Tin tức về bão lũ miền Trung vẫn thu hút sự chú ý của dư luận, cùng lúc với các đại hội đảng vẫn tổ chức khắp cả nước với cờ hoa hoành tráng.
Ngày 20-10 Quốc hội đã họp phiên khai mạc và dành một phút mặc niệm thiếu tướng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Man, và các chiến sĩ cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3.
Trong khi 22 quân nhân bị núi lở đè chết ở Quảng Trị cũng đã tìm thấy xác, thì vẫn còn 15/17 công nhân Thủy điện Rào Trăng 3 bị vùi xác từ ngày 12-10 đến nay hơn một tuần vẫn không tìm thấy xác, hoặc là do nỗ lực của bên quân đội đã dừng lại sau khi đã tìm thấy xác của 13 cán bộ.
Quốc hội của toàn dân nhưng đã có xử sự thiên lệch với hàng trăm người dân đã chết, Giáo sư Mạc Văn Trang lên tiếng:
“Hơn 100 đồng bào và chiến sĩ tử nạn trong lũ lụt miền Trung, Quốc Hội nên tổ chức quốc tang, nếu không cũng cần mặc niệm tất cả đồng bào tử nạn, Chứ sao chỉ dành cho một đại biểu Quốc hội và các chiến sĩ? Quốc Hội của toàn dân cơ mà!”
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cũng thốt lên đầy bức xúc: “Tại sao quốc hội do dân bầu ra mà chỉ mặc niệm cho một vị tướng, không mặc niệm hàng bao nhiêu người dân đã chết thảm vì lũ lụt hả mọi người ơi”.
Hàng trăm bình luận bức xúc cho rằng Quốc hội xem mạng người dân quá rẻ rúng, rằng “Quốc hội là cơ cấu của Đảng và tiêu tiền thuế của dân chứ có dân nào bầu đâu”.
Một hiện tượng khác thu hút sự quan tâm của dư luận là ca sỹ Thủy tiên đến nay đã quyên góp được 100 tỷ đồng, trong khi MTTQVN ở Hà nội chỉ mới quyên được 22 tỷ.
Như vậy uy tín của ca sỹ Thủy Tiên đã vượt trội so với uy tín của Đảng và nhà nước Việt nam mặc dù trước đó một trang Fan Page Tuyên giáo Đảng Cộng sản đã khuyến cáo nhân dân không giúp đỡ tiền bạc cho “những kẻ đánh bóng tên tuổi”… và kêu gọi người dân đem tiền gửi cho các tổ chức chính thống của nhà nước như hội chữ thập đỏ…vv..
Lực lượng dư luận viên của Đảng cũng đổ xô vào nói xỏ nói xiên nhằm hạ thấp uy tín của Thủy Tiên, thậm chí còn bình luận rất tục tĩu về cái mông của cô ca sỹ này….nhưng nhân dân vẫn biết chọn mặt gửi vàng để nhờ Thủy Tiên đại diện cầm tiền giúp đỡ người dân Miền Trung đang khốn khó.
Có lẽ sự minh bạch chính đáng của nhà nước đã không còn được nhân dân tin cậy so với tấm lòng của một ca sỹ, bởi thông tin quan chức ăn chặn tiền từ thiện đã liên tục xảy ra suốt nhiều năm qua.
Nhận được số tiền quá lớn cũng khiến cho Thủy Tiên cảm thấy lo lắng vì trách nhiệm, cô chia sẻ tâm trạng: “Bây giờ mình bắt đầu lo rồi, không biết ôm cục tiền này đi cứu trợ lũ lụt đến khi nào mình mới được về ổn định cuộc sống mà làm ăn…Nhưng nghĩ về niềm vui của bà con khi nhận được hỗ trợ và từng ngày trông chờ thì mình sẽ ráng cố gắng hết sức có thể.”
Trên mạng xã hội, rất nhiều người nổi tiếng và công ty tư nhân ở Việt Nam cũng đang tham gia kêu gọi quyên góp.
Tuy nhiên, luật sư Ngô Ngọc Trai, từ Hà Nội, cho hay cần có quy định mới về pháp luật “tạo lập hành lang pháp lý bảo hộ cho những hoạt động cứu trợ như của ca sĩ Thủy Tiên“.
Bởi lẽ dường như nhà nước đang độc quyền làm từ thiện, và các ca sỹ nghệ sỹ quyên góp tiền là không phù hợp với quy định của Chính phủ và nếu có nhận được tiền quyên góp cũng phải nộp vào công quỹ.
Viết trên Facebook cá nhân, ông cho biết: “Hiện tại vấn đề vận động đóng góp cứu trợ thiên tai lũ lụt, hiện đang được điều chỉnh bởi Nghị định 64/2008/NĐ-CP của chính phủ về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo“.”
Ông chỉ ra: “Qua tìm hiểu thì thấy nội dung văn bản này quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Cụ thể nghị định 64 quy định chỉ những cơ quan đơn vị có tính nhà nước sau mới được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ.
1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định của chính phủ.
3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
4. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.”
Đối với các cơ quan đơn vị là đầu mối tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ thì số tiền huy động được sẽ phải nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ do mặt trận tổ quốc thành lập.
Ông Ngô Ngọc Trai viết: “Như thế, xét theo quy định này thì không chỉ việc làm của ca sĩ Thủy Tiên, của diễn viên Trấn Thành, của nhiều nghệ sĩ khác hay các tổ chức tôn giáo, các doanh nhân uy tín muốn thiện nguyện phục vụ cộng đồng, đều không thực hiện đúng.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh có bài viết với tựa đề HIỆN TƯỢNG THỦY TIÊN như sau:
“Thông tin cô ca sĩ quyên góp được số tiền lên đến con số 100 tỷ đồng đã xoa dịu đi phần nào những dòng tin dữ đầy u ám về cơn hồng thủy đang hoành hành các tỉnh miền Trung.
Thông điệp có điểm son rất đáng mừng là lòng nhân hậu, sự trắc ẩn … giữa đồng bào với nhau không đã không hoàn toàn mai một trước những tang tóc, tổn thất về người, về của do thiên tai, do nhân họa gây ra.
Bên cạnh đó, bằng việc công chúng sẵn sàng gởi tiền, thậm chí, gởi rất nhiều tiền cho các cá nhân làm từ thiện trong khi đang tồn tại khá nhiều tổ chức thuộc chính quyền cũng làm chức năng tương tự đã truyền đi thông điệp gì ? Không quá khó để nhận ra rằng công chúng đã mất khá nhiều lòng tin vào vào sự ngay thẳng, bất vụ lợi các tổ chức kia. Giả thiết, nếu đặt ra vấn đề khai tử các tổ chức nhân đạo thuộc chính quyền vì sự kém hiệu năng và minh bạch của chúng, thì công chúng cũng không còn mấy quan tâm nữa, vì họ đã chọn các cá nhân làm nơi tin cậy, gởi gấm tiền làm từ thiện cho mình.
Lúc này, khi hoa tươi đầy màu sắc vẫn đang được bày biện tràn ngập các hội trường rộng lớn để trang trí cho những cuộc họp chính trị quan trọng. Nhưng bông hoa đẹp nhất, ngôi sao sáng nhất không phải là những ông bà vừa đắc cử vào chiếc ghế quyền lực, mà là cô ca sĩ. Không tin, bất cứ chính khách gia nào vừa đắc cử với con số 100% cũng đều có thể kiểm chứng bằng cách kêu gọi quyên góp từ thiện như cô ấy thì sẽ rõ.
Con số 100% đắc cử là do đảng tặng. Con số 100 tỷ đồng là do công chúng giao phó. Người đắc cử 100% do đảng tặng thì không chắc được công chúng giao phó 100 tỷ. Nhưng người được công chúng giao phó 100 tỷ thì chắc chắn sẽ đắc cử 100% nếu ứng cử.
Thật vậy, cô ca sĩ ấy xinh người, đẹp nết, cả hai vợ chồng đều tài năng, gia đình hạnh phúc, được công chúng quý mến, cảm phục và tin cậy … Nếu có bầu cử tự do, cô ấy muốn ứng cử vào chức vụ gì mà công chúng đầy cảm tính lại không chiều lòng bỏ phiếu cho cô ấy, kể cả vị trí tứ trụ đang chỉ gồm những ông bà cụ lụ khụ, trông buồn bã.
Viết vào mùa đại hội, ngày thiên tai, nhân họa.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh.
Facebook Phương Bích đưa ra nhận xét rằng: Ai có uy tín nhất VN?
Không phải thủ tướng, hay chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, mà chính là Trấn Thành, Thủy Tiên và những ngôi sao của giới showbiz. Nhà em đố ông bà lãnh đạo nào đủ uy tín để kêu gọi được số tiền khủng như thế đấy. Các ông bà ấy chỉ giỏi “huy động” ngân sách thôi.
Cảm động vì tấm lòng của người đóng góp, nhưng cũng thấy lo lo cho Thành và Tiên. Mấy năm trước, Phan Anh mới kêu gọi đc 24 tỷ thôi đã thấy kinh khủng rồi. Giải ngân số tiền này vào việc mua gạo/mỳ/dầu/mắm hay kể cả phong bì, cũng ko xuể, phải chi sang việc mua bò, mổ tim v.v… thế là hứng đủ gạch đá (chắc Phan Anh sợ đến già). Nay cả trăm tỷ thế này, trừ khi làm nhà chống lũ như bạn Jang Kều thì còn dễ.
Tuy nhiên những cái đó khó nhưng vẫn làm được. Chỉ có cái này dễ mà không tài nào làm được – đó là loại bỏ thói chấm mút của chính quyền địa phương. Họ mà không có phần, thì các nhà từ thiện đừng có mơ đến được với dân. Có nơi phát cho dân rồi, mà chúng nó còn đến thu lại quả đấy. Chuyện này báo đài, tivi nói cả rồi đấy. Khốn nạn lắm.” Facebook Phương Bích đưa ra nhận định.
Blogger Bùi Thanh Hiếu cũng bình luận:
Em Thuỷ Tiên quyên góp được hơn 100 tỷ giúp đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt miền Trung. Đây là đòn đau giáng vào uy tín chế độ. Chắc sẽ có cuộc họp bàn để làm giảm giá trị em ấy. Một số bọn bồi bút của chế độ sẽ dựa trên tính đố kỵ của người ta, để khai thác thành chiến dịch truyền thông bôi nhọ em ấy.
“Lựu Đạn” chúng mày, người ta không thừa tiền để đưa cho một em ca sĩ làm từ thiện, người ta đã đưa, đã gửi em ấy, là người ta có khối óc và trái tim, không cần chúng mày dạy.” Blogger Bùi Thanh Hiếu bức xúc nói.
Vẫn về chuyện phá rừng gây thiên tai núi lở, nhà báo Mai Bá Kiếm đưa ra bài phân tích với tựa đề: THỪA THIÊN HUẾ: 15 SÔNG CHÍNH GÁNH 33 THỦY ĐIỆN: CHỊU ĐỜI SAO THẤU?
“Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 nằm sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, nếu sau khi nhà máy hoàn thành, đồi núi xung quanh và đường 71 tiếp tục sạt lở thường xuyên, thì Thừa Thiên Huế đã “mua” 13 MW điện với phí tổn quá khủng.
Sông ngòi ở Thừa Thiên – Huế thường ngắn nhưng lại lớn về phía hạ lưu, có 15 sông chính là: Ô Lâu, Rào Trăng, Rào Lau, Rào Mai, Tả Trạch, Hữu Trạch, An Cựu, An Nông, Nước Ngọt, Lăng Cô, Bồ, Rau Bình Điền, Đá Bạc, Vân Xá, Sông Truồi.
Vậy mà, Bộ Công thương đã duyệt đến 21 dự án thủy điện cỡ nhỏ (bình quân 21,4 MW/cái) trên địa bàn tỉnh với tổng công suất 450 MW (tập trung chủ yếu vào 5 công trình: A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, A Lin 1 và Tả Trạch có tổng công suất 360 MW).
Tận dụng thẩm quyền của mình, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra Quyết định số 1666/QĐ-UBND ngày 23/07/2008, phê duyệt quy hoạch thủy điện rất nhỏ (dưới 10MW,) tổng số 11 dự án; tổng công suất các nhà máy khoảng 105,8 MW, để khai thác gỗ trong khu bảo tồn thiên nhiên và rừng đặc dụng!
Năm 2018, sau khi các quả bom nước Thủy điện bậc thang ở miền Trung có nguy cơ nhấn chìm các vùng hạ lưu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy điện có công suất bằng hoặc nhỏ hơn 30 MW, và loại khỏi quy hoạch 463 DATĐ chưa có nhà đầu tư quan tâm, hoặc không đáp ứng được các tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường.
Trong 463 dự án thủy điện nhỏ bị loại khỏi quy hoạch có nhiều dự án “ế” chưa có nhà đầu tư quan tâm, chứ không bị loại để bảo vệ rừng.
Bình quân dự án thủy điện có công suất một MW là phải phá một hecta rừng để làm hồ. Loại bỏ 463 dự án 30 MW là sẽ không đốn 13.890 ha rừng nguyên sinh, đặc dụng, phòng hộ…
Mỗi hecta rừng nguyên sinh không những bảo vệ đất không bị xói mòn và làm chậm dòng chảy về hạ lưu, mà còn hấp thụ 640 tấn khí carbon. Mỗi ha ta rừng nguyên sinh có trữ lượng cây đứng 300 mét khối. 13.890 ha rừng nguyên sinh nếu bị đốn sẽ thu được 5.167.000 mét khối gỗ.
Nếu 1 mét khối gõ đỏ (nhóm 1) là 50 triệu và một mét khối gỗ tạp là 8 triệu đồng, lấy bình quân 20 triệu đồng/ mét khối, thì bán 5.167.000 mét khối gỗ thu được 103.340 tỷ đồng!
Vì vậy, Bộ Công thương và các tỉnh miền Trung rất mặn mà với quy hoạch phá rừng làm thủy điện!” nhà báo Mai Bá Kiếm đưa ra kết luận.
Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Tượng đài khô ráo – Dân tình ngụp lặn
>>> Đại hội 13 và nhu cầu bức xúc về dân chủ
>>> Đảng lo Đại hội, Dân đang chết chìm
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT