng phục vụ cuộc sống hàng ngày của họ là WeChat và chấp nhận chuyển đổi sang sử dụng thương hiệu điện thoại khác cho phép tải, cài đặt và kích hoạt sử dụng ứng dụng WeChat.

Apple bắt đầu bán iPhone ở Trung Quốc từ năm 2009, và kể từ đó, hãng đã bán được 210 triệu máy tại đây. Tính đến tháng 06, 20% người dùng smartphone Trung Quốc đang dùng iPhone, so với 26% sử dụng Huawei. Trung Quốc vẫn là thị trường smartphone lớn nhất thế giới, và do đó nó vẫn là một khu vực quan trọng với Apple. Trong năm tài chính vừa rồi, Trung Quốc Đại lục đóng góp 17% vào tổng doanh thu của Apple, tương đương 43,7 tỷ USD. Ngoài ra, cứ mỗi 4 USD mà người tiêu dùng bỏ ra cho một sản phẩm hay dịch vụ của Apple, thì có 1 USD đến từ người tiêu dùng ở Trung Quốc Đại lục.

Nếu Apple bị buộc phải ngừng cung cấp WeChat, nhiều công ty châu Á khác sẽ nhanh chân nhảy vào chiếm lấy miếng bánh béo bở, bao gồm đối thủ Huawei, Xiaomi, Oppo và Vivo.

Trước đó, cuộc chiến 5G với Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, cũng đã và đang khiến nước Mỹ phải trả cái giá đắt đỏ.

Ảnh: Biểu đồ thống kê số người dùng ứng dụng WeChat từ quý 2/2018 đến quý 2/2020

Từ năm 2012, Huawei đã bị Washington coi là mối đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Những tháng gần đây, ngoại giao Mỹ đôn đáo thuyết phục các đồng minh gạt tập đoàn Trung Quốc ra khỏi các dự án triển khai mạng viễn thông 5G và Washington đã thành công với Luân Đôn và nhiều đồng minh khác.

Trong lĩnh vực điện thoại thông minh, năm 2019 Huawei đã buộc phải rút khỏi các điện thoại của họ một số ứng dụng của Google. Thế nhưng điều đó không ngăn được tập đoàn Trung Quốc vươn lên thành nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, theo các số liệu được văn phòng chuyên theo dõi thị trường công nghệ cao và điện thoại thông minh Canalys công bố hôm 30/07/2020.

Từ khi các trừng phạt mới của Mỹ được đưa ra, Huawei bị buộc không được sử dụng các linh kiện, phần mềm liên quan đến công nghệ Mỹ, đặc biệt là các chíp Kirin. Đây là một đòn đau đối với tập đoàn Trung Quốc, vì đó là linh kiện chủ chốt giúp điện thoại của Huawei có thể cạnh tranh về tính năng sản phẩm với Samsung hay Apple.

Thế nhưng trong « chiến thắng » này của Mỹ, cả hai bên đều có nạn nhân. Nhà chế tạo linh kiên điện tử Qualcomm ý thức được rất rõ điều này. Hãng đã cố gắng thuyết phục Nhà Trắng để có thể tiếp tục được cộng tác với Huawei. Lập luận của Qualcomm là các trừng phạt của Mỹ làm hãng bị thất thu không dưới 8 tỷ đô la.

Nhiều ông lớn trong ngành công nghệ khác của Mỹ cũng có lý do phải lo lắng : 25% đến 30% thu nhập của Intel hay Nvidia là từ các đơn hàng của Trung Quốc. Không công ty nào trong số này lại muốn thấy thị trường này bị đóng cửa. ST Microelectronics, một tập đoàn của châu Âu cũng không khá hơn, đã thừa nhận là các trừng phạt đối với Huawei ảnh hưởng đến hoạt động của họ.

Theo một thăm dò do Phòng Thương mại Mỹ – Trung hôm 11/08 gửi đến 100 công ty thành viên của hiệp hội, 86 % trong số này nhận thấy những căng thẳng Mỹ – Trung đã tác động xấu đến các hoạt động kinh doanh của họ.

Những quyết định cứng rắn trên của chính quyền Tổng thống Trump là một phần trong một chiến lược đầy tham vọng có tên gọi là « mạng sạch – Clean Network ». 

Ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

Được Ngoại trưởng Mike Pompeo giới thiệu hồi giữa tháng 08, chiến lược này nhằm vào toàn bộ hệ thống hạ tầng cơ sở và nội dung internet, từ mạng 5G đến các ứng dụng di động và cả hệ thống cáp ngầm dưới biển.

Theo quan điểm của chính quyền Mỹ hiện nay, một mạng internet « sạch » là một mạng không có sự hiện diện của Trung Quốc trong đó. Ông Mike Pompeo đã tóm tắt mục tiêu là « xây dựng một pháo đài xung quanh hệ thống dữ liệu của các công dân chúng ta sẽ giúp bảo đảm an ninh quốc gia ».

Theo RFI, thực chất, chiến lược này của Washington chính là những gì mà Bắc Kinh Kinh đã áp dụng từ hơn chục năm nay để kiểm soát mạng thông tin trong nước. Từ đầu những năm 2010, Trung Quốc đã dựng « tường lửa » để lọc các nội dung thông tin đưa vào Trung Quốc. Facebook bị cấm từ 2009. Google cũng rút khỏi Trung Quốc từ năm 2010. Trong điều kiện như vậy, Tencent và ByteBance đã phát triển được một mạng lưới thông tin số lớn mạnh như bây giờ. Trong 10 ông lớn công nghệ số của thế giới hiện tại thì có tới 8 tập đoàn của Trung Quốc. Khi những con rồng mới trong ngành công nghệ số đó tấn công vào thị trường Mỹ, thì như một phản ứng tự vệ, thị trường này phải đóng cửa để không chỉ bảo vệ doanh nghiệp trong nước mà quan trọng hơn là còn bảo vệ an ninh quốc gia đúng như những gì ông Trump đã trả lời các phóng viên trong một cuộc họp báo mới đây tại Nhà Trắng. Khi được phóng viên của trang Bloomberg hỏi về tác động của lệnh cấm WeChat, ông Trump đã đặc biệt nhấn mạnh đến các mối lo ngại về an ninh quốc gia và đối với các mối lo ngại của Apple, câu trả lời của ông chỉ đơn giản là “Sao cũng được“.

Washington tìm cách thuyết phục các nước khác cùng tham gia vào chiến dịch « làm sạch mạng » này. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã từng tuyên bố : « Hoa Kỳ kêu gọi các đồng minh và các đối tác chính phủ, công nghiệp trên toàn thế giới gia nhập làn sóng triều dâng nhằm bảo vệ các dữ liệu thông tin của chúng ta trước sự theo dõi của Đảng Cộng sản Trung Quốc và của những thực thể có tâm địa xấu. »

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam có “thỏa thuận ngầm” nhường Hoàng Sa cho Trung Quốc?

>>> Gọi Tập Cận Bình là “trùm mafia” – Cựu giáo sư trường Đảng bị khai trừ

>>> Siết Huawei – Trump „thắt“ dần cổ Tập

https://www.youtube.com/watch?v=jZQEzj3Qp0o
VN có “thỏa thuận ngầm” nhường Hoàng Sa cho TQ?