Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=Iii81MT9R3Q
Không lâu sau khi tin ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu làm Tổng bí thư Đảng CSVN nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng người đồng cấp phía Việt Nam.
Tân Hoa Xã dẫn nội dung bức điện cho biết, ông Tập bày tỏ vui mừng khi biết ông Trọng được bầu làm Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương ĐCSVN, và muốn gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới ông Trọng và tới ban lãnh đạo mới của ĐCSVN.
Theo ông Tập, kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12, Đảng CSVN dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN do ông Trọng đứng đầu, đã tăng cường xây dựng đảng và lãnh đạo nhân dân Việt Nam đạt được một loạt thành tựu trong công cuộc đổi mới và xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Lãnh đạo tối cao của Trung Quốc cũng cho rằng, sự thành công của đại hội đảng 13 là bắt đầu chặng đường mới trong công cuộc đổi mới xã hội chủ nghĩa của Việt Nam và bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của ông Trọng và ban lãnh đạo đảng khóa mới, những thành tựu mới to lớn hơn sẽ đạt được trong nhiều sự nghiệp khác nhau của ĐCSVN và đất nước Việt Nam.
Ông Tập khẳng định, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa thân thiện và cũng là một cộng đồng có chung tương lai có ý nghĩa chiến lược.
Ông Tập đặc biệt coi trọng quan hệ giữa hai Đảng và giữa hai nước, và sẵn sàng làm việc với ông Trọng để tăng cường liên lạc chiến lược, thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc hơn nữa giao lưu và hợp tác trên các lĩnh vực, và thúc đẩy sự nghiệp chủ nghĩa xã hội.
Hồi năm 2017, khi đang thưởng trà sau chuyến thăm nhà sàn Hồ Chí Minh, ông Trọng khi đó đã bày tỏ với ông Tập Cận Bình là “trà Việt Nam không ngon bằng trà Trung Quốc“.
Tập Cận Bình là lãnh đạo quốc gia duy nhất đến nay chúc mừng ông Trọng.
Sáng 31/1, trong phiên họp bầu Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đạt số phiếu “gần như tuyệt đối“.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói ông tiếp tục nắm quyền vì ‘chấp hành nhiệm vụ đảng viên’ mặc dù từng ‘xin nghỉ’.
Thông tin được này được chia sẻ với báo giới vào ngày bế mạc Đại hội 13 của Đảng CSVN (Đại hội).
Trong buổi họp báo sau lễ bế mạc Đại hội vào buổi sáng ngày 1/2, ông Trọng nói sức khỏe là quan trọng và là nhân tố quyết định để làm việc.
“Tôi cũng không được khoẻ lắm, tuổi đã cao rồi. Tôi đã xin nghỉ rồi nhưng Đại hội bầu vẫn phải làm vì là đảng viên phải chấp hành“.
“Tôi cố gắng hết sức, nhưng làm được hay không phải là tập thể, là đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, toàn đảng, toàn dân, toàn quân nhất trí đồng lòng. Vai trò của cá nhân quan trọng nhưng chỉ là cá nhân thôi“.
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng bí thư Trung Ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ thứ 3, khác với Điều lệ của Đảng CSVN.
Đại hội kết thúc sớm được cho là một phần do có lo ngại vì dịch Covid-19, hiện đã tái bùng phát tại nhiều tỉnh thành và ngay tại thủ đô Hà Nội, nơi tổ chức sự kiện chính trị có gần 1,600 đại biểu và hàng trăm nhà báo, an ninh và nhân viên phục vụ tham gia.
“Nhiều đồng chí từ miền xa xôi, miền núi, miền biển về Thủ đô, đảm bảo an toàn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 xảy ra cũng lo lắm,” ông Trọng nói tại cuộc họp báo.
Trước khi diễn ra Đại hội, một nguồn muốn ẩn danh nói với BBC rằng việc đi lại của các đại biểu tham dự lần này sẽ được kiểm soát rất chặt, một phần để phòng rủi ro Covid-19 (mặc dù khi đó chưa có dịch) nhưng một phần cũng để các đoàn đại biểu “không giao lưu” với nhau để “vận động mua phiếu“.
Tổng bí thư Trọng trong buổi họp báo cũng nói về các biện pháp “chống tình trạng gặp gỡ, ăn uống, chè chén, vận động, xin phiếu bầu” tại Đại hội này.
“Công tác nhân sự cứ lộ ra sắp tới ông nào làm gì, làm gì là đã phức tạp.
Sắp tới mình không biết có được bầu không, ông kia sao lại hơn phiếu mình, thì tâm tư ngay, rất phức tạp, nhạy cảm“.
Ông Trọng mô tả “công tác nhân sự được thống nhất rất nhanh“.
“Lần này các anh chị thấy tất cả bầu một lần là xong đầy đủ các chính thức và dự quyết.
Hôm qua họp Ban chấp hành Trung ương, dự kiến họp cả ngày, nhưng có buổi là xong, bầu Bộ Chính trị, Ban bí thư, Tổng bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra trung ương… rất nhanh, thống nhất cao.
Ra đại hội thảo luận cả ở tổ và trên hội trường rất nhanh“.
Trong khi chủ đề chiến chống tham nhũng được đề cập tới không nhiều trong bài báo cáo dài mà ông Trọng đọc tại buổi khai mạc Đại hội, nhà lãnh đạo nhà lãnh đạo 76 tuổi dường như đã tận dụng tối đa về sức mạnh của truyền thông khi nói về tham nhũng tại cuộc họp báo ngay sau lễ bế mạc Đại hội.
“Đây [tham nhũng] là bệnh của những người có quyền, có chức, có quyền, nắm trong tay tiền nữa, của nữa thì rất dễ, không chỉ tham nhũng, mà còn tiêu cực, lợi ích nhóm.
“Từ năm 2013 đến giờ làm liên tục, xử bao nhiêu vụ, bao nhiêu uỷ viên trung ương, bao nhiêu ủy viên Bộ Chính trị đi tù, thậm chí thu hồi tài sản tôi cũng không tưởng tượng được hàng triệu đô la, hàng bao nhiêu tỉ.
“Chưa bao giờ một khoá có mấy ông ủy viên Bộ Chính trị phải đi tù, cách chức, thu lại bao nhiêu tài sản, chỉ một vụ việc thôi mà hàng triệu USD…
Đấu tranh chống tham nhũng phức tạp, khó khăn như vậy. Nếu không có dũng khí, tình cảm chân chính, bản lĩnh thì dễ mắc lắm,” ông Trọng nói. “Ai chả thích của, thích tiền nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất, chết cũng không mang tiền theo được“.
Trong khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mô tả Đại hội thành công thì ông cũng gửi đi thông điệp rằng vấn đề không chỉ nằm ở các “nghị quyết“.
“Quan trọng hơn là sắp tới chúng ta phải đưa nghị quyết vào cuộc sống thế nào, biến nó thành hiện thực thế nào ..Phải ra của cải vật chất, nước phải giàu, dân phải mạnh, đời sống của nhân dân sung sướng hơn, thế mới gọi là thành công ở tầm nhìn ấy. Chứ không phải thông qua nghị quyết xong vỗ tay là đại hội thành công,” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói
Ông Trọng được dư luận trông đợi sẽ về nghỉ hưu “khi mà cấp dưới hết tranh cãi với nhau đủ lâu để có thể đồng ý với nhau về cách thay thế ông tốt nhất nhằm gỡ thế bí nhân sự“.
Trước ĐH 13, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm trong một bài viết cho BBC nhận xét rằng người mà ông Trọng đang đi tìm “là chính ông“, một chỉ dấu cho thấy sự bế tắc trong việc chuyển giao quyền lực ở thời điểm này.
“Chỉ có một mình Nguyễn Phú Trọng đang đi tìm một Nguyễn Phú Trọng và càng loay hoay tìm người kế vị, ông chỉ nhìn thấy chiếc bóng của mình,” Tiến sĩ Liêm viết.
Trên Facebook cá nhân có hơn 40 ngàn người theo dõi, GS Mạc Văn Trang bình luận rằng “Bảo: cụ Trọng phải tiếp tục làm TBT thì được. Còn bảo, cụ ấy già yếu, nghỉ cho người trẻ lên là “phản động”! DÂN CHỦ thế đấy! Ha ha ha!”.
Trong bài viết “THẢO NÀO NHÂN SỰ ĐẢNG LÀ “TUYỆT MẬT“?” GS Mạc Văn Trang viết rằng:
“Nay xem Danh sách BCHTW ĐCSVN khoá XIII vừa được công bố, mới càng thấy “tuyệt mật” về nhân sự của ĐCSVN là bí quyết thành công! Nếu công khai danh sách để “Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra, Dân góp ý” thì nhiều chuyện “thâm cung bí sử” của nhiều đồng chí sẽ toé loe ra, không khéo “bung”, “toang” thì nguy. Bí mật nên “Lòng Dân” mới không biết “Ý Đảng” ra răng mà mần!
Cụ Nguyễn Phú Trọng. Cứ cho là sự nghiệp “đốt lò” của Cụ được nhiều người khen; Cụ gương mẫu với các đảng viên; Cụ có công củng cố Đảng… nhưng nghe trong Dân có nhiều ý kiến về Cụ đấy:
– Nhiều người thương yêu Cụ, bảo Cụ già yếu, bệnh tật thế kia, để Cụ phải gánh vác công việc nặng nề nom rất tội. Nghe nói Cụ bà cũng khuyên can Cụ nghỉ hưu thôi. Nhiều người quý Cụ mà muốn Cụ được an nhàn tuổi già.
Cũng có người bảo cụ Bai- Đần bên Mỹ còn già hơn, nhưng cụ ấy chưa bị bệnh, còn đi lại nhanh nhẹn, quỳ gối cũng rất thanh thoát; còn cụ Trọng thì tai biến rồi, đi phải có người dắt, tuổi càng cao, sẽ càng yếu…
Cụ ở lại mang tiếng “tham quyền, cố vị”; ở ĐH XII, hứa là làm nửa nhiệm kỳ, thế rồi kéo dài cả nhiệm kỳ, nay lại kéo tiếp nhiệm kỳ thứ 3. Thế là vi phạm Điều lệ Đảng, mà thân làm tội đời, chứ được gì!…
– Lại có người bảo, sao Cụ không tin vào người kế cận do chính Cụ tuyển chọn, bồi dưỡng mà cứ cố ôm đồm? Tre già măng mọc chứ, ôm sao được mãi?
Cụ từng chọn ông Phạm Quang Nghị làm “thế tử”, thế rồi cũng đi “tong”; rồi ông Đinh Thế Huynh, Cụ tâm đắc lắm, thế mà cũng cho “ngồi chơi xơi nước” mất tăm!
Rồi đến khoá này, ông Trần Quốc Vượng được chọn là Thường trực Ban bí thư, “dưới một người, trên vạn người”, quyền sinh, quyền sát bấy lâu nay, thế mà cũng cho “tuột dốc không phanh”.
Vậy là sao? Có kẻ độc mồm, theo “thuyết âm mưu”, nó bảo, Cụ chỉ giả vờ “lú” thôi, chứ thâm nho lắm: Chọn người kế vị “có vấn đề”, để Cụ phế đi và tiếp tục nắm quyền… Thôi thì miệng tiếng “Dân biết, Dân bàn”… phức tạp lắm!
– Còn cái bọn “thế lực thù địch, cơ hội, bất mãn”, đòi Tam quyền phân lập, Xã hội dân sự, mà Cụ gọi là “những kẻ bất hảo”, chúng nó chê Cụ kinh lắm, chả dám nhắc ở đây làm gì.
Nhưng bọn ấy cũng là Dân đấy, chúng vẫn là công dân, thực hiện theo điều 25 của Hiến Pháp CHXHCNVN (2013).
Dù Cụ bảo: Hiến pháp là quan trọng lắm, chỉ dưới Cương lĩnh của Đảng, nhưng bọn này không thèm biết Cương lĩnh là gì, cứ Hiến pháp là tối thượng!
Cụ mà bắt bọn này đi tù hết thì nhà tù đâu mà chứa?
TBT Nguyễn Phú Trọng nói “Dân tinh lắm, hỏi dân biết cả”, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư nói: “Dân là người giám sát, không ai qua mắt được dân”, đều đúng sự thật, là chân lý đó. Nhưng Đảng nói vậy mà lại sợ hãi, trốn tránh, che giấu SỰ THẬT! Bầu bán xong rồi mới dám công khai, thì Dân còn biết làm gì!?” GS Mạc Văn Trang nêu chất vấn.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Đảng bấn loạn với 3 thách thức: Phản động, Biển Đông và tự diễn biến
>>> Bầu Bộ Chính Trị: Có thể một đồng hương của ông Võ Văn Kiệt sẽ thay Trần Quốc Vượng!
>>> Bám ghế nhiệm kỳ 3 – Tập Cận Bình “khen nóng” Nguyễn Phúc Trọng
Giáo sư Carl Thayer nhận định về Việt Nam sau Đại hội 13
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT