Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng sự tung hứng của Phó thủ tướng Trương Hoà Bình trong cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Trị về việc phải đưa lương khô vào ngay cho dân vùng lũ đã tạo ra những hiểu lầm về việc cán bộ tỉnh Quảng Trị chia chác lương khô thế nhưng Quảng Trị đã bất bình phản hồi lương khô còn chưa về đến tỉnh thì làm sao có thể chia nhau được. Ngay trong thời khắc thiên tai – nhân tai đang đày đọa dải đất và con người miền Trung mà chính quyền cộng sản Việt Nam còn tạo nên sự chia rẽ trong nhân dân.
Truyền thông trong nước đưa tin trong cuộc làm việc tại UBND tỉnh Quảng Trị về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sáng 22/10, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết Bộ đã cấp 22 tấn lương khô cho các tỉnh miền Trung bị lũ lụt; riêng với tỉnh Quảng Trị, quân đội hỗ trợ 7 xuồng máy, 36 máy phát điện, 3 máy bơm nước để tẩy rửa vệ sinh sau lũ, 1.000 phao cứu sinh.
Tướng Lê Chiêm đề nghị lãnh đạo địa phương đưa lương khô vào ngay cho dân vùng lũ.
Tướng Chiêm nói: “Vừa rồi chúng tôi phát hiện một số lãnh đạo địa phương (cấp cơ sở) chia lương khô cứu trợ cho cán bộ như làm quà, vì thứ này ngon. Như thế là hỏng hết. Lương khô này gửi cho dân. Người dân đang cần.”
Trước phát ngôn của tướng Lê Chiêm, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình phải lên tiếng chỉ đạo: “Việc này không phải tham nhũng gì, nhưng đây là quà để phát cho dân. Tôi đề nghị không riêng gì Quảng Trị mà các địa phương khác phải lưu ý việc này.”
Màn song kiếm hợp bích của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Phó thủ tướng ngay sau đó đã tạo nên làn sóng bất bình về việc cán bộ đã chia chác hết phần lương khô mà Bộ Quốc phòng đã gửi cho người dân miền Trung.
Có ý kiến khẳng định việc chia chác lương khô của các cán bộ đích thị là một hành động tham nhũng, phản bác lại khẳng định của ông Phó thủ tướng. Lương khô của quân đội thực chất cũng từ thuế của dân mà ra
Luật sư Luân Lê thì gọi hành động chia chác lương khô dành cho đồng bào đang hứng chịu thiên tai của các cán bộ địa phương là cách mà cán bộ, công chức một số nơi cứu trợ lũ lụt.
Ông viết: “Vì sao dân không tin và cũng khinh bỉ trong phẫn nộ những loại người này như rác rưởi là như vậy. Thú vật còn biết chia sẻ và cứu giúp đồng loại, nói chi con người, mà lại còn nhận tiền thuế của chính người dân và quyền lực của dân nhưng lại không phục vụ nhân dân vào lúc gặp thảm kịch mà còn cướp thêm sự sống còn của dân.
Lúc thảm hoạ chúng còn ăn cướp cả miếng ăn nhỏ nhất của dân, thì lúc bình thường chúng ăn tàn phá hoại đến thế nào nữa? Trời ơi! Chúng đã tha hoá đến tột cùng của sự cặn bã và tanh tởm.”
Nhà báo Vũ Kim Hạnh cũng nhận định: “Lương khô nó ngon nên xén của cứu đói chia nhau. Tiền tươi lại càng thơm nên tha sao đành.”
Nhà hoạt động dân sự Huỳnh Ngọc Chênh đã bình luận rằng: “Khi đã tham và ti tiện thì cái gì họ cũng muốn xén.”
Tài khoản facebook Phán Võ bình luận: “Đó là lý do dân họ không dám trao niềm tin cho các đầy tớ này mà tự tổ chức cứu trợ tới nơi dù họ thừa biết có thể phải đánh đổi cả tính mạng khi không có phương tiện cứu hộ và lực lượng hỗ trợ nhưng tình đồng bào là trên hết.”
Câu chuyện chưa dừng lại đó. Mới đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã lên tiếng thanh minh rằng “lương khô còn chưa về đến tỉnh thì làm sao có thể chia nhau được”.
Để khẳng định Quảng Trị vô can, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nói rằng thông tin trên mạng xã hội ám chỉ cán bộ tại tỉnh Quảng Trị chia nhau lương khô quân đội ảnh hưởng rất lớn đến công tác cứu trợ cho người dân vùng lũ. Ông Đồng giải thích: “Lương khô đã về đến đâu mà cán bộ chia nhau.”
Ông Đồng nói thêm: “Việc này cần nói rõ ràng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của các nhà hảo tâm đến chia sẻ với người dân Quảng Trị sau lũ.”
Tuy nhiên ông Đồng cũng xoa dịu dư luận bằng cách diễn giải lại lời tướng Chiêm theo hướng có lợi cho đại cục. Ông Đồng khẳng định: “Thượng tướng Chiêm nói là phải tránh xảy ra tình trạng cán bộ cơ sở chia nhau hàng cứu trợ, chứ không phải là đã chia nhau hàng cứu trợ như mạng xã hội xôn xao và phản ứng.”
Lập tức, sau đó, truyền thông trong nước đưa tin đính chính. Theo đó, ngày 23/10, Thượng tướng Lê Chiêm giải thích việc phát hiện một số lãnh đạo địa phương chia lương khô cứu trợ cho cán bộ như làm quà là việc từng xảy ra trong quá khứ và “đó là bài học kinh nghiệm phải chấn chỉnh, đề phòng, không để lặp lại“.
Ông nhắc đến sự việc này là để chỉ đạo chung các lực lượng Quân khu, Biên phòng, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh… đồng thời nhấn mạnh: “Những lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phải chú ý quản lý hàng cứu trợ, đưa đến tận tay người dân bị lũ lụt.”
Facebooker Phương Dung Lê nhận định chính phát ngôn mập mờ, không rõ ràng của Thượng tướng Lê Chiêm đã khiến vấn đề bị đẩy đi quá xa.
Bà viết: “Tướng Lê Chiêm hoàn toàn đúng khi nhắc nhở các cán bộ cứu trợ, nhưng phát ngôn như vậy giữa lúc lòng dân đang đầy hoang mang, lo lắng về vấn nạn tham nhũng, ăn chặn của các cán bộ xã, huyện ngập tràn trên mạng sẽ chỉ khiến lòng dân thêm phẫn nộ, mất hết niềm tin. Một khi người dân đã không còn niềm tin vào cán bộ, liệu cán bộ có còn tâm huyết với công tác cứu trợ cho người dân? Một khi sự hoài nghi đã bị reo rắc, liệu người dân có hoan hỉ khi khi nhận quà cứu trợ vì băn khoăn, lo lắng: “liệu anh ta có ăn chặn hết quà cứu trợ của mình không?”. Cán bộ thì chẳng còn tâm trí cứu hộ, dân thì hoài nghi người cứu giúp mình, công tác cứu trợ có còn ý nghĩa?
Trong khi người dân đang đoàn kết một lòng hướng về miền Trung, thì phát ngôn của tướng Lê Chiêm như ngọn dao sắc cắt lẹm sợi dây niềm tin, reo rắc sự hoài nghi, ngờ vực. Trong khi đó muốn vượt qua khó khăn, thiên tai như thế này thì người dân cả nước phải đoàn kết cùng nhìn về một hướng.
Tướng Chiêm từng nổi tiếng với phát ngôn: “Cán bộ của ta mua hết đất Long Thành rồi” đã khiến tên tuổi và hình ảnh của ông tràn lan trên các trang mạng xã hội. Có lẽ đó là phong cách của tướng Chiêm chăng, phát ngôn bất chấp, không quan tâm đến lòng dân, nỗi lo và hậu quả từ những phát ngôn bất chấp ấy mà chỉ phát ngôn cho “sướng”. Đó liệu có phải là suy nghĩ thấu đáo của một cán bộ cấp cao, nhất là ở cương vị Thứ trưởng?
Khi mình đàng hoàng thì chả có gì phải sợ “thế lực thù địch” lợi dụng? Dân ta bây giờ cũng rất tỉnh, đâu có dốt đến mức ai nói gì cũng nghe, cũng tin? Và lắng nghe phản biện và giải pháp nữa thì quá tốt cơ mà?”
Cuộc khủng hoảng truyền thông của chính quyền cộng sản trên một lần nữa cho thấy sự mất niềm tin hoàn toàn của nhân dân vào chính quyền cộng sản Việt Nam.
Sự việc chia chác lương khô cứu trợ của cán bộ đã được chính tướng Chiêm thừa nhận là đã từng xảy ra trong quá khứ và liệu nó có tiếp tục tái diễn trong trận lũ lụt lịch sử năm nay hay không thì vẫn là một câu hỏi lớn. Thế nhưng có một sự việc vừa mới xảy ra ít hôm của chính cán bộ địa phương vùng lũ cũng đã khiến nhân dân phẫn nộ. Đó là mười lăm cán bộ lãnh đạo huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, gồm cả Phó Chủ tịch huyện, Phó Chủ tịch hội đồng nhân dân, Trưởng ban Tuyên giáo, Chủ tịch, Bí thư một số xã… rời địa phương đi TP.HCM họp hội đồng hương từ ngày 15 và 16/10.
Bí thư huyện uỷ Hương Khê thì phân trần là: “Lãnh đạo đi họp đồng hương không ảnh hưởng đến việc phòng chống lũ… Họ đi vào ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật xong là về ngay..”
Thế nhưng bão lũ tại Hương Khê, Hà Tĩnh thì lại không nghỉ vào ngày cuối tuần. Vào ngày thứ bảy và chủ nhật, tức ngày 17 và 18/10, nước sông Ngàn Sâu vẫn đang lên nên các xã vùng thấp trũng như Lộc Yên, Điền Mỹ, Hương Giang, Hương Thủy và Hương Đô bị chia cắt, cô lập hoàn toàn; nhân dân Hương Khê lại càng phải vật lộn giữa cảnh biển nước mênh mông, chịu cảnh đói, khát và bị cô lập, tính mạng bị đe dọa hơn bao giờ hết.
Nhà báo Bạch Hoàn viết:
“Thế đấy.
Trong lúc người dân chúng ta đau đớn và xót xa cho đồng bào mình, thì các công bộc của dân ăn chơi, đàn đúm. Trong lúc các công bộc của dân vừa phóng tay chi tiền tỉ mua cặp da, mua quà hoa tưng bừng đại hội, thì người dân chịu cơn đói lạnh.
Và giờ đây, khi chơi vơi giữa dòng nước lũ, khi cần một chiếc phao, khi cần một cây cọc để bấu víu, để kiếm tìm một niềm hi vọng – hi vọng qua cơn đói, hi vọng qua cơn lạnh, hi vọng mình được sống – thì có những người chẳng biết bấu víu vào đâu.
Chính quyền là ai? Họ đang ở nơi nào?…
Dân phải bấu víu vào dân, thay vì chính quyền, đó chính là bi kịch của dân. Đó là nỗi đau của dân, là nỗi xót xa cùng tận cho thân phận con người nơi đây, trên đất nước này.
Tôi luôn cho rằng, người dân tựa nương tựa vào nhau trong cơn khốn khó là cần thiết. Nhưng, chăm lo cho dân, bảo vệ dân, cứu dân, thu xếp nơi ăn chốn ở cho dân trong thảm hoạ thiên tai và nhân tai… tất cả là trách nhiệm của chính quyền.
Xin nhấn mạnh rằng, đó là trách nhiệm của chính quyền. An sinh xã hội là trách nhiệm của chính quyền.
Thế cho nên, các anh chị bạn của tôi, xin hãy tiếp tục gieo những hạt mầm thiện lương đẹp đẽ. Nhưng cũng đừng quên đòi hỏi, đòi hỏi mạnh mẽ và dứt khoát yêu cầu các công bộc của dân phải thực thi trách nhiệm với dân.
Cũng như tôi hôm nay đòi hỏi chính quyền Hà Tĩnh phải cách chức 15 cán bộ xã, huyện Hương Khê vì đã vui chơi hội hè khi dân khốn khổ.
Và một lần nữa, tôi đòi hỏi chính quyền phải dốc lòng dốc sức, đầu tư mọi nguồn lực để cứu dân, đảm bảo an toàn sức khoẻ và tính mạng cho dân. Thêm một người dân mất mạng là thêm một tội lỗi. Tội lỗi ấy là của các vị, không thể nào chối bỏ.”
Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Đảng viên “giật” lương khô – Thủ tướng đòi trăm tỷ
>>> Thừa lệnh Đảng – VTV “xỉ vả” người đi cứu trợ
>>> Mặc dân „lóp ngóp“ – Đảng lo Đại hội
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT