Nhà nghiên cứu chính sách công, PGS.TS Phạm Quý Thọ (nguyên Trưởng khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trước thềm Đại hội 13 đã tái khẳng định chuyển đổi dân chủ là một quá trình mang xu hướng tất yếu cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, để đạt được tăng trưởng bền vững trong dài hạn, một việc làm cấp thiết là Việt Nam cần phải nghiên cứu vận dụng quá trình chuyển đổi dân chủ một cách thiết thực, tránh ý thức hệ giáo điều.
Theo ông Thọ, thực tế ở nhiều quốc gia đang phát triển và các công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng dân chủ có liên quan chặt chẽ với phát triển bền vững.
Nhiều nghiên cứu lý luận và thực tế về mối liên hệ giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế trong các quốc gia mới nổi, đặc biệt ở châu Á, cho thấy rằng quá trình tăng trưởng cao trong một thời kỳ có thể sẽ đạt “điểm tới hạn”, sau đó sẽ giảm dần, và sự chuyển đổi dân chủ có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm mô hình thay thế để tăng trưởng bền vững.
Ông nhấn mạnh, quá trình dân chủ hoá đem đến sự ổn định thực chất và phát triển bền vững trong dài hạn. Cân nhắc tình hình cụ thể của Việt Nam, có thể vận dụng mối liên hệ giữa dân chủ và tăng trưởng để đánh giá giai đoạn tăng trưởng theo chiều rộng và tìm kiếm mô hình tăng trưởng bền vững, trong đó chuyển đổi dân chủ cần được xác định là một trụ cột quan trọng để cải cách.
Trong những năm thập niên 1990 đã từng có nhận định lạc quan rằng Việt Nam có thể trở thành “hổ” khi đạt tăng trưởng kinh tế tương đối cao, tăng GDP trung bình năm trên 7%. Hơn thế, quá trình này được hỗ trợ bởi các cải cách quan trọng về thể chế và chính sách, đơn cử như ban hành các luật doanh nghiệp, luật đầu tư nước ngoài… để hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, như gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO…
Thế nhưng thực tế đã diễn ra không như kỳ vọng khi mà hiện nay Việt Nam bị tụt hậu về kinh tế so với các nước trong khu vực, các quốc gia ASEAN.
Theo các chuyên gia, sự chậm chạp cải cách do bị níu kéo bởi ý thức hệ giáo điều là nguyên nhân quan trọng của tình hình này. Quan điểm kinh tế nhà nước nắm “vai trò chủ đạo” đã dẫn đến sai lầm của chính sách tăng trưởng nóng vội dựa vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Hậu quả nặng nề là sự sụt giảm tăng trưởng và bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài hơn một thậm niên sau đó, thậm chí cho đến nay chưa khắc phục xong, điển hình là 12 đại dự án nhà nước làm ăn thua lỗ và xây dựng dở dang kéo dài nhiều năm, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế…
Ông Thọ tiếp tục khẳng định chuyển đổi dân chủ là con đường tất yếu cho Việt Nam nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đã trải qua thời kỳ tăng trưởng cao nhờ những cải cách chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường.
Ông Lê Thân, Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng ở Sài Gòn, trong một bài viết đăng trên BBC vào tháng 11/2019, đã từng bày tỏ những quan điểm tương tự. Ông viết:
“Thực tế lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới cho thấy có nhiều con đường khác nhau để phát triển, nhưng trong đó nổi rõ có hai con đường chủ yếu:
– Phát triển bằng thể chế dân chủ và tự do, dựa chính vào nhân tố con người. Người ta thường gọi đó là “con đường dân chủ”.
– Phát triển bằng sự tập trung quyền lực, toàn trị, mệnh lệnh, mất dân chủ và thậm chí kể cả độc tài. Người ta còn gọi đó là “con đường chuyên chính”.
Cả hai con đường đó đều có thể phát triển. Một bên dựa chính vào nhân tố động lực con người, còn bên kia thì dựa chính vào khả năng tập trung nguồn lực và quyền lực. Và đương nhiên con đường nào cũng đều có những gian khổ, chông gai, đừng nghĩ con đường nào là bằng phẳng, dễ dàng và chỉ có ưu điểm.
Phương Tây ngày nay rất nhiều nước phát triển theo con đường thứ nhất.
Phương Đông trước kia nhiều nước đi theo con đường thứ hai, nhưng thời kỳ sau đó đã có một số nước chuyển đổi theo con đường thứ nhất và họ đã thành công. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan là loại nước và vùng lãnh thổ kiểu đó.
Liên Xô trước đây cũng như Trung Quốc ngày nay đã có những thành công nhất định theo con đường thứ hai
Cả hai nước này thì Liên Xô đã từng và Trung Quốc ngày nay đang trở thành nước có nền kinh tế thứ nhì thế giới nếu tính theo tổng sản phẩm quốc nội.”
Tuy nhiên, ông nhận định sự phát triển theo con đường thứ nhất tức phát triển bằng thể chế dân chủ và tự do, dựa chính vào nhân tố con người mới bền vững, nhân dân hạnh phúc hơn vì có tự do, dân chủ, vấn đề con người được đặt vào vị trí trung tâm…
Ông đề xuất một lối loát cho Đảng – đó là dân chủ hóa: “Đi theo con đường dân chủ, Đảng không thoái hóa mà lại trưởng thành, tốt hơn, dương cao ngọn cờ dân chủ và xứng đáng với ngọn cờ ấy là con đường để Đảng trường tồn cùng với sự phát triển của dân tộc và đất nước.”
Facebooker Dương Quốc Chính thì dự đoán con đường dân chủ cho Việt Nam sẽ theo một quy trình như các nền dân chủ phương Tây. Tức là dân chủ sẽ phải có cho tầng lớp tinh hoa trước, dần dần mở rộng cho tầng lớp trung lưu, rồi tới toàn dân.
Ông phân tích: Ở Anh và Mỹ thì chủ nghĩa tư bản phát triển rất sớm nhờ vào tầng lớp thương gia được tự do kinh doanh, từ đó xây dựng nên tầng lớp trung lưu đông đảo và họ đã gây sức ép lên chính quyền để ép buộc chính quyền phải chia sẻ quyền lực cho nhân dân.
Cụ thể, ở Anh, thế kỷ 13, giới quý tộc đã đòi chia sẽ quyền lực với nhà vua, để lập nên Nguyên lão nghị viện, tiền thân của Thượng viện. Kể từ đó, giới quý tộc và tăng lữ mới được dân chủ, còn giới bình dân chưa được. Đến thế kỷ 17, sau cách mạng công nghiệp thì có cách mạng tư sản, giới bình dân mới ngoi lên đòi quyền bình đẳng, để rồi xuất hiện Viện thứ dân, tiền thân của Hạ viện Anh bây giờ.
Nhưng phải đến giữa thế kỷ 20, phụ nữ Anh mới được bầu cử và ứng cử.
Hiện nay, quyền lực chính được trao cho Hạ viện, Thượng viện có rất ít quyền lực, vua chỉ có quyền lực tượng trưng. Nước Anh mới trở thành dân chủ hoàn chỉnh.
Như vậy, nước Anh mất khoảng 300 năm để vua bắt đầu chia sẻ quyền lực cho quý tộc cho đến khi phụ nữ Anh được đi bầu vào năm 1930, tức là mới có quyền dân chủ đầy đủ.
Còn ở Mỹ thì giai cấp trung lưu lãnh đạo dân lật đổ chế độ thực dân.
Năm 1824, 48 năm sau khi giành độc lập, thì mới có 5% dân số trưởng thành của Mỹ được quyền bỏ phiếu. Phụ nữ Mỹ được bầu cử vào năm 1920 và đến thập kỷ 70 thì người da đen mới được đi bầu, tức là Mỹ mới có dân chủ khá đầy đủ.
Dẫn lịch sử như vậy không có nghĩa là nước nào sau này cũng phải mất 300 hay 200 năm mới từ phong kiến hay thuộc địa thành dân chủ. Bởi vì thực tế Hàn quốc và Đài Loan chỉ mất hơn 20 năm để từ độc tài thành dân chủ với nền tảng không khác Việt Nam là mấy. Còn Thái Lan và Nhật Bản thì có dân chủ theo mô hình Anh mà không cần cuộc cách mạng nào (tức là tự diễn biến).
Ông Chính cũng khẳng định: Tự do phải có trước dân chủ. Bởi vì, khi có tự do thì tầng lớp trung lưu sẽ dần dần nâng cao dân trí và có thể tích lũy kinh tế, nhờ đó mà gây sức ép được với chính quyền để chính quyền phải chia sẻ quyền lực. Tầng lớp trung lưu càng đông và mạnh thì quyền lực nhà nước càng giảm sút và đó là mầm mống của dân chủ.
Còn dưới chế độ cộng sản toàn trị, cả tự do lẫn dân chủ đều bị triệt tiêu. Vì dân không có quyền tự do ngôn luận, không được tự do báo chí, xuất bản và giáo dục, chỉ được có thông tin 1 chiều, nên dân chỉ có tư duy 1 chiều. Vì thế người dân bị triệt tiêu khả năng phản biện và không có kiến thức về khoa học chính trị, hiểu lệch lạc về pháp luật và kinh tế vĩ mô, lịch sử. Nói cách khác là dân trí thấp về kiến thức kinh tế, chính trị, triết học và lịch sử. Mục tiêu là để không thể có tổ chức ngoài đảng nào mà có hiểu biết chính trị hòng cạnh tranh quyền lãnh đạo với đảng cộng sản.
Ông Chính cũng chỉ ra những nguyên nhân giải thích cho việc ở Việt Nam lượng người cần có dân chủ không đông lắm.
Ông nhận định thực trạng ở Việt Nam hiện nay nói đúng hơn là người ta không dám bộc lộ nhu cầu có dân chủ vì sợ mất an toàn, mất cơ hội kiếm sống và thăng tiến. Có nhu cầu mà không/chưa dám bộc lộ là còn tốt. Thực tế nhiều người thực sự không có nhu cầu. Vậy khi nào họ có nhu cầu?
Nói chung, khi có thu nhập đủ cao, đã thỏa mãn được phần thể xác (nhu cầu giản đơn như ăn, ngủ,…) người ta sẽ có nhu cầu về mặt tinh thần. Đại khái như muốn được tôn trọng, được thể hiện bản thân, khi đó nhu cầu về dân chủ mới manh nha.
Việt Nam mới là nước đang phát triển, đa số dân mới ở 2 tầng đáy của tháp, nên ít người có nhu cầu cao hơn về mặt tinh thần. Một nhóm nhỏ trí thức trung lưu mới đang ở tầng thứ 3, các tầng trên thì không có mấy. Nhưng ở chế độ toàn trị thì tháp này cũng bị biến tướng. Nhiều người có thu nhập ở tầm đại gia nhưng nhu cầu về tinh thần lại rất thấp.
Ở chế độ cộng sản, người ta hạn chế giáo dục về chính trị, xã hội, nói cách khác là ngu dân, để dân không có nhu cầu đòi hỏi dân chủ. Vì vậy, muốn dân ở các nước cộng sản có nhu cầu về dân chủ thì phải cho họ có kiến thức về dân chủ. Khi người dân chưa thoát khỏi 2 tầng dưới của tháp thì cũng rất khó để họ nảy sinh nhu cầu đó, trừ khi những nhu cầu cơ bản của họ bị đe dọa như trường hợp của các tài xế đấu tranh chống lại việc mua vé BOT Cai Lậy hay vụ việc của nông dân mất đất ở Đồng Tâm…
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Lê Thanh Hải về vườn – Lê Trương Hải Hiếu cũng “ra ma”
>>> Đảng lo Đại hội, Dân đang chết chìm
>>> Tàn phá miền Nam – Đảng bê tới tượng ông Hồ
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT